Thám tử lừng danh nhất nước Mỹ

Thám tử lừng danh nhất nước Mỹ-Kỳ 1: Mưu sinh trên đất Mỹ

Sinh ra ở Xcốtlen, di cư sang Mỹ, làm giàu từ hai bàn tay trắng với nghề đóng thùng, nhưng cuộc đời đưa đẩy đã khiến Allan Pinkerton trở thành thám tử tài ba nhất nước Mỹ. Sự nghiệp và di sản của Allan gắn liền với quá trình phát triển của Mỹ trong suốt hơn 150 năm qua. Với những thành công, cống hiến trong cuộc đời mình, Allan đã góp phần thay đổi nước Mỹ, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong lịch sử đất nước này.

Kỳ 1: Mưu sinh trên đất Mỹ

Không có gì ngạc nhiên khi người đàn ông trở thành thám tử tài ba nhất nước Mỹ và là một trong những thám tử nổi danh nhất thế giới được sinh ra trong một gia đình “nhà nòi”. Bố Allan, ông William Pinkerton, cũng là trung úy cảnh sát ở Glasgow (Xcốtlen).

Vợ chồng Allan khi đã về già.


Sinh ngày 25/8/1819, cậu bé Allan ngay từ nhỏ đã khao khát phiêu lưu mạo hiểm – sở thích mà bố mẹ cậu chưa bao giờ bằng lòng. Thông minh và năng động, cậu bé chán cảnh học hành bó buộc mà thường trốn học nhiều ngày đi lang thang săn bắn trong khu rừng phía bắc Glasgow, hay đi câu cá trên sông Clyde.
Trong một cuộc bạo động chính trị nổ ra ở quảng trường thành phố, ông William thiệt mạng khiến cậu bé Allan rơi vào cảnh mồ côi cha. Allan đã bỏ học và đi làm thợ đóng thùng. Cậu luôn tỏ ra là một người thợ thông minh nhất.

Lớn lên, Allan gia nhập một tổ chức cách mạng tên là Chartists, đòi tiếng nói cho những người thuộc tầng lớp dưới trong chính phủ. Tất nhiên, chính quyền Anh không thích tổ chức này và nhanh chóng xác định những thành viên hoạt động tích cực nhất, trong đó có chàng thanh niên 22 tuổi làm nghề đóng thùng Allan Pinkerton.

Một góc Chicago sầm uất trong thế kỷ 19.


Ngày 13/3/1842, Allan kết hôn với một cô gái người Edinburgh tên là Joan Carfae. Kế hoạch tuần trăng mật của họ bị hủy bỏ khi một người bạn của Allan cấp tốc thông báo rằng một nhóm binh lính đang trên đường đến bắt Allan. Hai vợ chồng Allan ngay lập tức lên tàu đi Quebec (Canađa).

Tuy nhiên, khi con tàu gần cập bến ở Halifax thì gặp bão. Toàn bộ hành khách may mắn thoát chết nhưng mất sạch tài sản. Allan và Joan chỉ còn bộ quần áo đang mặc trên người, vài mảnh bạc trong túi áo Allan và chiếc nhẫn cưới trên ngón tay Joan. Vừa ướt, vừa mệt lử, nhưng vừa ngả lưng trên bãi biển thì họ gặp một băng cướp người da đỏ. Chiếc nhẫn của Joan đã bị bọn chúng lấy mất.

Nhóm hành khách bị dạt vào bờ đã được một con tàu cứu. Allan và vợ tìm cách vào Mỹ thay vì Quebec như đã định. Allan quyết định đến thành phố Chicago – một thành phố đang thiếu đủ loại thợ nghề, đặc biệt là thợ đóng thùng vì thời đó, hầu như mọi thứ từ vật dụng, quần áo, thực phẩm đến thuốc men đều được vận chuyển bằng thùng.

Hai vợ chồng dừng tại Detroit (bang Michigan). Họ mua một chiếc xe kéo và ngựa, một ít dụng cụ nấu ăn, thịt khô và hướng về phía Chicago. Dọc đường đi, họ ở trong các nhà kho trên cánh đồng vì không có tiền thuê nhà trọ. Hết thức ăn, họ kiếm tạm những gì có được trên đường. Khi đến Chicago, Allan đã bán xe ngựa để thuê khách sạn.

Chicago đúng như những gì mà Allan từng nghe kể, dù không sạch đẹp nhưng rất sầm uất. Nghe chuyện từ một nhóm người đồng hương Xcốtlen, Allan biết rằng nhà máy bia Lill’s ở trung tâm thành phố đang tuyển thợ đóng thùng. Allan nhanh chóng tìm được việc ở đây và kiếm được những đồng tiền đầu tiên trên đất Mỹ.

Công việc ở nhà máy bia Lill’s giúp vợ chồng Allan có được một cuộc sống ổn định mà họ trông chờ, đủ tiền sống tươm tất và còn để dành được chút ít. Nhưng chẳng bao lâu, trí óc năng động của Allan khiến anh không muốn dừng lại. Anh muốn có một xưởng của riêng mình.

Allan nghe nói rằng thị trấn nhỏ Dundee, cách Chicago gần 50 km, có đông người Xcốtlen sinh sống nhưng không hề có xưởng đóng thùng. Người dân Dundee phàn nàn vì phải bỏ nhiều tiền mua thùng từ các khu vực khác. Nhìn thấy cơ hội độc quyền ngành đóng thùng cho toàn bộ khu vực này, Allan nhanh chóng nghỉ việc và mở một xưởng nhỏ trên bờ sông Fox, một trong những con đường vận chuyển dẫn tới Chicago.

Công việc kinh doanh phát đạt nhanh chóng. Từ một xưởng nhỏ, Allan đã mở rộng thành nhà máy đóng thùng chỉ trong thời gian ngắn. Anh có 10 thợ làm thuê. Nhu cầu thùng lớn hơn những gì mà Allan dự báo nhưng anh có thể đáp ứng được. Thế là, người dân trong vùng ai cũng biết đến Allan – một thanh niên trung thực chuyên cung cấp những sản phẩm hàng đầu với giá rẻ hơn rất nhiều so với các xưởng ở Chicago. Hơn nữa, anh không bao giờ đòi họ trả tiền trong những thời điểm vụ mùa khó khăn. Allan còn dùng phương thức hàng đổi hàng để tiết kiệm thời gian mua bán đồ dùng cho hai vợ chồng.

Năm 1846, Allan đã có cậu con trai đầu lòng được đặt theo tên bố anh, William. Sau đó, họ lại có một cặp song sinh tên là Robert và Joan.

Muốn giữ giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất, Allan nghĩ ra cách để giảm giá mà không giảm chất lượng. Anh nhận thấy không nhất thiết phải mua gỗ để làm đai thùng mà có thể tự kiếm lấy. Nghĩ là làm. Allan rời xưởng và chèo thuyền ra một hòn đảo ở giữa sông đốn gỗ. Anh không biết rằng ngày này về sau sẽ thay đổi cuộc đời anh mãi mãi.

Thùy Dương


Đón đọc kỳ tới: Lối rẽ cuộc đời

Thám tử lừng danh nhất nước Mỹ: Kỳ 3: Một huyền thoại
Thám tử lừng danh nhất nước Mỹ: Kỳ 3: Một huyền thoại

Quay lại Chicago sau vài năm, Allan Pinkerton nhận ra rằng thành phố này đã thay đổi đáng kể. Cùng với sự phát triển nhanh chóng, số lượng tội phạm cũng tăng rất nhanh. Chicago là điểm đến của nhiều kẻ có tham vọng làm giàu nhanh chóng và bằng mọi cách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN