Vào một ngày định mệnh năm 1963, một trận lở đất đã gây ra một trong những thảm họa vỡ đập tồi tệ nhất trong lịch sử, tạo ra một cơn sóng thần mang theo 49 triệu mét khối nước xé toạc thung lũng Piave và giết chết hơn 2.000 người.
Đập Vajont - hình ảnh đại diện của nước Ý thời hậu chiến
Hẻm núi sông Vajont là một trong những hẻm núi hẹp tự nhiên sâu nhất trên thế giới. Từ những năm 1920 và 1930, có nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng một đập thủy điện giữa hai rặng núi ở khu vực này. Con đập sẽ là một thành tựu quan trọng của cơ sở hạ tầng dân dụng, với tác dụng cung cấp nhu cầu năng lượng cho toàn bộ vùng Đông Bắc nước Ý. Vấn đề là đỉnh núi bên phải của con đập có tên chính thức là Monte Toc, dịch ra là "núi đi bộ", bởi tính chất dễ sạt lở đất cùa nó.
Chính phủ phát xít của Benito Mussolini lần đầu tiên phê duyệt việc xây dựng con đập trong Thế chiến thứ hai, nhưng phải đến những năm 1950 thì dự án này mới dần dần được khởi động . Do nhận được sự viện trợ tiền mặt của Kế hoạch Marshall, một kế hoạch viện trợ kinh tế cho vùng tây Châu Âu của Mỹ, Italy cuối cùng đã bắt đầu xây dựng con đập khi SADE, một trong những công ty điện lớn nhất trong nước, quyết định tham gia việc xây dựng con đập này.
Trên khắp đất nước, việc xây dựng đập Vajont được coi là biểu tượng của sức mạnh công nghệ và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, người dân địa phương ở các thị trấn rải rác dưới con đập tỏ ra không hề lạc quan. Lịch sử cho thấy rằng hẻm núi sông Vajont không hề ổn định. Ngoài câu chuyện về “ngọn núi đi bộ”, các nhà địa chất nghiên cứu khu vực trong nhiều thập kỷ đã chỉ ra rằng một phần của hẻm núi tự hình thành từ một vụ lở đất lớn hàng nghìn năm trước. Ngay cả những con đập tự nhiên trong khu vực cũng liên tục thay đổi khi sự sụp đổ của chúng thường xuyên đi đôi với lở đất và xói mòn.
Bất chấp sự phản đối và những bằng chứng rõ ràng này, việc xây dựng con đập vẫn được tiếp tục. Chính phủ Italy đã cấp cho SADE đặc quyền gần như độc quyền về năng lượng của nước này trước đó và vì vậy vào năm 1957, khi việc xây dựng bắt đầu, không ai có thể ngăn cản họ.
Sự sụp đổ được báo trước
Ngay sau khi việc xây dựng được bắt đầu, những vấn đề lớn liên tục xảy đến với đập Vajont. Vào năm 1959, các kỹ sư phát hiện ra rằng việc xây dựng con đập đã gây ra các vụ lở đất nhỏ và chấn động đất trên khắp thung lũng. Vào giữa năm 1962, các thành phố tự trị gần đó là Erto và Casso báo cáo xuất hiện những trận động đất ở cấp độ 5 trên thang Mercalli. Những chấn động này đủ mạnh để lật úp đồ vật, làm vỡ bát đĩa và di chuyển nội thất trong nhà.
Tuy nhiên, khi các nhà báo bắt đầu đưa tin về những sự cố này, chính quyền địa phương đã kiện họ về tội “phá hoại trật tự xã hội”. Chính quyền tuyên bố rằng các nhà báo không có biên bản ghi chép về trận động đất hoặc bằng chứng chắc chắn để chứng minh cho các khiếu nại của họ. Thay vì đối mặt với vấn đề, chính phủ đã chọn cách che đậy nó.
Bất chấp những lo ngại, SADE đã bắt đầu đổ đầy nước vào hồ chứa rỗng vào đầu năm 1960. Vào tháng 10 năm đó, mực nước đã lên tới gần 170 mét, khiến những áp lực lên những ngọn núi xung quanh ngày càng gia tăng. Tại thời điểm này, các vết nứt bắt đầu hình thành trên các mặt núi ở hai bên của hồ chứa. Một trong những vết nứt dài tới 1.9 km.
Vào tháng 11, chỉ một tháng sau khi những vết nứt đầu tiên bắt đầu hình thành, các kỹ thuật viên đã lấp đầy hồ chứa tới độ cao 270 mét. Những ngọn núi xung quanh bắt đầu không chịu được sức căng của nước. Các sườn đồi xung quanh đã giải phóng gần 1 triệu mét khối đá, gần tương đương với thể tích của Tòa nhà Empire State (Mỹ), xuống hồ. Mặc dù các vụ sạt lở tương đối nhỏ nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo khiến cho các kỹ thuật viên phải nhanh chóng hạ mực nước xuống thấp hơn.
Sau một loạt nghiên cứu và tìm hiểu về khu vực này, các kỹ thuật viên của đập Vajont đã nhận ra rằng ngọn núi bên cạnh con đập vốn dĩ không ổn định. Kỹ sư trưởng của SADE thậm chí còn thừa nhận điều này khi hồi tưởng lại rằng: “Việc ngăn chặn lở đất đá là vô vọng, bởi vì tất cả các phương tiện cần phải áp dụng đều nằm ngoài giới hạn của con người”.
Cơn đại sóng thần nhấn chìm thung lũng
Bất chấp rủi ro có thể xảy ra, các kỹ sư tin rằng họ có thể lấp đầy hồ chứa dưới mức tối đa 25 mét mà vẫn tránh được thảm họa. Với những nghiên cứu cẩn thận và quá trình theo dõi rủi ro, họ tin rằng mọi vấn đề đều có thể được kiểm soát.
Chỉ vài tháng sau trận lở đất đầu tiên, SADE đã nâng mực nước của đập nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Các sườn núi xung quanh lần lượt phản ứng, dịch chuyển lên đến 3,5 cm/ngày, tăng rất nhiều so với mức 0,3 cm/ngày của năm 1962. Đến năm 1963, con đập được lấp đầy nước, và phía nam của đỉnh Monte Toc di chuyển tới 1 mét mỗi ngày.
Vào ngày 9/10/1963, các kỹ sư bắt đầu nhận thấy cây cối và đá đổ xuống trong khu vực sau khi bị phá hủy bởi một trận lở đất. Tuy nhiên, dựa trên các mô phỏng mà họ đã tạo ra, các kỹ sư tin rằng sẽ chỉ hình thành một con sóng nhỏ trong hồ chứa do hậu quả của vụ lở đất này.
Đột nhiên, vào lúc 10 giờ 39 phút tối, một khối núi khổng lồ với kích thước 260 triệu mét khối bắt đầu rơi xuống từ đỉnh Monte Toc với tốc độ khủng khiếp 109 km/h. Khi khối núi này lao vào hồ chứa, một làn sóng cao 250 mét hình thành khi va chạm, làm dịch chuyển 50 triệu mét khối nước trong quá trình này.
Trận sóng thần cực lớn này đã phá hủy hoàn toàn các ngôi làng ở Thung lũng Piave bên dưới đập Vajont. Trong một giờ sau đó, khi một cơn sóng thần nguyên sơ phá hủy hoàn toàn các cảnh quan, gần 2.500 người đã thiệt mạng. Toàn bộ các thị trấn xung quanh bị sụp đổ, gần 1/3 dân số của thị trấn Longarone thiệt mạng.
Công lý cho các nạn nhân của thảm họa
Trong những năm sau đó, những người sống sót đã đưa chính phủ và các kỹ sư xây dựng đập ra tòa. Năm 1969, sau một phiên tòa được công khai rộng rãi, chủ tịch công ty xây dựng đập, chủ tịch Hội đồng Công trình công cộng khu vực, và một kỹ sư trưởng công ty đều bị kết tội sơ suất và ngộ sát, mỗi người bị kết án sáu năm tù. Sau những trận chiến pháp lý tiếp theo, một số người sống sót cuối cùng đã được đền bù sau những cố gắng của họ.
Năm 2008, UNESCO đã liệt kê thảm họa Đập Vajont là một trong những thảm họa môi trường nhân tạo tồi tệ nhất trong lịch sử. Sự việc này phải là một lời cảnh tỉnh rằng con người không thể đặt niềm tin hoàn toàn vào ý tưởng về tiến bộ công nghệ. Đập Vajont chính là một ví dụ điển hình của việc con người chống lại thiên nhiên. Cuối cùng, thiên nhiên đã chiến thắng.