Số phận những 'kẻ lộ bí mật' nổi tiếng (Tiếp theo và hết)

5. Jeffrey Wigang, công ty Brown & Williamson


Năm 1994, các giám đốc điều hành 7 công ty thuốc lá lớn của Mỹ đã ra làm chứng trước quốc hội, thề danh dự rằng chất nicotine không gây nghiện. Jeffrey Wigand, cựu Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển ở công ty thuốc lá Brown & Williamson, đã tham gia một bài phỏng vấn với điều kiện danh tính của ông sẽ được giữ bí mật và cuộc phỏng vấn không gây ảnh hưởng tới công việc của ông cũng như không dính líu đến việc tố tụng tốn kém có thể xảy ra. Nhưng sau khi tờ Wall Street Journal đăng tải câu chuyện của Wigand, đài CBS đã phát sóng cuộc phỏng vấn Wigand về việc công ty của ông chủ ý đưa chất nicotine vào thành phần thuốc lá để tăng tính gây nghiện.

 

Wigand sau đó bị kiện vì phá vỡ hợp đồng bảo mật. Vụ kiện bị bãi bỏ vào năm 1997 nhờ thỏa thuận dàn xếp trị giá 268 tỉ USD của chính phủ liên bang với ngành công nghiệp thuốc lá. Sau khi rời công ty thuốc lá vào năm 1993, Wigand đã dạy môn hóa học ở các trường công của bang Kentucky và thậm chí còn giành giải giáo viên của bang vào năm 1996.


6. Harry Markopolos, điều tra viên về gian lận


Với vai trò là một nhà phân tích gian lận tài chính độc lập, Markopolos chỉ mất 5 phút để phát hiện ra quỹ an ninh của "siêu lừa" Bernard Madoff là trò lừa đảo. Vì vậy từ năm 2000, Markopolos đã bắt đầu cảnh báo Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về âm mưu lừa đảo tiền tỉ của Madoff thông qua 5 bản viết tay.

 

Vụ lừa đảo "khủng" chỉ dừng lại khi Madoff quyết định không trả lại tiền cho các nhà đầu tư vào năm 2008. Thời điểm đó, số tiền mà hắn chiếm đoạt đã lên tới 65 tỉ USD. Markopolos cho rằng, khi anh bắt đầu cảnh báo SEC, con số này mới chỉ là 5 tỉ USD.


Sau khi vụ bê bối trên chấm dứt, Markopolos nhận được nhiều lời ca tụng từ giới truyền thông cũng như nhận được nhiều lời mời làm việc. Năm 2011, anh xuất bản một quyển sách về những trải nghiệm của mình trong công việc.

 

7. Sherron Watkins, tập đoàn Enron


Tháng 8/2001, Sherron Watkins lúc đó là Phó chủ tịch hợp tác phát triển của tập đoàn Enron đã gửi một bức thư điện tử dài 7 trang cho giám đốc điều hành Kenneth Lay. Bà đã nói chi tiết về cái gọi là một “vụ chơi khăm kế toán xây dựng” trong đó bao gồm việc làm tăng thu nhập và che giấu những thất bại lớn.

 

Năm tháng sau khi viết lá thư trên, Watkins bị điều trần trước quốc hội Mỹ và đối mặt với chỉ trích vì việc đã không thông báo cho chính quyền. Cuối năm 2002, Enron bị phá sản (trở thành vụ phá sản lớn nhất thế giới) và tờ Time đã bình chọn Watkins là một trong ba “Nhân vật của năm”.


Kể từ đó Watkins trở thành một diễn giả trước công chúng về các bài học lãnh đạo rút ra từ vụ Enron. Bà vẫn sống ở Houston và cho biết không thể tiếp tục việc kinh doanh bởi vì thương hiệu “người tiết lộ thông tin” khiến bà trở thành “một thứ phóng xạ”.

 

8. Thomas Drake, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ


Sau loạt vụ khủng bố chấn động nước Mỹ ngày 11/9/2001, Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) bắt đầu một chương trình giám sát bí mật để tránh những vụ tấn công khủng bố trong tương lai. Được gọi là "Người dẫn đường”, dự án này cho phép NSA phân tích dữ liệu được chia sẻ từ điện thoại di động và hộp thư điện tử. Một ủy viên quản trị cấp cao của NSA, Thomas Drake, cho rằng chương trình này không hợp pháp và không cần thiết. Ông đã cung cấp những tài liệu mật cho phóng viên của tờ Baltimore Sun năm 2006.

 

Chính quyền liên bang buộc tội Drake vi phạm đạo luật gián điệp, một trọng tội có thể bị kết án 35 năm tù. Nhưng cuối cùng Drake chỉ bị kết tội “vượt quá thẩm quyền sử dụng máy tính” và chưa bao giờ phải vào tù.


Hiện Drake đang làm nhân viên bán lẻ trong một cửa hàng Apple ở ngoại ô Maryland. Ông cũng thỉnh thoảng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để thảo luận những vấn đề an ninh quốc gia.

 

9. Cynthia Cooper, tập đoàn WorldCom


Với vai trò là trưởng kiểm toán nội bộ của tập đoàn viễn thông khổng lồ WorldCom, Cynthia Copper đã phát hiện thấy những hoạt động kiểm toán bất thường và báo cáo lên cấp trên song giám đốc tài chính đã phớt lờ thông báo của cô. Copper cùng một nhóm đồng nghiệp đã tiến hành điều tra và khám phá một cơ chế làm giả các chi phí hoạt động của WorldCom và báo cáo chúng thành chi phí vốn. Sau đó WorldCom đã công khai khoản gian lận 3,8 tỉ USD và lập hồ sơ phá sản.

 

Trước sự việc trên, quốc hội đã thông qua cải cách luật tài chính. Cooper được vinh danh là “Nhân vật của năm” trên tạp chí Time năm 2002. Giám đốc tài chính của WorldCom bị kết án có tội và ngồi tù 5 năm, Giám đốc điều hành Bernie Ebbers cũng bị kết án 25 năm tù.


Năm 2008, Copper viết cuốn sách “Những tình huống lạ lùng” kể về kinh nghiệm của mình lúc còn làm việc ở WorldCom. Hiện cô quản lý một công ty tư vấn ở Mississippi và diễn thuyết trước các tập đoàn và trường đại học.

 


Anh Minh (Theo Business Insider)

Số phận những “kẻ lộ bí mật” nổi tiếng
Số phận những “kẻ lộ bí mật” nổi tiếng

Một trong những câu hỏi lớn hẳn đang ám ảnh tâm trí của Edward Snowden, người đã tiết lộ những bí mật "động trời" của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), là "Chuyện gì sẽ xảy đến với mình?".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN