Trong cuốn sách “Poisoning the Press” (Đầu độc báo chí), tác giả Mark Feldstein viết: "Chính quyền của Tổng thống Nixon nghe lén nhà báo, liệt họ vào danh sách kẻ thù, kiểm toán tờ khai thuế, kiểm duyệt các tờ báo và tước giấy phép phát thanh".
Trong số các nhà báo, Jack Anderson là "cái gai" trong mắt Tổng thống Nixon. Anderson bị Tổng thống Nixon đặc biệt căm ghét. Nhà báo này từng đào bới những thông tin tiêu cực về ông Nixon từ lâu, trước cả khi ông bước chân vào Nhà Trắng.
Tại thời điểm đó, Anderson chuyên viết cho một mục trên báo ngày và bài của ông được cung cấp cho gần một nghìn tờ báo với gần 70 triệu độc giả. Với sức ảnh hưởng lớn như vậy, hiếm có ai bị Tổng thống Nixon ghét hơn nhà báo Anderson.
Căn nguyên của nỗi căm ghét này diễn ra cách thời điểm đó 20 năm. Năm 1952, Anderson đã viết một bài báo về việc Nixon dùng tiền từ các nhà tài trợ thuộc các nhóm lợi ích đặc biệt để chi tiêu riêng. Về sau, Nixon thừa nhận những va chạm với Anderson từ thời điểm này đã ảnh hưởng mạnh tới quan điểm của ông về báo chí, để lại một vết sẹo sâu không bao giờ liền.
Sau khi Nixon trở thành tổng thống Mỹ năm 1968, ông đã lệnh cho nhân viên không bao giờ được phát ngôn gì với Anderson. Tuy nhiên, không lâu sau đó, một nhân viên bất bình trong Nhà Trắng đã không tuân thủ lệnh trên.
Cần phải lưu ý rằng cả Tổng thống Nixon và Anderson đều cực kỳ kỳ thị người đồng tính. Đây là điều mà nhân viên Nhà Trắng Murray Chotiner biết rất rõ và đã lợi dụng điều đó. Ông nói với Anderson rằng có một “đường dây tình dục đồng tính” trong các nhân viên Nhà Trắng. Anderson đã báo tin này cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) và đích thân Giám đốc FBI Edgar Hoover đã gọi điện để cảnh báo Tổng thống Nixon về hoạt động tình dục đồng tính trong nhân viên.
Nghe tin đó, Tổng thống Nixon vô cùng giận dữ và sự kỳ thị với người đồng tính trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Sự việc đã gây hỗn loạn trong Nhà Trắng và mãi sau tin đồn mới được dập tắt. Khi đó, Nixon nhận ra Anderson chính là người lừa gạt mình.
Theo tác giả Feldstein, sau hai chục năm chiến đấu với Anderson, Tổng thống Nixon và nhân viên nhận ra rằng nhà báo này cũng chỉ phụ thuộc vào nguồn tin và rò rỉ thông tin cho anh ta có thể là cách kiểm soát anh ta hiệu quả hơn là tấn công.
Năm 1970, theo yêu cầu của Nixon, các phụ tá đã thành công trong sử dụng Anderson để làm suy yếu đối thủ của Nixon là Thống đốc Alabama, ông George Wallace. Cách thức họ thực hiện điều đó là phi pháp: họ tuồn tài liệu thuế mật cho Anderson.
Mặc dù biết Tổng thống Nixon đang lợi dụng mình nhưng Anderson cũng muốn sử dụng thông tin béo bở này. Tổng thống Nixon coi khoảnh khắc hợp tác hiếm hoi này là dấu hiệu hòa giải với Anderson. Trong khi đó, Anderson làm việc với giả định rằng sự hợp tác đôi bên sẽ chỉ tồn tại chừng nào không bị xung đột lợi ích.
Năm 1971, sau khi thông tin về ông Wallace được đăng, Anderson đã lên tivi và nói: “Tôi có thể đảm bảo với các bạn là nếu Tổng thống biết ai làm rò rỉ thông tin này, người đó sẽ bị sa thải ngay ngày mai”. Nghe có vẻ như Anderson đang bảo vệ Tổng thống Nixon, nhưng thực ra đó lại là một lời đe dọa vì người rò rỉ thông tin chính là Nixon.
Việc ông Wallace bị hạ bệ đã giúp Nixon chiến thắng trong bầu cử tổng thống năm 1972. Tuy nhiên, Anderson đã có một thông tin về Nixon, thông tin có thể khiến ông bị luận tội.
Nixon bắt đầu nhiệm kỳ hai với tâm lý nơm nớp lo sợ Anderson phản bội và đang gặp rắc rối với làn sóng biểu tình phản chiến ngày càng dữ dội. Nixon ngày càng trở nên giận dữ, có tâm lý trả thù.
Người của Tổng thống cũng sẵn sàng cùng ông tham gia cuộc chiến chống báo chí. Thư ký báo chí của Nixon cáo buộc mọi kênh tin tức truyền hình là “phản Nixon”.
Phó Tổng thống Spiro Agnew nói: “Ngày mà các bình luận viên truyền hình và thậm chí là cả các quý ông tờ New York Times được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao liên quan tới những bình luận, chỉ trích mà họ nói đã qua rồi”. Cố vấn của Tổng thống, Charles Colson, nói với CBS News rằng Nhà Trắng sẽ khiến họ quỳ gối và phá vỡ kênh của họ.
Nixon đã dùng Hoover và nhân viên FBI để đào bới tin tức xấu về các phóng viên, khuyên họ tìm kiếm những thông tin đặc biệt liên quan tới hoạt động đồng tính. Nixon cho phép nghe lén bất hợp pháp các phóng viên chỉ trích chính quyền của mình và lệnh cho cấp dưới đột nhập vào nhà phóng viên, đánh cắp hoặc sao chép bản thảo bài viết của họ. Ông bảo các phụ tá chọn ra “20 phóng viên xấu xa nhất Washington” và phá hủy uy tín của họ bằng mọi biện pháp cần thiết. Anderson là cái tên đầu tiên trong danh sách.
Trước khi Tổng thống Nixon tái đắc cử, Anderson đã đăng một số tin bài cảnh báo rằng Nixon đang bí mật leo thang xung đột quân sự ở Đông Nam Á, nhưng ông đã rất thất vọng vì lúc đầu, không ai quan tâm tới thông tin tình báo về chính sách đối ngoại trên.
Năm 1971, tờ New York Times cuối cùng cũng đào xới vấn đề và bắt đầu đăng một loạt thông tin mà sau này người ta gọi là Hồ sơ Lầu Năm góc. Anderson không liên quan đến tuyến thông tin này. Hồ sơ Lầu Năm góc đã khiến Nixon giận dữ và báo chí vào cuộc đồng loạt. Vụ việc này dẫn tới vụ bê bối Watergate khiến Nixon phải từ chức ba năm sau đó.
Hồ sơ Lầu Năm góc đã khiến chính quyền Nixon phản ứng. Tổng thống Nixon thuê hai người gồm cựu đặc vụ Cơ quan Tình báo Trung ương E. Howard Hunt và cực đặc vụ FBI G. Gordon Liddy. Ông gọi họ là “thợ ống nước” vì nhiệm vụ của họ là tìm chỗ rò rỉ và hàn lại. Nixon không quan tâm là họ “hàn” bằng cách nào.
Mạnh dạn hơn nhờ vụ Hồ sơ Lầu Năm góc, Anderson bắt đầu đưa tin về chính sách đối ngoại của Mỹ theo nguồn riêng. Thông tin tình báo của Anderson chính xác, nhiều và không chỉ khiến chính quyền Nixon báo động. Theo lời kể của Donald Steward, một điều tra làm việc cho Lầu Năm góc, Anderson thường lên truyền hình với tập tài liệu mật đánh cắp được, giơ ra con dấu mật trên tài liệu và đọc một vài trích đoạn.
Anderson khẳng định lấy thông tin mật từ một số nhân viên của Tổng thống Nixon. Nắm nhiều thông tin trong tay, Anderson có thể tung ra bất kỳ tin tức hủy diệt nào với chính quyền Nixon. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Mitchell từng rên rỉ: “Tôi muốn tóm lấy gã Anderson này và treo cổ anh ta”. Tổng thống Nixon nói: “Đúng thế”.
Tháng 3/1972, cố vấn tổng thống Charles Colson đã gặp E. Howard Hunt, nói rằng Anderson đã trở thành "cái gai nhọn" với Tổng thống và cần phải ngăn chặn Anderson bằng mọi giá. Colson đề xuất ám sát Anderson theo kiểu một vụ tai nạn, ví dụ như dùng một chất độc đặc biệt không thể bị phát hiện nếu có khám nghiệm tử thi hoặc một số cách khác. Colson nói rằng loại bỏ Anderson là điều rất quan trọng với Nhà Trắng và Hunt được phép làm bất kỳ điều gì cần thiết để loại bỏ nhà báo điều tra này.
Hunt và Liddy nghĩ rất nhiều cách để loại bỏ Anderson: đột nhập nhà và cho thuốc độc vào lọ thuốc, dàn dựng cảnh Anderson bị cướp của giết người…
Vậy tại sao Anderson vẫn còn sống? Lý do gì mà Hunt và Liddy không làm theo kế hoạch? Theo tờ Timeline, đó là vì vài ngày sau đó, họ được giao một nhiệm vụ khác mà sau này nổi tiếng khắp thế giới: đó là đột nhập và cài thiết bị nghe lén tại trụ sở đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate.