Điện báo vô tuyến đã trở nên phổ biến trong ngành hàng hải khắp thế giới từ năm 1909. Nhưng ít ai biết rằng sự phổ biến đó nhờ vào một vụ va chạm trên biển, nhấn chìm một trong những con tàu xa xỉ bậc nhất nước Anh thời bấy giờ. “Phép màu điện báo”, như cách người ta gọi nó sau này, đã giúp cứu sống hơn 700 người trước lưỡi hái tử thần giữa biển khơi.
Kỳ 1: Câu chuyện của tàu siêu sang Cộng Hòa
Năm 1909, con tàu mang tên RMS Cộng Hòa của Công ty Vận tải Ngôi sao Trắng là một tàu vận tải sang trọng bậc nhất chạy giữa châu Âu và Mỹ. Là một chiếc tàu hai chân vịt, có vỏ thép và mới chỉ 5 năm tuổi, nó đã lập 4 kỷ lục tốc độ xuyên Đại Tây Dương. Dài hơn 170 m, con tàu mang quốc tịch Anh này có trọng lượng chiếm nước 15.400 tấn, 5 boong và là một trong những chiếc tàu đầu tiên được lắp đặt hệ thống đèn điện toàn bộ. Các kĩ sư mô tả nó với 12 ngăn kín nước là “gần như không thể chìm được”.
Cộng Hòa nổi danh với biệt hiệu “Tàu của các triệu phú” vì nó chuyên chở rất nhiều hành khách Mỹ giàu có và danh tiếng, trong khi trên thực tế con tàu này sinh ra để làm nhiệm vụ chuyển bưu phẩm qua lại giữa Anh và Mỹ qua bắc Đại Tây Dương. RMS vốn là 3 chữ viết tắt của cụm từ “Tàu Bưu điện Hoàng gia” theo tiếng Anh.
Cộng Hòa cũng là một trong số tương đối ít tàu được trang bị điện báo vô tuyến. Vào thời điểm đó, “vô tuyến” vẫn là một công nghệ liên lạc mới mẻ, vừa chỉ được phát minh và đưa vào thương mại hóa nhờ kỹ sư điện người Italia Guglielmo Marchese Marconi. Marconi, được công nhận là cha đẻ của radio, đã nhận giải Nobel Vật lý năm 1909 vì những đóng góp của ông cho sự phát triển của điện báo vô tuyến.
Guglielmo Marchese Marconi, người tiên phong trong ngành điện báo. |
Năm 1894, Marconi hoàn thành một đột phá khoa học mang tính bước ngoặt với việc truyền được tín hiệu Morse trên khoảng cách 1 dặm (1,7 km) mà không cần dây nối. Năm 1898, khi đã sở hữu thiết bị tốt hơn và hiểu rõ hơn bản chất bí ẩn của sóng radio, Marconi đã phát thành công một vài bức thư bằng mã Morse từ nước Anh sang Pháp. Năm 1901, việc ông truyền chữ cái “S” (3 dấu chấm theo mã Morse) từ thành phố Cornwall của nước Anh đến thị trấn St. John’s, Newfoundland ở Canađa, với khoảng cách gần 2.000 dặm, đã thu hút sự chú ý của giới khoa học toàn cầu.
Năm 1903, Marconi thành lập Công ty Liên lạc Biển Quốc tế Marconi. Ông xây các trạm thu phát ở cả hai bờ Đại Tây Dương và cung cấp dịch vụ điện báo vô tuyến cho nhiều công ty vận tải biển thương mại. Họ thuê các bộ thiết bị vô tuyến lẫn nhân viên lành nghề của Marconi để vận hành chúng.
Mặc dù lúc này công nghệ điện báo vô tuyến đã phát triển, nhưng nó vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống. Ngay cả các công ty vận tải biển vẫn coi đây là một thứ mới lạ. Tới đầu năm 1909, chỉ khoảng 100 tàu thương mại trên thế giới được trang bị các hệ thống điện báo vô tuyến của Marconi. Một trong số đó là Cộng Hòa. Các quan chức công ty quản lý tàu giải thích việc lắp đặt hệ thống vô tuyến trên các tàu lớn của họ là nhằm thực hiện lịch trình cập bến và vận chuyển của công ty. Những hành khách ở khoang hạng nhất giàu có cũng có thể sử dụng dịch vụ vô tuyến này để gửi tin nhắn tới các trạm bờ biển, rồi sau đó chuyển tiếp qua các đường dây điện báo tới gia đình, bạn bè và đối tác kinh doanh.
Một quảng cáo của Ngôi sao Trắng về hành trình của tàu Cộng Hòa năm 1908. |
Khi Cộng Hòa khởi hành từ New York đến Địa Trung Hải vào buổi chiều ngày 23/1/1909, chỉ có một nhân viên duy nhất của Marconi làm việc trên tàu là Jack Binns. Binns đã hoàn thành khóa đào tạo vô tuyến hồi năm 1904 và lúc mới 20 tuổi đã được giao làm nhiệm vụ trên chiếc tàu đầu tiên. Lúc này, khi đã 25 tuổi, anh đã phục vụ trên tàu Cộng Hòa được 1 năm. Cũng như 741 hành khách và thủy thủ đoàn, anh chờ đợi một chuyến hành trình thông thường như mọi lần.
14 tiếng hành trình đầu tiên quả đúng là như vậy. Tuy nhiên, sau đó con tàu bắt đầu đi vào vùng sương mù dày đặc gần đảo Nantucket thuộc Massachusetts. Thuyền trưởng Inman Sealby bèn giảm tốc độ xuống còn một nửa và ra lệnh phát còi báo hiệu liên tiếp. Ông biết rõ mình đang nằm trong tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới với mật độ tàu dày đặc qua lại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tất cả đều đi qua phía đông của Nantucket. Với tầm nhìn ngắn như thế này, va chạm rất có thể xảy ra.
Trong số những chiếc tàu đang về bờ ngày hôm đó có SS Florida, một con tàu hơi nước nặng 8.000 tấn của Công ty Vận tải Lloyd Italiano. Với 1.200 hành khách và thủ thủ đoàn, Florida sắp hoàn thành chuyến hành trình từ Naples (Italia) đến New York (Mỹ). Giống như chiếc Cộng Hòa, nó cũng đang chạy nửa tốc độ và hú còi báo hiệu trong sương mù.
Tuy nhiên, với tình hình thời tiết xấu như vậy, sự thận trọng của thủy thủ đoàn hai con tàu chưa phải là điều kiện đủ để họ có thể bình yên đi ra khỏi vùng đảo Nantucket.
Trần Anh
Đón đọc kỳ cuối: Cuộc giải cứu ngoạn mục