Đến nay mặc dù đã có rất nhiều cuộc điều tra, cũng như hàng nghìn trang tài liệu do chính phía Mỹ giải mật, song vẫn còn đó những vấn đề xung quanh mối quan hệ hết sức phức tạp này chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, chủ yếu là do thiếu thông tin, những phân tích chưa thực sự toàn diện hoặc sự thao túng vì các mục đích chính trị. Thậm chí không ít kẻ thù của cách mạng Cuba đã sử dụng những câu chuyện lịch sử bị bóp méo để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hòn đảo Tự do.
KỲ 1: NGUYÊN NHÂN THỰC SỰ KHIẾN QUAN HỆ NGOẠI GIAO ĐỔ VỠ
Chỉ một tuần sau khi cách mạng Cuba thành công, ngày 7/1/1959 chính phủ Mỹ đã ra tuyên bố thừa nhận chính quyền mới của Fidel Castro, song Washington cũng gần như ngay lập tức vạch kế hoạch để ngăn chặn một cuộc cách mạng xã hội được củng cố ở quốc đảo này. Tháng 4/1959, ông Fidel Castro đã có chuyến thăm Mỹ, không phải để tìm kiếm viện trợ như lãnh đạo các nhà nước cộng hòa tư sản thực địa kiểu mới từng làm mà để giải thích về hướng đi của chính quyền cách mạng, cũng như tìm kiếm một sự đồng cảm của chính phủ và nhân dân Mỹ đối với một thời điểm lịch sử của quốc đảo Cuba. Chuyến đi đó cũng là sự tiếp nối của “Chiến dịch sự thật” mà chính phủ và nhân dân Cuba đang thực hiện trong những tháng đầu tiên sau khi giành được chính quyền để phản bác lại chiến dịch tuyên truyền của các phương tiện truyền thông phương Tây và đại diện của chính phủ Mỹ rằng đang có một “cuộc tắm máu” ở Cuba nhắm vào những đối tượng bảo vệ chế độ độc tài Batista mới bị lật đổ.
Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon tiếp nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro tại Washington ngày 19/4/1959. |
Trước quyết định của nhà lãnh đạo cách mạng Cuba chấp thuận lời mời từ Liên đoàn các biên tập viên báo chí Mỹ tới thăm Washington và nói chuyện tại một hội nghị thường niên của tổ chức này, việc đầu tiên mà Tổng thống Mỹ khi đó Dwight D.Eisenhower làm trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia là tham khảo xem liệu có thể từ chối cấp thị thực nhập cảnh Mỹ cho Fidel Castro hay không. Khi không thể thực hiện điều này thì ông chủ Nhà Trắng đã viện đủ lý do để tránh một cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Cuba và đặt nhiệm vụ “khó chịu” này vào tay của Phó Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Cristian Herter. Tại cuộc gặp chính thức ở Washington, ông Nixon định “dạy” cho người đứng đầu chính quyền cách mạng Cuba những bài học về cách lãnh đạo quốc đảo này, tuy nhiên như chính Phó Tổng thống Mỹ thừa nhận trong một cuốn hồi ký sau này rằng ông đã rời khỏi cuộc gặp đó với quyết định chắc chắn là phải làm mọi cách để lật đổ chính quyền cách mạng Cuba non trẻ ngay lập tức nếu không sẽ gây tác động lớn tới khu vực và chính nước Mỹ.
Có thể thấy rằng chỉ 3 tháng sau khi cách mạng Cuba thành công, khi mà quốc đảo này vẫn chưa thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, chưa thực thi luật cải cách nông nghiệp và hầu như chưa có động thái nào gây ảnh hưởng lớn tới các lợi ích của Mỹ thì chính quyền Eisenhower đã tỏ ra không có thiện chí hợp tác, thậm chí là đối nghịch với chính phủ mới ở Cuba, đặc biệt là với Fidel Castro. Những hành động đó diễn ra thường xuyên bất chấp việc nhà lãnh đạo cách mạng Cuba luôn tìm cách tránh những khiêu khích có thể dẫn tới một sự đổ vỡ đột ngột trong quan hệ với Washington cho dù trong các bài diễn văn trước công chúng ông đều cảnh báo người hàng xóm phương Bắc rằng mọi chuyện giờ đã khác trước rất nhiều bởi vì Cuba lần đầu tiên đã có độc lập là chủ quyền tuyệt đối.
Việc quốc hữu hóa các tài sản của Mỹ trong các năm 1959 và 1960 không phải là hành động khiêu khích của chính phủ Cuba để phá vỡ mối quan hệ với Mỹ mà trên thực tế đó là một nhu cầu của cách mạng, đồng thời đó cũng là câu trả lời cho hành động tấn công phá hoại, bao vây kinh tế được sự hậu thuẫn của Washington nhằm vào Cuba. Mặc dù vậy, các biện pháp quốc hữu hóa chưa bao giờ mang tính phân biệt và Cuba ngay từ đầu đã tuyên bố sẵn sàng thương lượng việc đền bù một cách hợp lý các bài sản của Mỹ bị quốc hữu hóa. Và trên thực tế Cuba đã làm được điều này với các nước như Pháp, Anh, Bắc Ailen, Canada và Tây Ban Nha, chỉ duy nhất Mỹ từ chối thương lượng về phương thức thanh toán.
Đến tháng 1/1961, Mỹ quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Cuba với lý do là để đáp trả những biện pháp thù địch của La Habana khi mà trên thực tế chính quyền Eisenhower tìm mọi cách để phá vỡ mối quan hệ này từ trước đó rất lâu. Từ cuối tháng 10/1960 Mỹ đã rút Đại sứ của mình ở La Habana là Philip W.Bonsal. Trong một số tài liệu cá nhân được công bố sau này, ông Bonsal thừa nhận chính phủ Mỹ lúc đó tìm mọi cách để vô hiệu hóa nền kinh tế Cuba. Ông cũng biết rõ về những chương trình bí mật đào tạo và trang bị vũ khí các đối tượng Cuba lưu vong để phục vụ cho kế hoạch lật đổ chính quyền cách mạng Cuba non trẻ.
Những tài liệu được giải mật cũng cho thấy Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, Bộ Ngoại giao và chính Tổng thống Eisenhower trong nhiều tháng liên tục tập trung nỗ lực nghiên cứu kế hoạch cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba và họ chỉ chờ đợi thời điểm phù hợp nhất, trong đó tốt nhất là có sự đồng thuận của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Chính vì vậy, quyết định của chính phủ Cuba yêu cầu giảm số lượng nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana từ hơn 300 người xuống còn 11 người, tương tự như số lượng cán bộ Đại sứ quán Cuba tại Washington, do các hoạt động mang tính thù địch và can thiệp của cơ quan này đã trở thành một cái cớ không thể tốt hơn để chính quyền Eisenhower ra quyết định chấm dứt quan hệ với Cuba và liệt quốc đảo này vào danh sách các nước thù địch.
Có lẽ mọi việc có thể diễn ra theo một hướng khác bớt tổn thương hơn cho Mỹ nếu họ có những biện pháp tiếp cận khác với chính quyền mới ở Cuba. Những phản ứng tức giận và thù địch của Washington chỉ khiến cho Cuba đẩy nhanh hơn tiến trình cách mạng ở trong nước và xích lại gần hơn với Liên Xô. Thực tế, tầng lớp lãnh đạo ở Mỹ không thể hiểu được những gì đã xảy ra ở Cuba và vai trò của ban lãnh đạo mới ở quốc đảo này. Mọi thứ dường như vượt ra khỏi tầm kiểm soát và họ không thể nghĩ rằng sau nhiều năm kiểm soát hoàn toàn Tây Bán cầu lại có thể xuất hiện một đất nước nhỏ bé ngay sát nách muốn vượt ra khỏi sự bao trùm đó.