Thảm họa vỡ đập St. Francis ở Mỹ: Bi kịch vì kiêu ngạo - Kỳ cuối

Chỉ chín ngày sau thảm họa, cuộc điều tra của cảnh sát điều tra Quận Los Angeles (Mỹ) đã bắt đầu.

 Kỳ cuối: Bài học đắt giá

Chú thích ảnh
Những gì còn sót lại của Đập St. Francis. Ảnh: Getty images

 

Ông Mulholland buồn bã lên bục khai: "Cuộc điều tra này là một điều rất đau đớn đối với tôi khi phải tham dự". Ông cho biết ông có cảm giác muốn chết đi như những nạn nhân để không phải đứng trước phiên tòa sau thảm họa. Kỹ sư trưởng làm chứng rằng ông không thấy có dấu hiệu nào cho thấy con đập sẽ bị vỡ.

Cuộc điều tra đã xóa tội cho Mulholland, nhưng phán quyết tuyên bố rằng việc xây dựng và vận hành một con đập lớn không bao giờ được để cho một người duy nhất quyết định mà không có sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn độc lập, dù người đó có nổi tiếng đến đâu.

Một ủy ban gồm các kỹ sư và nhà địa chất do Thống đốc California CC Young bổ nhiệm đã kết luận rằng khối kết tụ bên dưới mố đập phía Tây không đủ sức chịu đựng cho cấu trúc khổng lồ này và nước đã thấm vào nền móng của Đập St. Francis, nâng nó lên. Các nhà điều tra đã phát hiện ra những thiếu sót khác trong thiết kế, bao gồm việc nâng đập từ độ cao đề xuất ban đầu là 55m lên 64m mà không tăng chiều rộng của phần đế tương ứng để tăng khả năng chịu lực, làm giảm đáng kể tính ổn định của cấu trúc. Đồng thời, các nghiên cứu địa chất đã phát hiện ra rằng, phần mố phía Đông thậm chí nằm trên khu vực từng xảy ra một trận lở đất và có dấu hiệu sẽ lở đất tiếp, nhưng Mulholland không phát hiện ra.

Giáo sư Deverell nói: “Cấu trúc địa chất ở cả hai bên đập đều khác nhau và điều đó tạo ra khả năng thất bại thảm hại”. Ông kết luận rằng do Mulholland đang ở đỉnh cao danh tiếng, quyền lực và thẩm quyền do vậy người ta đã không chú trọng nhiều đến khâu kiểm tra và cân bằng để đảm bảo chất lượng cũng như sự an toàn của đập.

Thảm họa đã hủy hoại danh tiếng của Mulholland, khiến ông phải từ chức ngay sau đó. Ông sống những năm cuối đời trong nỗi ân hận sâu sắc, mang theo gánh nặng của một người đã chứng kiến những hậu quả tồi tệ nhất từ sai lầm của mình.

Thảm họa đập St. Francis không chỉ cướp đi mạng sống của hàng trăm người mà còn là cú sốc lớn đối với ngành kỹ thuật xây dựng. Những bài học từ sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế và vận hành các công trình thủy lợi tại Mỹ. Theo đó, các dự án lớn yêu cầu phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau và sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan độc lập. Thiết kế các công trình lớn, đặc biệt là đập thủy lợi, cần xem xét kỹ các yếu tố địa chất để tránh rủi ro nền móng không ổn định.

Ngoài ra, thảm họa cũng cho thấy cần thiết lập các kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Vào thời điểm xảy ra sự cố, các cảnh báo không được phát ra kịp thời, khiến hàng trăm người dân ở hạ lưu không có đủ thời gian để di tản. Hệ thống thông tin và cảnh báo sớm trong các công trình quan trọng sau đó đã được cải tiến, nhằm giảm thiểu thương vong khi xảy ra thảm họa tương tự.

Trách nhiệm xã hội và pháp lý cũng được nhấn mạnh sau vụ việc. Nhiều công ty và chính quyền địa phương đã bị chỉ trích vì thiếu giám sát, dẫn đến hàng loạt tiêu chuẩn an toàn mới được ban hành. Đây cũng là bước ngoặt buộc các kỹ sư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc đảm bảo tính toàn vẹn của công trình.

Chú thích ảnh
Bia mộ tưởng niệm 7 gia đình thiệt mạng trong thảm họa. Ảnh: Gettyimages

Ngày nay, những gì còn lại của đập St. Francis chỉ là những mảnh bê tông khổng lồ nằm rải rác ở hẻm núi San Francisquito. Địa điểm này đã trở thành một đài tưởng niệm lịch sử, nhắc nhở về thảm họa từng xảy ra. Năm 2019, khu vực này được công nhận là Đài tưởng niệm và Tượng đài Quốc gia St. Francis, với hy vọng giữ lại ký ức về những nạn nhân và bài học từ bi kịch.

Kế hoạch xây dựng một trung tâm du lịch, bảo tàng và các tượng đài tưởng niệm vẫn đang được triển khai. Dự kiến, một bức tường khắc tên các nạn nhân sẽ được xây dựng để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong thảm họa.

Thảm họa đập St. Francis không chỉ là câu chuyện về sự sụp đổ của một công trình lớn mà còn là biểu tượng của những sai lầm trong tham vọng và quản lý. Đây là một lời nhắc nhở rằng, trong mọi dự án kỹ thuật, sự cẩn trọng và trách nhiệm phải luôn đặt lên hàng đầu. Những mạng sống đã mất không thể lấy lại, nhưng bài học từ sự kiện này sẽ mãi mãi là kim chỉ nam cho các thế hệ kỹ sư sau này.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo History, Worldhistory)
Thảm họa vỡ đập St. Francis ở Mỹ: Bi kịch vì kiêu ngạo - Kỳ 1
Thảm họa vỡ đập St. Francis ở Mỹ: Bi kịch vì kiêu ngạo - Kỳ 1

Rạng sáng ngày 13/3/1928, một trong những thảm họa kỹ thuật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra tại California. Đập St. Francis, biểu tượng của tham vọng kỹ thuật và sự phát triển nhanh chóng của thành phố Los Angeles (Mỹ), đã bất ngờ sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN