Siêu điệp viên Anh trong Thế chiến I

Siêu điệp viên Anh trong Thế chiến I-Kỳ 1: Nhiều tai tiếng

Sidney Reilly, siêu điệp viên của Anh tài giỏi nhất thế giới trong Thế chiến I, được miêu tả là một con người xảo quyệt. Nhiều người ví anh ta như một tên đại bịp ma mãnh, không biết xấu hổ khi lợi dụng phụ nữ để đạt được những mục đích về tài chính và chính trị cho bản thân. Tuy vậy, với nước Anh, Sidney Reilly là một gián điệp siêu hạng.

Kỳ 1: Nhiều tai tiếng

Thời gian và địa điểm chính xác mà Reilly được sinh ra vẫn còn là một chủ đề tranh cãi, bởi có thể người ta đã thay đổi các thông tin này nhằm mục đích che giấu danh tính thật của anh ta sau khi Reilly được tuyển vào làm việc cho Cục tình báo Anh (SIS, sau này được đổi tên thành MI6). Tuy vậy, hầu như tất cả những tài liệu chính thức về siêu điệp viên này đều viết rằng Reilly tên thật là Sigmund Georgievich Rosenblum, sinh ngày 24/3/1874 ở thành phố Odessa, Ucraina. Tuy nhiên, Andrew Cook, tác giả của cuốn sách “Reilly, Siêu điệp viên”, lại cho rằng, tên thật của anh ta là Shlomo Rosenblum và nhiều khả năng nơi sinh của Reilly là thành phố Kherson, miền nam Ucraina.

Tàu chiến của Nga trong cảng Arthur ngay trước khi nổ ra cuộc chiến Nga-Nhật.


Reilly là con trai duy nhất trong một gia đình có ba người con. Bố của Reilly, ông Grigory, là một nhà thầu khoán giàu có, gốc Do Thái. Còn mẹ anh ta, bà Paulina Rosenblum là một thiên tài piano. Rất ít điều được kể về mối quan hệ giữa Reilly với bố mẹ của anh ta ngoại trừ việc Reilly bất hòa với họ khi quyết định yêu người em họ của mình, Felitsia (hay Felicia). Sau này, anh ta rời bỏ gia đình và chuyển đến Odessa, nơi anh theo học ngành hóa học tại Đại học tổng hợp Novorssiia. Reilly cũng kể với nhiều người việc anh ta đã từng theo học một trường đại học ở thủ đô Viên (Áo).

Trong cuốn sách “Trust No One: The Secret World of Sidney Reilly” (Không tin được ai: Thế giới bí mật của Sidney Reilly), Reilly nói rằng, anh ta buộc phải rời bỏ đất nước của mình vì dính dáng vào một âm mưu chính trị. Tuy nhiên, các tài liệu của chính phủ không đề cập đến điều này. Sau này, Reilly chuyển đến sinh sống ở thủ đô Pari (Pháp) trong giai đoạn giữa những năm 1890 và ở đó chưa đầy một năm thì chuyển đến thủ đô Luân Đôn (Anh). Trong thời gian ở đây, anh ta bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc thành lập công ty Rosenblum & Company chuyên kinh doanh biệt dược.

Cuốn sách “Reilly, Siêu điệp viên”.


Reilly thu được những khoản lợi nhuận lớn từ công việc kinh doanh mới và đổi tên công ty thành Ozone Preparations Company. Tuy vậy, Reilly lại tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, mà phần lớn số tiền đó phục vụ cho lối sống thác loạn của anh ta. Reilly đặc biệt để ý đến cách tiêu xài tiền bạc của giới thượng lưu như du lịch đến các địa điểm hấp dẫn, đánh bạc, sắm quần áo đẹp, ăn ngon và ở trong những ngôi nhà lộng lẫy. Cook nói rằng, tiền trở thành động cơ chính của anh ta và đây là lý do khiến anh ta trở thành mật thám cho Sở cảnh sát Luân Đôn, dưới sự chỉ huy của Thanh tra trưởng William Melville.

Công việc mới của Reilly tại Sở cảnh sát Luân Đôn trong những năm cuối thế kỷ 19 bao gồm thu thập tin tức tình báo về giới tị nạn chính trị, những người nhập cư, giới tội phạm và bất kỳ người nào mà Melville quan tâm. Nhờ đó, anh ta gần như biết hết mọi điều về những con người thuộc khu vực được phân công phụ trách. Không nghi ngờ gì, Reilly đã giữ im lặng trong nhiều trường hợp, bù lại anh ta được “bồi dưỡng” những khoản tiền lớn.

Mặc dù vừa làm mật thám vừa là doanh nhân buôn bán tân dược, nhưng các khoản thu nhập vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của Reilly. Tuy nhiên, vận may đã đến với anh ta vào năm 1897 khi anh gặp Margaret Thomas, lúc đó 24 tuổi, cô vợ trẻ gốc Ailen của tu sĩ người Anh, Hugh Thomas.

Sidney Reilly.

Thomas mắc một căn bệnh kinh niên về thận. Do không được chữa trị nên nó trở thành căn bệnh có thể dẫn đến chết người. Thomas tìm nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị căn bệnh này và đa số thuốc đó là do Reilly cung cấp. Sau những chuyến viếng thăm Thomas, Reilly đã phải lòng cô vợ xinh đẹp của ông chủ nhà; trong khi đó Margaret Thomas cũng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn kỳ lạ của Reilly, và rồi sau đó hai người đã nhanh chóng lén lút quan hệ với nhau.

Chẳng bao lâu sau, Thomas qua đời vì truỵ tim, để lại một khối tài sản đáng kể cho Margaret. Theo Cook, cái chết của Thomas chất chứa nhiều điều bí mật và rất có thể ông đã bị đầu độc bằng thạch tín. Chất độc này gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh thận mà Thomas mắc phải. Người ta nghi ngờ rằng, Reilly là người đã tiến hành kế hoạch hoàn hảo đó.

Với việc Thomas qua đời, Margaret được tự do quan hệ với Reilly. Đôi tình nhân này tiến hành đám cưới vào tháng 8/1898 và chẳng bao lâu sau chuyển đến sống trong một ngôi nhà mới ở Hyde Park, Luân Đôn. Một thời gian sau, họ bán nhà và định cư ở cảng Arthur ở Mãn Châu, tổng hành dinh của Hạm đội Viễn Đông của Nga. Tại đây, Reilly mở một công ty kinh doanh gỗ.

Reilly cũng bắt đầu làm việc cho công ty xuất nhập khẩu của một người bạn tên là Moisei Ginsburg. Công ty này có các hoạt động buôn bán trên toàn cầu và đồng thời cũng cung cấp nguyên liệu cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Ginsburg và Reilly xây dựng mối quan hệ đối tác kinh doanh ở một địa điểm và thời gian có ý nghĩa quyết định trong lịch sử. Ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga - Nhật, Arthur là một bến cảng giao thương quan trọng mà cả Nhật và Nga đều muốn nắm quyền kiểm soát. Có những lời đồn đại rằng, Ginsburg và Reilly đã chớp lấy thời cơ có một không hai này và làm việc cho cả hai phía. Điều này giúp ích cho anh ta rất nhiều trong hoạt động sau này cho chính phủ Anh.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Gia nhập lực lượng tình báo quân sự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN