Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba - Mỹ - Kỳ 2

Ngay từ đầu phía Liên Xô đã quyết định lắp đặt hệ thống tên lửa hạt nhân ở Cuba một cách bí mật và chỉ công khai với thế giới khi mọi việc đã hoàn tất, buộc Mỹ phải chấp nhận. Trước tình thế này, lãnh tụ cách mạng Fidel Castro luôn bảo vệ quan điểm cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa tại Cuba cần phải được thực hiện một cách công khai với sự bảo trợ của luật pháp quốc tế.

CÓ PHẢI CUBA ĐẨY THẾ GIỚI ĐẾN BỜ VỰC CHIẾN TRANH HẠT NHÂN?

Sau cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba tháng 10/1962, giới quan sát trên thế giới đã đưa ra nhiều cách đánh giá, phân tích từ những góc nhìn khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng Cuba là nước phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc đẩy thế giới đến bờ vực của một thảm họa hạt nhân hủy diệt. 

Những nhận định đó một phần bắt nguồn từ sai lầm trong cách xử lý cuộc khủng hoảng, đặc biệt là từ ban lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ, và nước bị thua thiệt nhiều nhất chính là Cuba, kể cả về hình ảnh trên trường quốc tế, cũng như trong giải pháp cuối cùng mà Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đạt được.

Trận địa pháo phòng không của Cuba được triển khai ở thủ đô La Habana trong những ngày căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962.

Trước tiên cần phải nhấn mạnh rằng trong chiến lược quốc phòng mà ban lãnh đạo cao nhất Cuba đưa ra lúc bấy giờ không có ý tưởng liên quan tới tên lửa hạt nhân và họ cũng luôn nhận thức được rằng sự xuất hiện của loại vũ khí này trên lãnh thổ quốc gia sẽ gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của cách mạng. Mặc dù vậy, Chính phủ Cuba đã chấp nhận việc lắp đặt hệ thống tên lửa theo đề nghị của Nikita Khrushchev vì lập trường trước sau như một ủng hộ phe xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là Liên Xô, “người anh cả” luôn thể hiện tình hữu nghị, ủng hộ và giúp đỡ Cuba ở những thời điểm khó khăn nhất.

Ngay từ đầu phía Liên Xô đã quyết định lắp đặt hệ thống tên lửa hạt nhân ở Cuba một cách bí mật và chỉ công khai với thế giới khi mọi việc đã hoàn tất, buộc Mỹ phải chấp nhận. Trước tình thế này, lãnh tụ cách mạng Fidel Castro luôn bảo vệ quan điểm cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa tại Cuba cần phải được thực hiện một cách công khai với sự bảo trợ của luật pháp quốc tế bởi vì không có gì là phi pháp trong vấn đề này, song ông cũng cho rằng Liên Xô vẫn là bên phải đưa ra quyết định cuối cùng bởi vì họ là nước có nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề quân sự và quốc tế.

Ảnh do thám mà phía Mỹ chụp được về việc bố trí tên lửa tầm trung ở San Cristóbal, Cuba vào tháng 10/1962.

Những diễn biến sau đó đã chứng minh sự đúng đắn trong cách nhìn nhận của Fidel Castro khi Mỹ phát hiện ra kế hoạch triển khai tên lửa của Liên Xô trên lãnh thổ Cuba. Ngay lập tức Washington ra lệnh phong tỏa toàn bộ vùng biển Caribe, huy động quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công xâm lược vào “Hòn đảo Tự do” dẫn tới cuộc khủng hoảng được đánh giá là nghiêm trọng nhất thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách mà ban lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Nikita Khrushchev thương lượng với Mỹ sau lưng Cuba khi cuộc khủng hoảng xảy ra và họ đã chấp nhận đưa toàn bộ hệ thống tên lửa ra khỏi Cuba đổi lại việc Mỹ đồng ý rút hệ thống tên lửa bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italy, điều không bao giờ xảy ra kể cả khi Liên Xô đã thực hiện cam kết của mình.

Một điểm đáng chú ý nữa trong cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba mà sau này dư luận thường sử dụng để suy diễn và cáo buộc lãnh tụ Fidel Castro như là một nhân vật “vô trách nhiệm”, thậm chí là “điên rồ” khiến cho nhân loại đứng trước thảm họa diệt chủng hạt nhân, đó là bức thư mà ông Fidel Castro đã gửi cho nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào đêm 26, rạng sáng 27/10/1962. Nhiều chuyên gia phân tích viện dẫn bức thư này cho rằng nhà lãnh đạo Cuba đã đề nghị phía Liên Xô thực hiện đòn tấn công hạt nhân phủ đầu sau khi sự việc “vỡ lở” và Cuba bị Mỹ phong tỏa. 

Tuy nhiên, trên thực tế lãnh tụ Fidel Castro chỉ đề xuất với ông Khrushchev rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn nhằm vào Cuba thì Liên Xô cần phải có hành động đáp trả bằng vũ khí hạt nhân để tránh phạm phải những sai lầm như hồi Thế chiến thứ Hai, bởi vì một cuộc xâm lược như vậy đồng nghĩa với việc Mỹ đã quyết định bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào Liên Xô. Trong bức thư trả lời Khrushchev ngày 31/10/1962, ông Fidel cũng giải thích rõ rằng đó có thể là sự hiểu lầm từ phía Liên Xô, hoặc do bản dịch không sát ý hoặc cũng có thể là vì ông muốn nói quá nhiều điều trong một bức thư ngắn. Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định ông nhận thức rất rõ là nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân thì Cuba sẽ bị tàn phá, nhân loại sẽ bị hủy diệt và Cuba không bao giờ muốn điều đó xảy ra.

Bức thư này còn được sử dụng để lý giải cho việc phía Liên Xô không còn cách nào khác là phải thương lượng với Mỹ trên lưng Cuba bởi vì ban lãnh đạo quốc đảo này đã đưa ra “đề xuất phi lý” là tấn công hạt nhân phủ đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, các tài liệu được kiểm chứng sau này cho thấy quyết định trong cuộc thương lượng giữa Liên Xô và Mỹ được đưa ra từ ngày 25/10/1962 mà không cần tham khảo ý kiến của Cuba, trong khi bức thư gửi cho Khrushchev được Fidel viết đêm 26/10 khi mà mọi việc đã an bài. Nguyên Đại sứ Liên Xô tại Cuba vào thời điểm đó, Alexander I.Alexeiev viết trong cuốn hồi ký rằng nhà lãnh đạo Cuba đến thăm Đại sứ quán vào tối 26/10 và tại đó ông đã thảo bức thư gửi Khrushchev. Bức thư này được các cán bộ ngoại giao Liên Xô dịch ngay và gửi về Moskva rạng sáng 27/10 nhưng phải đến sáng ngày 28/10 (giờ Liên Xô) mới đến được tay ban lãnh đạo Liên Xô khi mà quyết định về việc rút toàn bộ hệ thống tên lửa khỏi Cuba đã được đưa ra.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Xô mà không có sự tham khảo ý kiến của Cuba đã khiến cho dư luận đặt dấu hỏi về mục đích thực sự của Nikita Khrushchev khi đề xuất với ban lãnh đạo Cuba về việc triển khai hệ thống tên lửa ở quốc đảo này. Các trận địa tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italy có liên quan gì tới việc bảo vệ Cuba? Tại sao thay vì đó Liên Xô không yêu cầu Mỹ trả lại cho Cuba căn cứ hải quân ở Guantanamo hoặc dỡ bỏ cấm vận kinh tế, hay các vấn đề khác có liên quan thực sự hơn tới lợi ích của Cuba?

Hoài Nam
Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ cuối
Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ cuối

Lực lượng cực hữu người Mỹ gốc Cuba có tầm ảnh hưởng lớn lao trong việc hoạch định và thực thi những chính sách của chính quyền Mỹ đối với Cuba. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng nhóm này nắm quyền kiểm soát đối với những chính sách với quốc đảo láng giềng thì không hẳn đúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN