Trên chính trường nước Mỹ, nhóm các nhân vật người gốc Cuba là một lực lượng chính trị có tiếng nói mạnh mẽ, đặc biệt là trong Quốc hội. Cái gọi là hoạt động vận động hành lang của các chính trị gia Mỹ gốc Cuba là một trong những yếu tố hỗ trợ cho những lợi ích của Washington trong cuộc chiến chống Cuba ngay từ những ngày đầu sau khi cách mạng Cuba thành công. Đó luôn là một công cụ chính trị được chính quyền Mỹ tận dụng tối đa. Đặc biệt, dưới thời của Tổng thống Ronald Reagan, trùng với thời kỳ xuất hiện phong trào bảo thủ mới ở Mỹ, thì hoạt động vận động hành lang này tạo được sự chú ý nhất và có được mức độ tổ chức tốt nhất với sự thao túng ở tất cả các tầng lớp trong hệ thống quyền lực và truyền thông của Mỹ.
Hạ nghị sỹ Ileana Ros-Lehtinen, một nhân vật cực hữu chống Cuba kịch liệt trong Quốc hội Mỹ. |
Trong hầu hết các cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, vấn đề liên quan tới Cuba luôn là một trong những quân bài quan trọng được các ứng cử viên sử dụng để thu hút là phiếu cử tri và đằng sau đó luôn là áp lực mạnh mẽ của lực lượng cực hữu người gốc Cuba. Trong rất nhiều cuộc vận động tranh cử trước đây, ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể có những quan điểm trái ngược trong nhiều vấn đề song khi đề cập đến quan hệ với Cuba thì hầu như những khác biệt đều biến mất và mục tiêu luôn là “hạ bệ” chính quyền cách mạng Cuba.
Rất khó để hình dung được rằng chính sách thù địch của Mỹ chống Cuba lại có thể tồn tại được suốt hơn nửa thế kỷ nếu không có các hoạt động vận động được hợp pháp hóa của lực lượng cực hữu gốc Cuba, những đối tượng chưa bao giờ muốn có một sự cải thiện trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm để khẳng định rằng những nhóm này lại có thể quyết định được chính sách của Mỹ đối với Cuba cho dù họ có những ảnh hưởng không thể bàn cãi.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Cuba Jesus Arboleya cho rằng tầm quan trọng của các nhóm gốc Cuba đôi khi được giới truyền thông thổi phồng khiến cho họ lầm tưởng về vai trò của mình trên chính trường Mỹ. Người ta vẫn nói rằng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ lá phiếu của những người gốc Cuba thường mang tính quyết định và nếu chính trị gia nào đi lệch ra ngoài quĩ đạo trong chính sách thù địch với Cuba của các nhóm này thì sẽ phải trả giá trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, trên thực tế nó chỉ có ảnh hưởng ở thành phố Miami hoặc rộng hơn là bang Florida, nơi vẫn được coi là thành trì của các nhóm cực hữu chống Cuba. Theo thống kê, thì đa phần các ứng cử viên Dân chủ, có quan điểm bớt cực đoan hơn trong quan hệ với Cuba, thường chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu tại Florida.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ giải cứu cậu bé Elian Gonzalez, trong một sự kiện tranh chấp quyền nuôi dưỡng mà nhóm cực hữu gốc Cuba sử dụng như một quân bài chính trị. |
Mặt khác, sự biến đổi về tư duy, văn hóa trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba bắt nguồn từ sự thay đổi thế hệ, tác động của những người nhập cư mới, cũng như mong muốn ngày càng tăng của cộng đồng có được một mối liên kết với quê hương, đã tạo ra những tác động lớn trong cách nhìn nhận của giới chức Mỹ trong quan hệ với Cuba. Giờ đây, chính các nhóm cực hữu gốc Cuba lại đang lo sợ sự ảnh hưởng của thế hệ gốc Cuba mới này, những người đang đề xuất phải xem xét lại Luật Điều chỉnh Cuba, một trong những yếu tố then chốt trong chính sách thù địch của Mỹ với Cuba. Thực tế đó có thể dẫn tới việc các nhóm “lưu vong lịch sử” mất dần ảnh hưởng trong cộng đồng và không còn có thể sử dụng yếu tố cộng đồng để tác động tới các chính sách của chính quyền đối với Cuba.
Sự kiện em bé Elian Gonzalez khi vượt biên cùng với mẹ nhưng không có sự đồng ý của người cha hồi năm 2000 là một minh chứng nữa cho việc một khi lực lượng cực hữu trở thành một rào cản đối với những lợi ích quốc gia của Mỹ thì họ sẽ bị gạt sang một bên. Khi đó, cậu bé này là người duy nhất sống sót trong một chuyến vượt biên và họ hàng ở Miami đòi quyền nuôi. Chính phủ Cuba và người cha của Elian đã phải đấu tranh trong suốt nhiều tháng để đưa cậu bé trở về Cuba, trong khi họ hàng với sự hậu thuẫn của các nhóm cực hữu ở Miami định sử dụng cậu bé như một công cụ chính trị để gây sức ép với chính phủ. Cuối cùng, tòa án Mỹ đưa ra phán quyết đồng ý đưa cậu bé trở về với gia đình ở Cuba nhưng cơ quan chức năng Mỹ cũng phải sử dụng đến vũ lực để đòi cậu bé từ “hang ổ” của các nhóm cực hữu. Vụ việc này cũng cho thấy ảnh hưởng của các nhóm cực hữu gốc Cuba trong hệ thống chính trị Mỹ không hẳn lúc nào cũng có thể quyết định được những bước đi của chính quyền trong quan hệ đặc biệt phức tạp với Cuba.