Sự thật về chương trình phát thanh khiến dân Mỹ hoảng loạn

Hôm đó là ngày 30/10/1938, chỉ còn 1 ngày nữa là tới lễ Halloween. Henry Brylawski đang trên đường đi đón bạn gái của mình ở khu chung cư Adams Morgan thuộc thủ đô Washington (Mỹ).

Tờ Thời báo New York ngày 31/10/1938 đưa tin về sự kiện.


Khi bật đài trong ô tô, chàng sinh viên luật - khi đó 25 tuổi- nghe được tin vô cùng giật gân: Một thiên thạch lớn đã lao thẳng vào một trang trại ở bang New Jersey và New York sắp bị người sao Hỏa tấn công.


Tin vịt


Brylawski sau này kể lại: “Khi đó tôi biết ngay đây chỉ là một tin vịt”. Tuy nhiên nhiều người không được tỉnh táo như Brylawski. Khi tới khu nhà của bạn gái, Brylawski thấy chị của bạn gái mình, cũng sống cùng ở đó, đang “run rẩy vì sợ hãi”, theo lời mô tả của ông. “Chị ấy nghĩ rằng tin đó là sự thật”.


Nhưng đó không phải sự thật. Những gì thính giả nghe được trên radio chỉ là một màn kịch do nhóm Mercury Theater của Orson Welles dựng lên, phỏng theo một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ra đời từ 40 năm trước có tên “Chiến tranh giữa các thế giới” của tác giả H.G. Wells. Đó là một tiểu thuyết viễn tưởng kể về cuộc xâm lược Trái Đất của người ngoài hành tinh vào cuối thế kỷ 19. Câu chuyện này lấy bối cảnh là thành phố Woking thuộc nước Anh. Tuy nhiên chương trình phát thanh do Orson Welles dẫn dắt đã được cải biên với bối cảnh là thành phố Grover’s Mill thuộc bang New Jersey (Mỹ) và được đạo diễn sao cho giống một bản tin có thật về sự xâm lược của người sao Hỏa.

Một hình vẽ minh họa cuốn tiểu thuyết viễn tưởng “Chiến tranh giữa các thế giới” của HG Wells.


Nghe bản tin, hàng nghìn người tin rằng họ đang bị người sao Hỏa tấn công. Các tòa soạn báo, đài và đồn cảnh sát tràn ngập các cuộc điện thoại của người dân hỏi cách giúp họ bảo vệ bản thân và thành phố khỏi sự tấn công của khí độc. Các báo cáo ghi nhận nhiều người đã phải nhập viện điều trị vì sốc và hoảng loạn.


Theo các nhà sử học, trò lừa bịp này đã “thành công” bởi nó mô phỏng đúng cách làm việc của đài phát thanh trong trường hợp khẩn cấp. Michele Hilmes, giáo sư về truyền thông tại đại học Wisconsin ở Madison, đồng thời là tác giả của chương trình phát thanh Radio Voices: American Broadcasting từ năm 1922 đến 1952, cho biết: “Các thính giả theo dõi chương trình phát sóng thường bị gián đoạn bởi những bản tin nóng”. Đài phát thanh khi đó còn phát một bản tin do phóng viên tại hiện trường tường thuật trực tiếp về cuộc đổ bộ ở New Jersey. “Khi nửa đầu chương trình kết thúc, chính đài phát thanh trở thành nơi bị tấn công”, Hilmes nói.


Những sự trùng hợp


Orson Welles và nhóm của ông đã từng chuyển thể nhiều kịch bản từ những tiểu thuyết như “Bá tước Monte Cristo” và “Dracula”. Phần giới thiệu của “Chiến tranh giữa các thế giới” phát sóng trên kênh CBS Radio nhấn mạnh chương trình này phỏng theo cuốn tiểu thuyết của H.G. Wells. Tuy nhiên, rất nhiều người đã không nghe được phần giới thiệu này. Khi đó họ đang theo dõi chương trình nổi tiếng Chase và Sanborn Hour với sự tham gia của nghệ sĩ nói tiếng bụng Edgar Bergen và hình nộm có tên Charlie McCarthy.


Orson Welles năm 1937.

Sau khi chương trình của Edgar Bergen phát sóng 10 phút là thời gian dành cho quảng cáo, vì vậy rất nhiều thính giả đã chuyển sang kênh có “Chiến tranh giữa các thế giới”. Vì lỡ mất phần đầu giới thiệu nên họ chỉ nghe thấy (chương trình ca nhạc của Ramon Raquello và dàn nhạc của ông) phát thanh trực tiếp từ khách sạn Park Plaza của thành phố New York. Trên thực tế dàn nhạc đang chơi trong phòng thu của đài CBS. Tiếng nhạc sôi động nhanh chóng bị gián đoạn bởi những bản tin báo động ngày một nhiều. Một “nhà thiên văn học” (do Welles đóng) thông báo có một vài vụ nổ “khí nóng phát sáng” được phát hiện ở sao Hỏa.


Khi đó, bản tin này cho hay “một vật thể bốc cháy khổng lồ”, được xác nhận là một đầu hỏa tiễn từ sao Hỏa, hiện đã hạ cánh ở thành phố Grover’s Mill. Bản tin còn cho biết một đám đông tập trung xung quanh đầu hỏa tiễn này và những người sao Hỏa đã bước ra ngoài để thiêu rụi những kẻ tò mò bằng những tia nhiệt. “Phát thanh viên” mô tả nhìn thấy người ngoài hành tinh bước ra từ tàu vũ trụ như sau: “Chúa ơi, có thứ gì đó đang bò ra từ trong bóng tối, nó lấp lánh như miếng da bóng, nhưng cái mặt của nó… thật khó có thể diễn tả nổi”.


Vào năm 1938, khi cả thế giới đang bên bờ vực của Chiến tranh thế giới lần thứ II, thính giả luôn trong trạng thái căng thẳng. Cách dàn dựng của chương trình “Chiến tranh giữa các thế giới” với những bản tin dồn dập cùng lời bình luận ngạt thở, lặp lại y hệt cách mà đài phát thanh tường thuật hội nghị “Khủng hoảng Munich”- cuộc họp giữa các chính phủ châu Âu đã trở thành màn dạo đầu cho Chiến tranh Thế giới lần thứ II chỉ một tháng trước đó. Đây là một yếu tố khiến rất nhiều thính giả tin sự kiện có thật.


“Welles và các cộng sự của ông ta đã cố tình dàn dựng để chương trình này giống những bản tin đã được phát sóng trước đó”, Elizabeth McLeod, nhà báo đồng thời là nhà truyền bá lịch sử, là người chuyên về đài phát thanh những năm 1930 cho biết. “Một số thính giả chỉ nghe được rằng “phi thuyền đang rơi” và họ cho rằng chúng là do “Hitler phái đến”.


Sức mạnh của radio


Nhiều thính giả quá hoảng loạn đã lên đường chạy trốn, trú ẩn trong hầm và thậm chí mang theo cả súng. Hai mươi gia đình sống trong cùng một khu đất ở Newark, bang New Jersey, đã vội vã ra khỏi nhà với khăn ướt trùm kín mặt để chống khí độc của người sao Hỏa, theo như nhan đề một bài đăng ở trang nhất báo New York Times ngày hôm sau.


Tuy nhiên các nhà sử học cũng cho biết các báo in trong vài tuần sau đó đã phóng đại quá mức sự hoảng loạn của người dân. Ước tính có khoảng 20% thính giả tin câu chuyện này là thật, tương đương với con số dưới một triệu người.


Lúc đó, đài phát thanh được coi là đối thủ mới nổi của báo chí. Một số tờ báo in do bực bội vì mức độ phủ sóng quá rộng của đài phát thanh trong vụ Khủng hoảng Munich, đã cố gắng để chứng minh sự vô trách nhiệm của đài phát thanh. “Sự phóng đại của câu chuyện về “Chiến tranh giữa các thế giới” được coi là sự trả đũa của truyền thông in ấn vì bị cho ra rìa trong suốt 1 tháng trước đó”, McLeod cho biết.


Theo các nhà sử học, trong thập kỷ 30-40, đài phát thanh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân. Đặc biệt với những thính giả ở nông thôn, đài phát thanh là cầu nối giữa họ với thế giới bên ngoài, cung cấp những tin tức, thông tin giải trí và là nơi để giao lưu kết bạn.


Nghệ sĩ Orson Welles đã biết cách tận dụng khả năng kích thích trí tưởng tượng của đài phát thanh và hẳn đã rất giỏi biến hóa ranh giới giữa giả tưởng và hiện thực. “Không có hiệu ứng phim ảnh nào… lại có thể gợi lên hình ảnh những người ngoài hành tinh khổng lồ đang băng qua con sông Hudson thẳng tiến tới phòng thu của đài CBS ‘giống như một đứa trẻ đang trong bể bơi’ tốt hơn chính trí tưởng tượng của những người nghe đài”, Hilmes cho hay.


Chương trình “Chiến tranh giữa các thế giới” cũng cho thấy được sức mạnh ghê gớm của truyền thông đại chúng trong việc tạo ra ảo ảnh sân khấu và thao túng công chúng. Một số người cho rằng chương trình này đã góp phần làm giảm lòng tin của họ đối với phương tiện truyền thông.


Theo New York Times, Welles đã bày tỏ sự ân hận sâu sắc vì màn kịch của ông đã gây ra sự kinh sợ của mọi người. “Chúng tôi sẽ không lặp lại những sự việc tương tự thêm lần nào nữa”, ông cho biết. Trước khi dàn dựng chương trình này ông thậm chí còn nghĩ rằng “có thể mọi người sẽ cảm thấy thật tẻ nhạt hoặc khó chịu khi phải nghe một câu chuyện không có thật”.


Sau khi bị công chúng phản đối kịch liệt, đài CBS cam kết sẽ không bao giờ sử dụng cụm từ “chúng tôi cắt ngang chương trình này” chỉ để làm tăng sự kịch tính cho các tiết mục. Mặc dù xung quanh chương trình này xảy ra nhiều tranh cãi nhưng nó đã đem lại sự nổi tiếng cho Orson Welles. Sau chương trình truyền thanh tai tiếng này, rất nhiều phiên bản sách và phim khác nhau đã ra đời vào những năm sau đó.


Tố Quỳnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN