“Robin Hood xứ Sicily”- Anh hùng hay thảo khấu?

“Robin Hood xứ Sicily”- Anh hùng hay thảo khấu?-Kỳ 1: Phát súng định mệnh

Salvatore Giuliano (1922 - 1950) ở đảo Sicily (Italia) có rất nhiều điểm giống với huyền thoại Robin Hood của rừng Sherwood (Anh). Cả hai người đều bị coi là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, đều lấy của người giàu chia cho người nghèo và hiển nhiên cả hai đều trở thành huyền thoại. Nhưng có một sự khác biệt: Robin Hood có thể không có thật, còn Salvatore Giuliano là một con người bằng xương bằng thịt.

Kỳ 1: Phát súng định mệnh

Một thanh niên trạc 20 tuổi, xách hai túi ngũ cốc đi vào làng. Hai cảnh sát ra lệnh cho y đứng lại và xuất trình giấy tờ. Người thanh niên đưa chứng minh thư cho một trong các sĩ quan xem. Người này ra lệnh cho y mở các túi ngũ cốc ra để kiểm tra. Người thanh niên nói rằng y đang chuyển lương thực đến cho những người dân làng sắp chết đói.

Salvatore Giuliano.


Nhưng viên cảnh sát yêu cầu y khai nguồn gốc của hai túi ngũ cốc. Không nhận được câu trả lời thỏa đáng, viên sĩ quan kề họng súng vào đầu người thanh niên. Không để cho viên cảnh sát kịp bóp cò, người thanh niên trẻ bất ngờ rút khẩu súng ngắn Beretta từ thắt lưng ra và bắn vào viên cảnh sát đó rồi bỏ chạy, bỏ lại hiện trường chiếc chứng minh thư của mình. Tuy nhiên, y hứng trọn viên đạn của viên cảnh sát kia. Người thanh niên lết từng bước với vết thương ở lưng và trốn vào một bụi cây. Bởi còn giữ chứng minh thư nên viên cảnh sát kia không cần thiết phải đuổi theo y.

Cuộc đời tội phạm của Salvatore Giuliano bắt đầu như thế. Khi đó là vào năm 1943. Y sẽ không chỉ trở thành người nổi tiếng nhất ở Sicily mà còn trở thành một huyền thoại thu hút sự chú ý của phương Tây trong 7 năm sau đó. Salvatore Giuliano không chỉ là huyền thoại lúc y còn sống mà còn đến mãi nửa thế kỷ sau khi y chết.

Salvatore Giuliano với vết thương trên mình.


Sau lần sát hại viên sĩ quan vào năm 1943, Salvatore Giuliano phải sống chui lủi. Y liên tục bị săn lùng trong 7 năm sau đó, thách thức sự truy đuổi của nhà chức trách. Tờ chứng minh thư mà y bỏ lại đã giúp cảnh sát phát hiện được danh tính thật của y. Tai họa ập xuống với gia đình Salvatore Giuliano. Bố y cùng chú bác và một số người anh em họ bị bỏ tù. Tức giận, Giuliano đã giải thoát cho tất cả mọi người khỏi nhà tù trong vùng, ngoại trừ người cha thân yêu của y.

Hành động liều lĩnh này của Giuliano ngay lập tức thu hút được sự chú ý của người dân sinh sống ở các thị trấn nhỏ ở khu vực phía tây và phía nam thành phố Palermo. Nhà tù được canh gác nghiêm ngặt không ngăn cản được vụ cướp ngục táo bạo của Giuliano, khi y đường hoàng xông vào nhà tù, bắn bị thương một lính gác và khống chế ba người lính khác đang run lên vì sợ hãi. Với lần liều lĩnh phá ngục này, y không còn đơn thuần là một kẻ ngoài vòng pháp luật mà còn bắt đầu cuộc đời làm tướng cướp. Một trong những người bạn thân nhất của y, Gaspare Pissciotta, trở thành phó tướng. Băng cướp có số thành viên chính không quá một chục người, trong khi đó nhà chức trách có lần nói rằng y chỉ huy đến cả nghìn người.

Các làng quanh khu Montelepre đều coi Giuliano như một anh hùng.


Hành động cướp ngục là sự kiện thứ hai đưa tên tuổi Giuliano nổi như cồn. Chẳng bao lâu sau, y cùng băng cướp của mình tấn công một đồn cảnh sát ở ngoại ô thành phố Palermo, giết chết hai sĩ quan và lấy đi nhiều súng đạn.

Huyền thoại “Robin Hood xứ Sicily” bắt đầu nổi lên từ những hành động nhỏ, Giuliano nhét tiền vào dưới cửa ra vào ở nhà của một người già ốm yếu không có tiền chữa bệnh. Y cho trẻ con tiền khi trông thấy cảnh tiền của chúng bị cảnh sát cướp. Y chặn cướp một xe mì và phân phát cho các gia đình đang bị thiếu ăn trong làng. Nông dân ở các làng quanh Montelepre, ai cũng thuộc lòng những câu chuyện này và coi Giuliano là anh hùng.

Giai thoại nổi tiếng nhất về y liên quan đến vụ cướp tài sản của nữ công tước xứ Pratemeno. Theo những câu chuyện kể lại, Giuliano đi vào phòng khách của nữ công tước, lịch sự diện kiến trước mặt bà rồi tiến đến tháo hết đồ nữ trang. Khi Giuliano cúi xuống hôn tay nữ công tước, hắn trông thấy một chiếc nhẫn kim cương mà bà đang đeo trên tay.

-Thưa bà, đó có lẽ là chiếc nhẫn đẹp nhất mà tôi từng thấy. Cho tôi xin nó được không?

Nữ công tước nghẹn ngào nói trong nước mắt rằng đó là quà kỷ niệm của chồng bà. Giuliano tháo lấy chiếc nhẫn và nói:

- Vậy tôi sẽ không bán nó mà đeo nó trên tay. Việc biết được nguồn gốc của nó sẽ khiến tôi càng đánh giá cao nó hơn.

Giuliano trông thấy một cuốn sách trên ghế sôpha. Nó là bản dịch của cuốn sách Trong trận đánh Dubious của nhà văn John Steinbeck.

- Tôi mượn cuốn sách này, nhưng không giống như số nữ trang, tôi sẽ trả lại nó, y nói.

Một tháng sau y trả lại cuốn sách và không quên viết thêm mấy dòng vào cuốn sách…

Trong khi giới nhà giàu hồn xiêu phách lạc thì dân làng Montelepre hết lòng ủng hộ Giuliano và từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát. Ít người nào dám bán đứng y. Có lần, một thanh niên 17 tuổi trong băng của Giuliano bị bắt quả tang nghe lén ngoài cửa với mục đích thu thập thông tin bán cho cảnh sát địa phương. Giuliano cảnh cáo rằng hắn ta đang đùa với lửa. Một tuần sau, hắn ta lại cố tình chuyển thông tin cho cảnh sát trưởng. Giuliano bắt hắn đứng dựa vào một bức tường và bắn chết ngay tại chỗ. Giuliano để lại một mẩu giấy trên thi thể của kẻ phản bội với dòng chữ: “Đó là kết cục của tất cả những kẻ dám theo dõi Giuliano”. Đôi khi lời nhắn của Giuliano có thể là một bài thơ.

Khánh Chi (tổng hợp)

Kỳ 2: Tướng cướp thành chính trị gia

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN