Vạn lý Trường Chinh: Cuộc rút lui chiến lược của Trung Quốc

Vạn lý Trường Chinh của Hồng quân Trung Quốc được coi là cuộc rút lui chiến lược, có quy mô lớn nhất trong lịch sử quân sự hiện đại với hành trình dài 12.000km, trở thành một bộ sử thi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nội chiến đầu tiên giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc nổ ra từ năm 1927. Năm 1931, Mao Trạch Đông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa (Soviet Republic of China) mới thành lập, với thủ đô là Thụy Kim, Giang Tây.

Chú thích ảnh
Di chỉ Tòa nhà Chính phủ Trung ương lâm thời nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa Thụy Kim, Giang Tây. Ảnh: Triệu Vĩnh Hà

Trong giai đoạn 1930 – 1934, Quốc Dân Đảng đã phát động tổng cộng năm chiến dịch bao vây quyết liệt nhằm chống lại nhà nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa, truy quét Hồng quân. Đến mùa hè năm 1934, Khu Xô viết Trung ương tại Giang Tây chỉ còn khoảng phân nửa so với ban đầu. Đến tháng 9 năm 1934, Tưởng Giới Thạch đã tổ chức một Hội nghị quân sự tại Lư Sơn đúc kết kinh nghiệm 5 lần tiến hành bao vây khu Xô viết Trung ương, vạch ra kế hoạch mang tên "Chiếc thùng sắt" nhằm tiêu diệt dứt điểm toàn bộ Ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Cuộc Vạn lý Trường Chinh diễn ra khi Hồng quân Trung Quốc có trong tay bản kế hoạch nêu trên của Quốc Dân Đảng. Một lực lượng khoảng 3 vạn quân được cắt cử ở lại đánh chặn Quốc Dân Đảng, số còn lại tiến hành rút lui, nhằm bảo toàn lực lượng. Trong số người được cử ở lại đánh chặn có em trai Mao Trạch Đông là Mao Trạch Đàm. Lực lượng này đã chiến đấu cực kỳ kiên cường, nhưng sau đó đa phần bị quân Quốc Dân Đảng tàn sát, Mao Trạch Đàm hy sinh ngày 26/4/1935. 

Chú thích ảnh
Di chỉ lần vượt sông đầu tiên ở huyện Vu Đô, thành phố Cán Châu, tỉnh Giang Tây, nơi khởi đầu cuộc Trường Chinh của Hồng quân Trung Quốc. Ảnh: Triệu Vĩnh Hà

Ngày 10/10/1934, Trung ương Đảng, Ủy ban Quân sự Cách mạng Trung ương lãnh đạo Hồng quân Trung ương (tức Phương diện quân số 1 của Hồng quân) gồm khoảng hơn 86.000 người rời Thụy Kim, Giang Tây, bắt đầu tiến hành cuộc Vạn lý Trường Chinh. Suốt quá trình này, họ thường xuyên chịu sự truy kích của khoảng 1 triệu quân Quốc Dân Đảng, trong đó trận đánh đẫm máu nhất xảy ra vào ngày 25 tháng 11 năm 1934 khi lực lượng Quốc Dân Đảng phục kích Hồng quân trên sông Tương Giang. Hồng quân mất một tuần để phá vỡ thế trận bao vây, phục kích của 15 sư đoàn quân Quốc Dân Đảng và vượt qua được sông Tương Giang, nhưng cái giá phải trả là thương vong của khoảng 50.000 người.

Ngoài ra, trong cuộc Trường Chinh, Hồng Quân còn phải đương đầu với địa hình cực kỳ khó khăn của miền Trung Trung Quốc cùng với đói khát, bệnh tật. Đặc biệt, vào đầu tháng 6/1935, Hồng quân phải vượt qua Đại Tuyết Sơn - dãy núi có đỉnh cao nhất hơn 5.300m, quanh năm tuyết trắng. Nhiều người lính Hồng quân đã ngã gục vì đói lạnh và kiệt sức. Khoảng giữa tháng 8/935, khi Hồng quân vượt cánh đồng cỏ hoang gần Tây Tạng, họ phải chịu sự đói khát, thời tiết bất thường, thiếu dưỡng khí, nên rất nhiều người đã mãi nằm lại nơi này. 

Ngày 19/10/1935, Trung ương Đảng và chủ lực Hồng quân Trung ương, chỉ còn lại 7.000 người, đã đến thị trấn Ngô Khởi, miền Bắc Thiểm Tây, sau đó tiến hành hội quân với Hồng quân Tây Bắc, kết thúc hành trình rút lui tiến về phía Tây rồi đi ngược lên phía Bắc với tổng chiểu dài 12.000km. Đến tháng 10/1936, Phương diện quân số 1 (Hồng quân Trung ương) và Phương diện quân số 2, số 4 lần lượt hội quân tại khu vực Hội Ninh, Tĩnh Ninh thuộc tỉnh Cam Túc, đánh dấu cuộc Vạn lý Trường Chinh kết thúc thắng lợi và cách mạng Trung Quốc đã đứng trên khởi điểm mới. 

Chú thích ảnh
Bức tranh mô tả cảnh Hồng quân vượt qua dãy Đại Tuyết Sơn, được trưng bày tại Bảo tàng Di chỉ chiến đấu Lâu Sơn Quan của Hồng quân Trung Quốc. Ảnh: Triệu Vĩnh Hà
Chú thích ảnh
Phục dựng khung cảnh Hội nghị Cẩu Bá (thuộc thị trấn Phong Hương, thành phố Tuân Nghĩa, Quý Châu), một hội nghị tương đối quan trọng trong cuộc Trường Chinh. Ảnh: Triệu Vĩnh Hà
Chú thích ảnh
Di chỉ địa điểm hội quân giữa Hồng quân Trung ương và Hồng quân Tây Bắc tại thôn Vòi Voi, huyện Cam Tuyền, thành phố Diên An, Thiểm Tây. Ảnh: Triệu Vĩnh Hà

Tổng cộng trong cuộc Vạn lý Trường Chinh, Hồng quân Trung Quốc đã đi qua 14 tỉnh, vượt qua 18 dãy núi, 24 con sông, tiến hành 380 cuộc chiến đấu, đánh chiếm hơn 700 huyện, thị xã, đánh tiêu hao hàng trăm trung đoàn của Quốc Dân Đảng, lập nên một kỳ tích trong lịch sử quân sự hiện đại. Theo đó, cuộc Vạn lý Trường Chinh đã xác lập một cách chắc chắn quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những cán bộ cốt cán khác được tôi luyện trong cuộc Trường Chinh này cũng trở thành những nhà lãnh đạo Đảng, Quân đội nổi bật như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức, Lâm Bưu,  Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Dương Thượng Côn…

Đặc biệt, có hai người Việt Nam cũng tham gia cuộc Trường Chinh này. Người thứ nhất là Lý Ban (tên thật là Bùi Công Quang). Trong quá trình tham gia, ông bị bệnh, phải dừng lại chữa trị và bị quân Quốc dân Đảng bắt. Do không để lộ sơ hở, dấu vết là Hồng quân, ông được thả và sau đó trở về Việt Nam hoạt động cách mạng, cuối cùng trở thành Bộ trưởng Bộ Thương mại. 

Chú thích ảnh
Đoàn phóng viên quốc tế thăm, chào, phỏng vấn chiến sĩ Hồng quân 101 tuổi, từng tham gia cuộc Trường Chinh, hiện được chăm sóc tại Viện dưỡng lão Bát Nhất, thành phố Diên An, Thiểm Tây. Ảnh: Triệu Vĩnh Hà

Người thứ hai là Nguyễn Sơn (tên thật là Võ Nguyên Bác), từng tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố, đã tham gia toàn bộ cuộc Trường Chinh. Trong quá trình này ông đổi tên là Hồng Thủy, từ Chính trị viên đại đội phát triển thành Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 34. Kết thúc Trường Chinh, ông lại tham gia toàn bộ cuộc kháng chiến chống Nhật của Hồng quân Trung Quốc. Khi kháng chiến kết thúc, năm 1945, ông trở về Việt Nam, đổi tên là Nguyễn Sơn, đồng thời vận dụng những kinh nghiệm trong thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc vào thực tiễn, qua đó lập được nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Năm 1948, ông được phong Quân hàm Thiếu tướng. Năm 1950, ông quay lại Trung Quốc làm việc. Năm 1955, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Như vậy, Nguyễn Sơn là người duy nhất trên thế giới trở thành ‘Lưỡng quốc tướng quân’, Đảng viên của hai Đảng Cộng sản.

Chú thích ảnh
Lễ kết nạp Đảng viên mới của Lớp thạc sĩ Tâm lý học khóa 2018, Trường Đại học Tây Nam tại Trùng Khánh, Tứ Xuyên được tổ chức tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Hồng quân trong cuộc Trường Chinh, tại Tuân Nghĩa, Quý Châu (một minh chứng về Tinh thần Trường Chinh vẫn được lưu truyền, lan tỏa tại Trung Quốc). Ảnh: Triệu Vĩnh Hà

Thắng lợi của cuộc Trường Chinh, trở thành biểu tượng chuyển nguy thành an của cách mạng Trung Quốc, cho thấy Đảng Cộng sản cùng Hồng quân Trung Quốc có sức chiến đấu ngoan cường, không quản ngại hy sinh, khó khăn, gian khổ, trung thành với lý tưởng cách mạng. Tinh thần đó đã trở thành động lực để cách mạng Trung Quốc không ngừng gặt hái thành công. Tinh thần Trường Chinh ấy cũng đã khích lệ rất nhiều nhà cách mạng lão thành Việt Nam, trong đó có cố Tổng Bí thư Trường Chinh – tên do ông đổi xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với cuộc Vạn lý Trường Chinh của Trung Quốc.

Ngày nay, Tinh thần Trường Chinh vẫn được lưu truyền, giáo dục và lan tỏa tại Trung Quốc. Ngày 20/5/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ghé thăm, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm ở huyện Vu Đô, thành phố Cán Châu, tỉnh Giang Tây, nơi khởi đầu cuộc Trường Chinh, đã tuyên bố rằng Trung Quốc giờ đây phải bước vào một cuộc "Vạn lý Trường Chinh mới" để vượt qua các thách thức lớn ở cả trong và ngoài nước.

Giới quan sát cho rằng đề cập này chính là chiến lược ứng phó với cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động nhằm vào Trung Quốc, hiện dần lan sang những lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, giáo dục, qua đó cho thấy đây là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.

Bài, ảnh: Vĩnh Hà (P/v TTXVN tại Trung Quốc)
Trung Quốc thử nghiệm thành công động cơ tên lửa Trường Chinh-8
Trung Quốc thử nghiệm thành công động cơ tên lửa Trường Chinh-8

Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không Trung Quốc (CASC) tuyên bố đã thử thành công động cơ tầng thứ 2 của tên lửa Trường Chinh-8, chuẩn bị cho vụ phóng đầu tiên vào năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN