Sự thăng trầm của "Thần đồng kinh tế" Lars Windhorst - Kỳ I: Thăng tiến, vấp ngã và vực dậy

Trong những năm 1990, cả nước Đức xôn xao về một hiện tượng "Thần đồng kinh tế", đó là Lars Windhorst ở thị trấn nhỏ Rahden, bang Nordrhein-Westfalen, miền tây nước Đức. Anh nổi tiếng là một trong những nhà doanh nghiệp trẻ thành công nhất ở nước Đức và năm 1995, khi chưa đầy 19 tuổi, anh đã được mời đi cùng trong phái đoàn kinh tế tháp tùng Thủ tướng Helmut Kohl trong chuyến công du châu Á, trong đó có Việt Nam, bên cạnh những chủ tịch, giám đốc các tập đoàn nổi tiếng thế giới của Đức. Chuyến đi này cũng như những thành công trước đó đã giúp Windhorst có những mối quan hệ làm ăn tuyệt vời trên khắp thế giới, đưa anh trở thành một doanh nghiệp trẻ tiêu biểu và là thành viên trẻ nhất tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Windhorst có tài ăn nói để thuyết phục người khác phải tin vào những dự án của mình, cũng như có thể quan hệ với những nhân vật nổi tiếng để đánh bóng tên tuổi.

Bỏ học đi kinh doanh

Năm 1993, khi mới gần 17 tuổi, đang học lớp 11, Windhorst đã bỏ học để quyết chí trở thành một doanh nhân thành đạt, với giấc mơ có thể góp phần chi phối nền kinh tế thế giới. Vay mượn tiền của gia đình, Lars Windhorst thành lập công ty đầu tiên, mang tên Công ty TNHH Windhorst Electronics, nhưng phải nhờ cha đứng tên vì cậu chưa đến tuổi thành niên, liên kết với Ming Rong Zhang, một doanh nhân Trung Quốc.

Lars Windhorst và Thủ tướng Helmut Kohl (phải) đi tàu trên sông Sài Gòn trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/1995.


Trước tiên, Công ty Windhorst Electronics nhập khẩu linh kiện điện tử và máy tính từ châu Á, lắp ráp và bán máy tính trên khắp nước Đức và châu Âu. Với việc "mua gốc, bán ngọn", giá thành máy tính của công ty rất rẻ và bán rất chạy. Chỉ 1 năm sau khi thành lập, với 80 nhân viên, Công ty Windhorst Electronics đã có doanh thu lên tới 80 triệu mark.

Cuối năm 1995, Lars Windhorst tạm thời chuyển đến ở Hồng Công và thành lập Công ty TNHH cổ phần châu Á - Thái Bình Dương Windhorst (Windhorst Asia Pacific Holding GmbH), một công ty cổ phần mẹ cho các hoạt động kinh doanh của tập đoàn doanh nghiệp này ở khu vực châu Á. Cho tới năm 1996, tập đoàn Windhorst mở rộng hoạt động với tư cách tập đoàn thương mại và đầu tư với các lĩnh vực kinh doanh trong ngành điện tử, công nghiệp, thương mại, bất động sản và tài chính. Doanh nghiệp mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, xí nghiệp và chi nhánh ở châu Âu và châu Á, kể cả ở Trung Hoa Đại lục và Việt Nam. Trong năm tiếp theo, Lars Windhorst lại thành lập hai công ty nữa trong lĩnh vực dịch vụ tài chính: Công ty TNHH cổ phần vốn Windhorst (Windhorst Capital Holding GmbH) và Công ty cổ phần Windhorst (Windhorst AG).

Trong năm 2000, Windhorst AG với tư cách là công ty cổ phần mẹ, dưới nó là Windhorst Electronics GmbH và Windhorst Capital Holding GmbH, bắt đầu tiến hành nhiều hoạt động đầu tư trong lĩnh vực Internet và tập trung sự chú ý của mình vào hình thức Kinh tế Mới (New Economy), dựa trên cơ sở của cách mạng kỹ thuật số, với mục tiêu đưa tập đoàn doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán Frankfurt. Khi New Economy rơi vào khủng hoảng và thị trường chứng khoán, thị trường Internet suy sụp năm 2001, tập đoàn này cũng rơi vào khó khăn và năm 2003 phải đăng ký phá sản. Tuy nhiên, Lars Windhorst đã chứng tỏ khả năng trụ lại rất ấn tượng, sau chỉ một thời gian ngắn đã lại thu lãi bạc triệu bằng cách khéo léo thực hiện các vụ mua bán cổ phiếu.

Năm 2006, người ta biết rằng Lars Windhorst đã trở thành người đồng sáng lập tập đoàn đầu tư Sapinda. Tập đoàn này có cổ đông chính là Rob Hersov, một nhà công nghiệp Nam Phi nổi tiếng và 5 năm qua đã thực hiện các hoạt động đầu tư với giá trị trên 3 tỉ euro. Đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong 6 tháng cuối năm 2008, tập đoàn phải tiến hành thảo luận về tái cơ cấu và năm 2009, các cổ đông không có cách nào khác là phải đăng ký phá sản đối với công ty con ở Đức VATAS.

Tháng 4/2009, mọi hoạt động được cơ cấu lại và Lars Windhorst cuối cùng trở thành Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sapinda Vương quốc Anh ở Luân Đôn (Sapinda UK Limited) và đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sapinda Đức (Sapinda Deutschland GmbH), một công ty con ở Béclin. Hai công ty này là hai công ty con 100% của công ty mẹ Sapinda Holding B.V có trụ sở tại Amsterdam.

Hàng loạt vụ phá sản của Windhorst

Sau khi kinh doanh thành đạt, nổi tiếng như diều gặp gió, đến khi vận hạn, Lars Windhorst cũng như xuống dốc không phanh, sờ vào cái gì cũng hỏng. Sau khi phải đăng ký phá sản đối với 3 công ty trong tập đoàn Windhorst, việc đầu tư vào Freenet, một công ty cho thuê bao Internet, cạnh tranh với Telekom đã bị đình lại, sau khi giá cổ phiếu thua lỗ tới 43%, Windhorst cũng phải bán cổ phần ở công ty hàng không giá rẻ Air Berlin, sau khi cổ phiếu sụt giảm 38%. Số phận của công ty Vatas cũng hẩm hiu sau khi mất 2/3 giá trị.

Windhorst trong phiên tòa xét xử về tội lừa đảo và biển thủ.

Không ai biết Vatas lỗ thực sự là bao nhiêu, các nhà phân tích cho rằng phải mất tới 260 triệu euro. Năm 2004, thậm chí Lars Windhorst phải tuyên bố cá nhân mình bị phá sản, trong khi đang nợ tới 81 triệu euro, riêng nợ Hersov là 3,4 triệu euro. Tòa án Béclin - Charlottenburg tuyên bố là các chủ nợ phải chia nhau số tiền 1,55 triệu euro là số tiền cuối cùng có thể lấy lại của Windhorst. Nhiều đối tác cũ gọi Windhorst là "kẻ lừa đảo". Đây là thời kỳ khó khăn của Windhorst khi phải mượn ô tô để đi, không còn thẻ tín dụng ở ngân hàng, đến làm hợp đồng thuê bao điện thoại di động cũng không được. Sau đó, gia đình gom góp lại tiền, Lars Windhorst liên tục gọi điện cho các đối tác cũ, thuyết phục họ đồng ý hợp tác, làm ăn lại với anh.

"Họa vô đơn chí".

Trong khi còn đau đầu vì các vụ phá sản và kiện tụng, ngày 26/12/2007, Lars Windhors lại bị thương nặng vì một vụ tai nạn máy bay ở Cadắcxtan. Một trong hai phi công đã thiệt mạng khi máy bay hạ cánh để lấy xăng ở Almaty đã bị trượt ra khỏi đường băng, đâm vào một bức tường và phát nổ. Viên phi công thứ hai và nữ tiếp viên cũng bị thương. Chiếc máy bay đang trên đường từ Hannover, Đức tới đặc khu hành chính Macao của Trung Quốc. Bản thân Windhors thì bị bỏng, bị thương ở mặt và gãy xương sườn.

Đỉnh cao trong các vụ lụn bại của Windhorst là ngày 4/11/ 2010, Tòa án Béclin đã tuyên phạt Lars Windhorst 1 năm tù treo và thêm 108.000 euro tiền phạt vì tội biển thủ 930.000 euro. Từ năm 2002 tới 2004, với tư cách là Chủ tịch Windhorst AG, Lars Windhorst đã chuyển trái phép số tiền trên của công ty vào tài khoản cá nhân và vào các tài khoản khác của tập đoàn. Lars Windhorst đã phải thừa nhận việc làm sai trái của mình, cho rằng "thiếu kinh nghiệm" và khẳng định rằng đã dùng hầu hết số tiền đó nhằm cứu vớt công ty nay đã phá sản.

Như vậy, trong tiểu sử, Lars Windhorst là người đã từng có tiền án. Tuy nhiên, Windhorst vẫn còn nhiều tham vọng và kế hoạch dài hạn. Hiện nay, Lars Windhorst là nhà quản lý tài chính của công ty Sapinda, sinh sống với vợ tại Luân Đôn.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: "Tôi đã từng lơ lửng trên mây"

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN