Ngay từ những số báo đầu tiên, Tuần Tin Tức đã được bạn đọc mến mộ không chỉ ở những cải tiến phương pháp thể hiện mà chính ở nội dung mỗi số báo. Diện thông tin trong nước và thế giới mở rộng nhiều. Có nhiều tin bài bổ
ích, hấp dẫn góp phần nâng cao kiến thức người đọc; đặc biệt là những
phóng sự, điều tra chống tiêu cực gây chấn động công luận.
Khi bàn về đề tài chống tiêu cực, chúng tôi quan niệm phải quan tâm đi
sâu vào thực tiễn, phát hiện và phản ánh trung thực những vấn đề cản trở
sản xuất, phát triển kinh tế; những lãng phí trong sản xuất tiêu dùng.
Khi ấy trong lưu thông phân phối còn nặng bao cấp, xin cho, nên dẫn đến
tệ nạn cửa quyền, lợi dụng “ô dù” che chắn những hành động bất minh...
Ngoài ra phải chống buông lỏng quản lý trong các ngành kinh tế, tình
trạng tự do vô chính phủ không tôn trọng kỷ cương phép nước, “bệnh thành
tích” báo cáo không trung thực... nghĩa là mở rộng diện tin, bài chống
tiêu cực.
Phát hành báo Tin Tức tại trụ sở Văn phòng Đại diện TTXVN ở TP Hồ Chí Minh (tháng 9/2001). |
Trong phạm vi bài này xin đi vào mấy vụ việc điển hình: Với nội dung chống tiêu cực khi ấy, chúng tôi xác định cần đi sâu tìm hiểu ngành kinh tế “mũi nhọn” mà Đảng và Chính phủ đang quan tâm chỉ đạo. Than là ngành công nghiệp quan trọng; không chỉ trong chiến tranh mà còn trong thời bình để khôi phục kinh tế. Bác Hồ từng vi hành vùng than Quảng Ninh. Bác nói “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ...” và Bác ví “sản xuất than cũng như đánh giặc”. Than quan trọng đến như vậy thế mà có thời kỳ sản xuất than gặp khó khăn, có nguy cơ ngừng trệ. Nhiều nguyên nhân: chỉ đạo sản xuất, trang thiết bị, vận tải mỏ... có vấn đề; song “nút thắt” tháo gỡ là yếu tố con người.
Đời sống công nhân sút giảm, khâu phân phối lưu thông có nhiều thiếu sót, bất cập. Một số nơi người ta thay thế đường sữa bồi dưỡng ca 3 cho công nhân bằng thuốc lá hoặc một số mặt hàng tiêu dùng khác! Phát hiện vấn đề, phóng viên Vũ Duy Thông vốn từng thường trú nhiều năm ở vùng mỏ; viết ngay bài điều tra “Ngành than trước ngưỡng báo động”. Khi bài báo đăng tải trên Tuần Tin Tức đến tay bạn đọc; rúng động Văn phòng Chính phủ (khi ấy là Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng); hai bộ Bộ Điện - Than, Bộ Thương nghiệp và tỉnh Quảng Ninh. Bài báo như nồi hơi bật nổ trong hàng vạn công nhân vùng mỏ. Họ tìm tờ báo, sao chép lại bài báo truyền tay nhau đọc.
Bộ trưởng Thương nghiệp Lê Đức Thịnh (thời đó) đọc báo giật mình. Ông
triệu Chánh văn phòng lên giao nhiệm vụ thành lập ngay Đoàn Thanh tra Bộ
về vùng than xem xét lại tình hình phân phối nhu yếu phẩm cho công
nhân? Bởi vì trên bàn làm việc của ông, còn đây bản báo cáo thành tích
của ngành. Ông cho mời phóng viên Vũ Duy Thông lắng nghe thêm tình hình.
Ông Lê Đại, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mời ông Vũ
Hoan, Phó Chủ tịch tỉnh, phụ trách Khối Công Thương nghiệp lên, đưa tờ
báo và nói: Nếu thế này thì phải xin lỗi công nhân. Ngay sau đó tỉnh
triệu tập họp tại mỏ Mông Dương, bàn biện pháp sửa sai. Bộ chủ quản; Bộ
Điện - Than, Bộ trưởng Nguyễn Chân phản ứng với TGĐ Đào Tùng: Các anh
dội nước lạnh vào ngành than trong khi nó đang bắt đầu chuyển
biến...Trên Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười gọi ông Vũ
Hoan, Phó Chủ tịch Quảng Ninh lên đề nghị phải báo cáo rõ việc phân phối
lương thực, thực phẩm cũng như thức ăn uống bồi dưỡng ca 3 cho công
nhân mỏ.
Một bài báo chưa đầy 3.000 chữ, như “một phát đại
bác” rung chuyển ngành than. Phóng sự điều tra “Cướp cạn giữa ban ngày”
của Thơ Linh Cơ (bút danh của Vũ Tâm, nguyên Tổng Biên tập báo Tin Tức
sau này - tên vợ và hai con anh) phê phán Đặng Đình Tám, Giám đốc một
công ty kinh doanh lớn của tỉnh Thanh Hóa. Sau đó thêm một số bài “hậu”
Đặng Đình Tám - “Lan lừa”... ỷ thế có “ô dù” cấp cao của tỉnh; lộng
quyền, tham ô, hủ hóa, trù bức người tố cáo. Vụ này làm giảm uy tín của
Bí thư tỉnh ủy Hà Trọng Hòa do dung túng Đặng Đình Tám và tay chân của
hắn. Viết bài “Cướp cạn giữa ban ngày”, phóng viên Thơ Linh Cơ cùng Phân
xã TTXVN Thanh Hóa đã phải bí mật tiếp cận ‘bắt rễ” rất sâu một số cộng
tác viên “ruột” thuộc các cơ quan nội chính tỉnh: Thanh tra, Kiểm sát,
Công an và một số quần chúng; phải đối phó với những dung dọa của Đặng
Đình Tám và những kẻ xấu liên quan.
Duyệt bài lần
cuối, Tổng Giám đốc Đào Tùng kiêm Tổng biên tập đã chỉ thị anh Trần Mai
Hạnh, Phó Tổng biên tập thường trực; kiểm tra lại tính chính xác của vụ
việc. Khi Tuần Tin Tức phanh phui vụ “Cướp cạn giữa ban ngày” đến tay
bạn đọc, dư luận xôn xao; đặc biệt là ở Thanh Hóa. Tòa soạn nhận được
rất nhiều thư bạn đọc từ Thanh Hóa và các nơi khác hoan nghênh bài báo.
Một số thư của nhân dân địa phương còn tố cáo thêm những tiêu cực của
Đặng Đình Tám và một số cán bộ dính líu đến vụ này. Bài báo cũng vấp
phải phản ứng dữ dội từ phía lãnh đạo tỉnh lên Ban Tuyên huấn Trung
ương,Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng... và đương nhiên, tòa soạn cũng gặp
nhiều nỗi truân chuyên, phải đi “hầu kiện”.
Song
điều đáng mừng là phóng viên viết với lòng dũng cảm, tâm huyết, nói
chung là chính xác, được Bộ biên tập TTXVN khuyến khích. Quan trọng hơn,
ít lâu sau đó có chuyên mục trên báo Nhân Dân “Những việc cần làm ngay
“của tác giả NVL (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) làm điểm tựa. Đặng Đình
Tám cùng đồng bọn rốt cuộc cũng phải ra trước công lý. Tuần Tin Tức thời
kỳ ấy mở rộng đề tài chống tiêu cực trên nhiều lĩnh vực với những bài
điều tra, phóng sự được đông đảo bạn đọc đón chờ từng số báo. Đó là
những bài phê phán tình trạng “Buông lỏng quản lý ở Nhà máy Cao su Sao
Vàng” Hà Nội - dẫn đến sản xuất sụt giảm, chất lượng sản phẩm kém (phóng
viên Thao Lan); bài phát hiện “Những ngôi nhà bất minh” của nhóm phóng
viên Phân xã Hà Nội: “Nạn buôn đồ cổ, đồ giả cổ” (nhóm phóng viên Phân
xã Hải Phòng)...
Các đại lý đến lấy báo Tin Tức trong đợt thông tin về vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. |
Có thể nói Tuần Tin Tức hồi ấy là tờ báo đi hàng đầu trong công cuộc đổi mới báo chí chống tiêu cực quyết liệt. Hồi ấy không khí nghiệp vụ cũng như phát hành tin, báo của TTXVN - số 5 Lý Thường Kiệt rất sôi động, hào hứng. Ở các sạp báo, bạn đọc xếp hàng dài mua báo, đón đọc những tin nhanh về World Cup (Espana), về những chuyện dài kỳ “thâm cung bí sử” của Trung Quốc. Và, đặc biệt những số báo Tuần Tin Tức có bài chống tiêu cực thì ngoài các sạp báo ở quanh Lý Thường Kiệt; các sạp báo khác trong thành phố cũng sớm hết sạch.
Những địa phương, những ngành, những cơ quan có liên quan đến vụ việc thì bạn đọc tìm từng số báo, truyền tay nhau hoặc sao chép lại bài báo. Những bài báo có sức nặng như những nhát búa tạ giáng vào tệ nạn tiêu cực lúc bấy giờ đã góp phần tạo dựng tín nhiệm của TUẦN TIN TỨC đối với bạn đọc. Tờ báo đã nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm phản ánh trung thực vụ việc; góp phần phục vụ sự nghiệp đổi mới của Đảng.