Cuộc đời bi kịch của Đệ nhất phu nhân Mỹ nhiều tai tiếng Mary Todd Lincoln

Mary Todd Lincoln đã sống một cuộc đời đầy bi kịch, bà không chỉ sớm chứng kiến cái chết của mẹ, ba người con và người chồng, Tổng thống Abraham Lincoln, mà còn bị lịch sử ghẻ lạnh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Abraham Lincoln và phu nhân Mary Todd Lincoln. Ảnh: WGBH

Tối 14/4/1865, Mary Todd Lincoln còn mắng mỏ chồng thể hiện quá tình cảm trong Nhà hát Ford khi họ tới xem kịch. Lincoln đáp lại rằng chẳng ai cùng khoang để ý điều đó. Chỉ vài phút sau, một viên đạn bắn xuyên não Tổng thống Mỹ. Ông qua đời vào sáng hôm sau.

Vụ ám sát Abraham Lincoln đã làm suy sụp vợ ông. Nhưng cái chết dữ dội của người chồng không phải là điều khủng khiếp đầu tiên xảy đến với Mary Todd Lincoln, và thật không may, đó cũng không phải là điều cuối cùng. 

Bi kịch xảy đến rất sớm trong cuộc đời Mary Todd Lincoln. Mary sinh ra trong giàu sang ở Lexington, bang Kentucky vào ngày 13/12/1818 . Cha bà là một chính trị gia kiêm doanh nhân thành công, sở hữu nhiều nô lệ. Nhưng năm 6 tuổi, Mary đã chứng kiến cái chết của mẹ khi sinh nở. Cha cô trở thành người chồng góa với 7 đứa con, mà Mary Todd là thứ tư. Chỉ vài tháng sau, cha Mary tái hôn, và tiếp tục có tới 9 người con khác trong cuộc hôn nhân thứ hai. Mary Todd trải qua một tuổi thơ cô đơn, buồn bã vì mẹ kế không ưa các con riêng của chồng.

Cuộc hôn nhân “đũa lệch”

Năm 1839, khi 21 tuổi, Mary mới có cơ hội rời ngôi nhà bất hạnh để đến sống với người chị gái ở Springfield, bang Illinois. Phong cách và trí thông minh của Mary khiến cô nhanh chóng trở thành hình mẫu của phụ nữ trẻ ở Springfield, nơi bà có cuộc gặp gỡ định mệnh với Abraham Lincoln.

Chú thích ảnh
Chân dung Mary Todd Lincoln. Ảnh: history.com

Trong một buổi tiệc khiêu vũ, cả hai cùng có mặt. Mary với đôi mắt xanh, lông mi dài, tóc màu nâu sáng, nhảy múa một cách duyên dáng, quần áo lộng lẫy. Trong khi đó, Lincoln lúc này vẫn chỉ là một người đàn ông nghèo khó, vụng về trong các điệu nhảy, quần áo giản dị và thô kệch. Mary chỉ nhớ rằng mình đã nhảy với một người đàn ông lạ với một khuôn mặt khắc khổ, một dáng điệu buồn cười và đó là vũ điệu xấu nhất trên đời mà cô từng nhảy. Tuy nhiên, Mary Todd ngay lập tức đã nhìn thấy ở chàng luật sư trẻ này một điều gì đó vô cùng đặc biệt.

Cả hai thường xuyên gặp gỡ, qua lại và một mối tình giữa hai con người thuộc hai tầng lớp khác nhau, với hai tính cách gần như đối lập đã nảy nở trong sự phản đối của mọi người, đặc biệt là chị em của Mary. Chị gái của Mary là Elizabeth Porter Edwards cho rằng hai người quá khác biệt về tình cách, nền giáo dục và nuôi dưỡng đến mức không thể có hôn nhân hạnh phúc.

Vượt qua tất cả những rào cản đó, cả hai đã quyết tâm đi đến hôn nhân vào năm 1842, khởi đầu cho một cuộc sống vợ chồng ngột thở mà cả hai chưa bao giờ tưởng tượng nổi.

Người đàn bà thịnh nộ

Nhờ có Mary Todd, Lincoln từ một luật sư nghèo đã bước vào cuộc sống quý tộc với những mối quan hệ mới. Tuy nhiên, những đày ải trong cuộc sống cũng bắt đầu xuất hiện không lâu sau đó.

Chú thích ảnh
Tượng tạc hai vợ chồng Tổng thống giải phóng nô lệ ở Mỹ Abraham Lincoln. Ảnh: realracine

Đám cưới của họ diễn ra khi Lincoln 33 tuổi trong khi Mary mới chỉ 23 tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác, địa vị, đặc biệt là tính tình đã tạo nên một sự đối chọi trong đời sống. Trong khi Mary còn mải mê với những thú vui của tuổi trẻ thì Lincoln lại điềm tĩnh, chín chắn với những suy nghĩ của một người đàn ông đã lớn.

Tuy nhiên, điều đó chưa quan trọng bằng sự thay đổi tâm tính đến bất ngờ của Mary. Sau thời gian trăng mật, cô gái duyên dáng và quý phái dần dần hiện nguyên hình là một người đàn bà bẳn gắt, hay gây sự và rất dễ nổi cơn tam bành. Mary thường xuyên ghen tuông với tất cả mọi người xung quanh chồng, mắng nhiếc ông thậm tệ. Không chỉ dừng lại ở những câu nói châm chọc, bà còn bắt chước dáng đi của ông rồi đay nghiến rằng sao ông không cố mà học dáng đi thanh lịch tao nhã của bà, mà cứ “kéo lê chân như thằng mọi”. Có lần, chính Mary Todd đã chửi thẳng vào mặt Lincoln rằng “ông là một con khỉ đột” khi cho rằng, đầu và tay của Lincoln quá lớn, trong khi đó mũi lại không thẳng và hàm thì chìa ra.

Ngay cả khi đã là một chính khách rồi Tổng thống, Lincoln vẫn không thoát cảnh xấu hổ ê chề vì vợ ăn nói, cư xử thô bạo ngay giữa chốn công khai.

Cái chết của 3 người con

Mary Todd sinh cho Abraham Lincoln bốn người con, và đều là con trai, nhưng chỉ có người con cả là Robert sống sót đến tuổi trưởng thành. Người con trai thứ hai Edward Baker Lincoln qua đời một tháng trước ngày sinh nhật thứ tư vì bệnh lao. Cái chết của cậu bé khiến Mary Todd không lúc nào ngừng khóc, bà bỏ ăn, mất ngủ vì quá đau buồn. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của những bi kịch trong gia đình. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Lincoln và con trai cả Robert. Ảnh: mentalfloss

Có lẽ cú đòn nặng nề nhất chỉ xảy đến với Tổng thống Abraham và phu nhân ngay khi họ chuyển tới Nhà Trắng. Trong một tuần lễ đầy sóng gió vào tháng 2/1862, con trai Willie của họ đã lâm bệnh hiểm nghèo. Cậu bé qua đời ở tuổi 13 vì sốt thương hàn. Cái chết của Willie, đứa con mà Mary yêu nhất, đã tàn phá cả hai bố mẹ. Mary sống cô lập bản thân. Bà nằm liệt trên giường suốt 3 tuần, từ chối dự tang lễ và không thể chịu đựng việc nhìn thấy bất cứ thứ gì, bất cứ ai gợi nhớ đến con trai. Đệ nhất phu nhân Mỹ bị trầm cảm nặng nề và bắt đầu nhờ đến các nhà ngoại cảm đến “liên lạc” với Willie.

Thomas Lincoln, cậu út nhà Lincoln, cũng hứng chịu cú sốc lớn vì cái chết của anh, cũng là người bạn thân nhất của cậu. Không lâu sau đó, cậu lại mất đi người cha. Và trên một hành trình từ châu Âu trở về cùng với mẹ, Thomas bị cảm lạnh, biến chứng nghiêm trọng rồi qua đời khi 18 tuổi.

Một gia đình chia rẽ bởi cuộc nội chiến 

Giống như nhiều gia đình Mỹ khác trong cuộc Nội chiến, các thành viên gia đình Mary Todd Lincoln bỗng đứng ở hai bên chiến tuyến đối lập trong cuộc xung đột. Mary Todd Lincoln thường bị chỉ trích đã phản bội nguồn gốc miền Nam của bà. Trong khi đó, những người anh em của Mary Todd lại chiến đấu trong hàng ngũ của Liên minh miền Nam, đối lập với Chính phủ Liên minh miền Bắc của Tổng thống Lincoln.  

Vào thời điểm cuộc Nội chiến đã gần kết thúc, trên chiếc xe ngựa đến Nhà hát Ford vào tối 14/4/1865, Lincoln bảo vợ: “Hai chúng ta sẽ vui vẻ hơn trong tương lai, sau chiến tranh và nỗi đau mất mát Willie thân yêu, chúng ta đã từng quá đau khổ”. Niềm lạc quan của Lincoln hẳn đã thành sự thật nếu như ông không trở thành nạn nhân của gã diễn viên John Wilkes Booth vào tối hôm đó.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ cảnh Mary Todd Lincoln đau buồn khi Tổng thống Lincoln hấp hối trên giường. Ảnh: history.com

Vào lúc hơn 10 giờ đêm, John Wilkes Booth đã dùng súng lục bắn từ phía sau vào đầu Lincoln. Bị trúng đạn, Tổng thống nằm bất tỉnh và qua đời vào sáng hôm sau. Lại một lần nữa Mary chịu đựng sự mất mát tinh thần và chấn động tâm lý.

Sau này bà từng thừa nhận "suốt mấy chục năm qua, tôi là một mụ đàn bà điên cuồng”. Bất hạnh dồn dập, khổ đau như đeo bám người phụ nữ tội nghiệp khi sau cái chết của chồng, bà lại mất thêm một cậu con trai nữa. Mary mắc bệnh hoang tưởng và sợ hãi vì nghĩ rằng luôn có âm mưu ám sát bà. 

Bị ghẻ lạnh bởi gia đình, bạn bè, và lịch sử

Năm 1875, người con trai còn sống cuối cùng của Mary Todd Lincoln là Robert đã tìm cách đưa mẹ vào viện tâm thần vì quá xấu hổ với cách cư xử của bà.

Mary Todd quá bất ngờ khi cảnh sát xuất hiện trước cửa, đưa bà đến tòa án. Tại phiên tòa, con trai của bà khẳng định: “Tôi không nghi ngờ gì mẹ tôi bị điên. Bà ấy từ lâu đã khiến tôi điên đầu”. Tất cả bồi thẩm đoàn nam giới đều đồng ý rằng Mary Todd Lincoln bị điên và bị buộc phải vào viện tâm thần điều trị trong 3 tháng.

Mary tìm mọi cách để tự giải phóng mình. Cuối cùng với sự giúp đỡ của vài người bạn, bà làm được. Trong phiên tòa thứ hai vào năm 1876, bồi thẩm đoàn tuyên bố Mary Todd Lincoln tỉnh táo bình thường. Bà sống những năm còn lại cùng với người em gái Elizabeth Edwards và cuối cùng qua đời vì đột quỵ vào ngày 16//1882.

Chú thích ảnh
Mary Todd Lincoln, một Đệ nhất phu nhân nhiều tai tiếng của nước Mỹ. Ảnh: history.com

Các nhà sử học từ lâu đã cố gắng tìm hiểu về hành xử phức tạp của Mary Todd Lincoln, và liệu có phải do bà bị bệnh tâm thần hay không. Ngày nay, câu trả lời cho điều đó vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có lẽ những khía cạnh bi kịch nhất của cuộc đời Mary Todd Lincoln chính là vị trí của bà trong ký ức lịch sử. Với nhiều người, vị trí đệ nhất phu nhân không bao giờ thuộc về Mary Todd Lincoln. Bà chỉ là đơn giản là người mang họ của chồng. Hầu hết học giả viết về Abraham Lincoln có xu hướng mô tả Mary Todd là một người vợ không cân xứng, thậm chí là người ảnh hưởng xấu đến Tổng thống. Họ đổ lỗi lối hành xử cực đoan của bà là do chứng íctêri (chứng cuồng loạn, quá kích động).

Mary Todd chắc chắn có thể đã ghen tuông, phi lý, trầm cảm và bốc đồng. Nhưng bà cũng thể hiện sự can đảm và nghiêm túc thực sự. Trong chiến tranh, Mary Todd từng đưa quân đội vào Nhà Trắng và thăm những người lính bị thương. Bà từ chối rời Washington D.C. khi Liên minh miền Nam có nguy cơ chiếm thành phố. Quả thực, người ta tin rằng chính người vợ có phần "hư hỏng" của Abraham Lincoln có thể đã biến một luật sư thất nghiệp ở thị trấn nhỏ trở thành Tổng thống Mỹ. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tai nạn kinh hoàng khiến gần 600 người chết cháy tại Liên Xô
Tai nạn kinh hoàng khiến gần 600 người chết cháy tại Liên Xô

Chỉ 3 năm sau sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Liên Xô lại phải hứng chịu một thảm họa khác liên quan đến năng lượng nhưng ít được biết đến. Gần 600 người đã chết cháy khi đường ống khí đốt phát nổ phá hủy hai đoàn tàu hỏa gần Ufa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN