Thất bại quân sự đầu tiên của Mỹ ở Mỹ Latinh

Cách đây 50 năm, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã lên kế hoạch tấn công xâm lược Cuba nhằm lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của Tổng tư lệnh Fidel Castro. Với âm mưu này, CIA đã tổ chức huấn luyện, đào tạo và trang bị vũ khí cho những tên Cuba lưu vong để đổ bộ vào lãnh thổ Cuba tại khu vực bãi biển Giron (Hirôn), cách thủ đô La Habana hơn 200 km về phía đông nam.

Kế hoạch của CIA thảm bại

Đêm 14/4/1961, sau hơn một năm được huấn luyện kỹ càng, 164 phần tử người Cuba sống lưu vong tại Mỹ đã đổ bộ gần Baracoa, tỉnh miền đông Oriente của Cuba. Một chiếc tàu mang cờ hiệu Côxta Rica, xuất phát từ Key West (bang Florida, miền nam nước Mỹ) cùng một số tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã thả neo gần bờ biển Vịnh Guantanamo. Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch nghi binh nhằm đánh lạc hướng lực lượng an ninh Cuba.
Sáng 15/4, 8 phi cơ Douglas B-26B của Mỹ, được sơn giả dấu hiệu của Lực lượng Không quân Cách mạng Cuba và có trang bị bom, hỏa tiễn, súng máy, đã xuất phát từ Nicaragoa.

Tổng tư lệnh Fidel Castro nhảy xuống từ xe tăng trong trận chiến Giron.

Chúng chia làm ba nhóm, đồng loại tấn công các sân bay Cuba, tại San Antonio de Los Baños và Ciudad Libertad, thuộc địa phận La Habana, cùng Sân bay Quốc tế Antonio Maceo ở tỉnh miền đông Santiago de Cuba. Nhiệm vụ của nhóm này là phá hủy phần lớn hoặc tất cả máy bay vũ trang của Không quân Cuba nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ chính thức sau đó. Một trong những phi cơ này đã bị quân đội Cuba tiêu diệt và hai tên phi công đã thiệt mạng. Sau khi thực hiện cuộc tấn công Cuba, chúng bay về Florida (Mỹ) và Nicaragoa nhằm đánh lạc hướng bằng thông tin đây là những máy bay của binh sĩ Cuba đào tẩu.

Cùng ngày, tại Liên hợp quốc (LHQ), Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Raúl Roa đã lên tiếng buộc tội Mỹ không kích Cuba. Phản ứng lại, Đại sứ Mỹ tại LHQ Adlai Stevenson cho rằng, không quân Mỹ không có bất cứ lý do gì để can thiệp vào Cuba và Mỹ đảm bảo không có công dân nào của nước này tham dự vào các hoạt động phá hoại Cuba. Stevenson khẳng định, chính những binh lính Cuba đào ngũ đã thực hiện vụ tấn công đó.

Trong đêm 16 và sáng 17/4, hai nhóm bộ binh dưới sự chỉ huy của các nhân viên CIA cùng 5 người nhái đã đổ bộ lên bờ biển Giron. Theo sau các nhóm này là một lực lượng gồm 4 tàu vận tải chở khoảng 1.300 tên lính Cuba lưu vong, cùng với xe tăng và các loại xe bọc thép khác cũng xâm nhập khu vực bờ biển Giron. Rạng sáng 17/4, các máy bay Sea Fury, B-26 và T-33 của Không quân Cuba bắt đầu tấn công tàu xâm lược, lúc này vẫn đang tiếp tục đổ quân xuống Giron. Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba đã liên tiếp tấn công đội quân xâm lược và gây cho chúng những tổn thất nặng nề.
Trước lưới phòng không dày đặc của quân đội Cuba, máy bay của đội quân xâm lược đã không thể tiếp tục yểm trợ cho bộ binh. Những tên lính Cuba lưu vong đã tiến vào đất liền buộc phải lùi về các bãi biển trước sự tấn công mạnh mẽ của pháo binh, xe tăng và bộ binh Cuba. Cuối ngày 19/4, hai tàu khu trục Mỹ đã tới vùng biển Giron để di tản các binh sĩ đang tháo chạy, trước khi những loạt đạn từ xe tăng của quân đội Cuba buộc các tàu này phải rút lui.

Chỉ sau 72 giờ phản công, lực lượng quân đội Cuba dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng tư lệnh Fidel Castro, đã đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ. Chiến thắng Giron đánh dấu sự thất bại lần đầu tiên của Mỹ ở Tây Bán cầu, mặc dù trước đó CIA rất tự tin về việc có đủ khả năng lật đổ Chính phủ Cuba. Sau sự kiện này, Tổng tư lệnh Fidel Castro, lúc đó mới 35 tuổi, đã tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước Cuba.

Nửa thế kỷ thắng lợi

Trong những ngày này, người dân Cuba đang vui mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Giron, đặc biệt nhân dịp này Đảng Cộng sản Cuba tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ VI. Ngày 16/4, tại Quảng trường Cách mạng sẽ diễn ra lễ duyệt binh. Hàng nghìn thanh niên sẽ tham gia diễu hành để thể hiện quyết tâm theo đuổi và bảo vệ sự nghiệp cách mạng.

Đài Truyền hình Cuba tuần qua liên tục đưa tin về các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Giron trên khắp đất nước cũng như những đổi thay trong cuộc sống của người dân ở Giron trong 50 năm qua.

Xác máy bay của quân xâm lược bị bắn hạ trong cuộc chiến Giron.

Trước cách mạng, Giron là một vùng xa xôi và hẻo lánh, chỉ có một con đường duy nhất nối với thế giới bên ngoài, không trường học, không bệnh viện. Lúc đó, người dân rất nghèo và sống chủ yếu bằng nghề bán than. Ngày nay, cuộc sống của người dân Giron đã được cải thiện đáng kể. Nhớ lại lần tới thăm Giron hồi cuối năm ngoái, chúng tôi đã được đi trên con đường rải nhựa rất đẹp dẫn từ đường cao tốc tới bãi biển Giron. Dọc đường có nhiều đài tưởng niệm những chiến sĩ Cuba đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Giron, nhiều biển báo ghi lại nơi quân xâm lược đã đổ bộ, những bức ảnh về sự rút chạy của chúng và những tấm áp phích ghi lại câu nói của lãnh tụ Fidel Castro: “Chiến thắng Giron là thất bại quân sự đầu tiên của chủ nghĩa đế quốc Mỹ tại Mỹ Latinh”. Nhà cửa hai bên đường đều khang trang. Giron đã có trường học, bệnh viện, hệ thống lưới điện, điện thoại và người dân đã được sử dụng nước sạch.

Chúng tôi tới thăm vùng đầm lầy Cienaga de Zapatas, nơi nhiều kẻ xâm lược đổ bộ đã bị sa lầy, nay đã thành khu bảo tồn thiên nhiên vùng ngập mặn lớn hàng đầu thế giới và rất nổi tiếng với hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Trên chiếc tàu cao tốc len lỏi xuyên qua những kênh, rạch vùng đầm lầy Cienaga de Zapatas, chúng tôi gặp rất nhiều tàu chở du khách nước ngoài. Ngày nay, khu vực này đã trở thành địa điểm du lịch rất được yêu thích, không chỉ nhờ vẻ đẹp đầy nắng và gió của nơi cửa biển mà còn nhờ mối liên hệ với Chiến thắng Giron.

Ngày 15/4, tại trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Cuba phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức mít tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng Giron (19/4/1961 – 19/4/2011). Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Cuba Nguyễn Thị Kim Ngân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Fredesman Turro Gonzalez dự lễ mít tinh. Sự kiện Giron cách đây 50 năm đã đánh dấu thất bại quân sự lớn đầu tiên của Mỹ ở Tây Bán cầu, phá tan huyền thoại bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ. Nhân dân Cuba đã nêu một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần bất khuất, kiên cường vì nền độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hoàng Vân

Bảo tàng Giron, nằm cách bãi biển khoảng 2 km, trưng bày nhiều vũ khí và thiết bị quân sự của cuộc chiến năm đó, với những bức ảnh và bản đồ mô tả lại cuộc tấn công và những hình ảnh của những liệt sĩ Cuba. Ngoài ra, bảo tàng còn có những hình ảnh, hiện vật, bằng chứng cho thấy sự tham gia của CIA và những kẻ tay sai được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc xâm lược này. Năm 2010, Bảo tàng Giron đã đón gần 76.000 khách tham quan, trong đó có 40.000 du khách nước ngoài.

Nói chuyện với một cụ già 70 tuổi sống ở khu vực này, tôi được biết cụ đã từng tham gia trận chiến Giron. Khi biết tôi là người Việt Nam, cụ nói rằng: “Dân tộc Việt Nam thật anh hùng. Các bạn đã chiến thắng đế quốc Mỹ”. Sau đó, cụ say sưa kể với tôi về những ngày chiến sự ác liệt năm đó và cụ cũng tự hào khoe vết sẹo còn trên vai do một viên đạn để lại. Cụ nói với tôi: “Chúng có thể quay lại xâm lược Cuba bao lần chúng muốn. Chúng tôi sẽ chào đón chúng với vũ khí trên tay. Tôi sẵn sàng ra trận lần nữa để đối mặt với chúng. Tôi tin rằng thế hệ trẻ ngày nay có thể tiếp bước cha ông bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”.

Diệu Hương (P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN