Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 2:

Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội

Quá hoảng sợ trước các thông tin thực phẩm nhiễm độc và bị làm giả tràn lan trong nước, người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin tưởng vào hàng nội và bắt đầu tẩy chay sản phẩm trong nước để tự bảo vệ mình. Họ tẩy chay hàng nội bằng hai hình thức: tự cung tự cấp hoặc chuyển sang mua đồ ngoại nhập.


Mô hình tự trồng rau của các bà nội trợ Trung Quốc là một trong những biểu hiện cho thấy họ không còn tin vào đồ ăn thức uống bày bán ở chợ, siêu thị. Rau được trồng ngay tại ban công chật chội hay trên mái nhà trong không gian sống ở nhiều đô thị, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh. Người ta trồng cải bắp, ớt chuông, cà tím, cà chua, dưa chuột và nhiều loại rau theo mùa dùng trong bữa ăn hàng ngày. Những người tự trồng rau khẳng định: Sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất và họ không còn muốn ăn thực phẩm bị tẩm phụ gia, ngấm thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất.

 

Cảnh mua bán sữa bột tấp nập tại ga Sheung Shui ở Hong Kong, gần biên giới với Trung Quốc.


Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay hơn trong xử lý những kẻ phạm tội hình sự liên quan đến thực phẩm, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp này. Đa số các bà nội trợ không tin thực phẩm dán nhãn sạch và hữu cơ ở siêu thị. Một nhóm trong số họ thậm chí đã thành lập hẳn một “Liên minh xanh của các bà mẹ” với hơn 100 thành viên, tự sản xuất thực phẩm như rau, trứng, thịt và bán cho người tiêu dùng. Các phong trào kiểu như vậy tuy nhỏ nhưng đang ngày càng phát triển và được nhân rộng.


Đối với các mặt hàng không thể tự sản xuất hoặc không thể tìm được nguồn trong nước đáng tin cậy, người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn hàng ngoại. Xu hướng tiêu dùng này ngày càng phát triển, đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu. Điều tra năm 2012 của công ty nghiên cứu quốc tế Ipsos dựa trên phỏng vấn 2.100 người Trung Quốc cho thấy, có tới 61% trong số họ cho biết niềm tin vào hàng nội đã suy giảm và 28% nói rằng họ mua nhiều hàng ngoại hơn để thay thế các sản phẩm trong nước.


Người tiêu dùng Trung Quốc chuộng thực phẩm ngoại, đặc biệt là các nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng, vì họ yên tâm với tiêu chuẩn cũng như quy trình an toàn nghiêm ngặt của nhà sản xuất ngoại trong đóng gói, chế biến, kiểm nghiệm sản phẩm. Hàng ngoại cũng không có phụ gia độc hại như hàng trong nước.


Các mặt hàng nhập khẩu được người Trung Quốc mua nhiều nhất gồm sữa, ngũ cốc, dầu ăn, thực phẩm cho trẻ em. Nhờ xu hướng tiêu dùng này mà các cửa hàng bán đồ ngoại ở Trung Quốc ăn nên làm ra, doanh số bán hàng mỗi năm tăng gấp nhiều lần so với trước khi xảy ra các vụ bê bối thực phẩm. Nhiều cửa hàng bán đồ ngoại trước chỉ phục vụ người nước ngoài tại Trung Quốc, nay người mua chủ yếu lại là khách Trung Quốc. Theo siêu thị trực tuyến Yihaodian.com - siêu thị có tới 80% mặt hàng nhập khẩu, các mặt hàng ngoại từ sữa, bánh kẹo, đồ uống, cà phê cho đến rau, thịt bán rất chạy.


Ngoài xu hướng mua đồ ngoại nhập, người tiêu dùng Trung Quốc còn đang có xu hướng tận dụng mọi cơ hội để khuân hàng từ nước ngoài về mỗi khi có dịp xuất ngoại. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh có tên HorizonKey, trong số 1.059 gia đình trung lưu ở 5 thành phố lớn nhất Trung Quốc tham gia điều tra, có 36,6% từng ra nước ngoài chỉ để mua sắm và hơn một nửa cho biết họ định ra nước ngoài mua sắm trong tương lai gần. 63% cho biết họ đi mua sắm ở nước sở tại mỗi khi đi du lịch.


Trào lưu mua hàng ngoại nhập đã trở thành cơn sốt không thể hạ nhiệt với người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là đối với mặt hàng sữa bột trẻ em. Sau vụ sữa bột nhiễm melamine năm 2008, cũng dễ hiểu tại sao các ông bố bà mẹ lại ráo riết tìm mọi cách mua sữa bột ở bất kỳ nơi nào ngoài Trung Quốc.


Khách du lịch Trung Quốc mỗi lần vào siêu thị ở Đức, Hà Lan, New Zealand hay gần nhất là Đặc khu hành chính Hong Kong là lại “vét sạch” hàng ở khu vực bán sữa bột. “Cơn khát” sữa sạch từ du khách Trung Quốc đã khiến nhiều nước rơi vào tình trạng thiếu sữa bột cho chính người dân trong nước.


Vương quốc Anh và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã phải áp dụng biện pháp tiêu cực nhằm hạn chế mặt hàng sữa bột bán ra. Các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn như Boots và Sainsbury’s ở Anh chỉ cho phép mỗi khách hàng được mua hai hộp sữa bột/lần. Còn tại Hong Kong, nhân viên hải quan cũng chỉ cho mỗi khách du lịch mang ra khỏi Hong Kong tối đa hai hộp sữa loại 900 gram. Ai mang nhiều hơn sẽ bị phạt tới 6.500 USD và 2 năm tù giam. Hong Kong buộc phải đối xử với người buôn lậu sữa bột cũng giống như buôn lậu ma túy để bảo đảm nguồn sữa bột cho người tiêu dùng vùng lãnh thổ này sau khi bị dư luận gây quá nhiều sức ép. Trong khi đó, khách du lịch vào Trung Quốc mang nhiều sữa bột phải tìm cách trốn hải quan vì nước này hạn chế nhập khẩu sữa bột do lo ngại cho “tính mạng” của ngành sữa trong nước.


Một nguyên nhân khiến người Trung Quốc đổ xô mua sữa khi ra nước ngoài là họ không tin rằng các lon sữa ngoại bày bán ở Trung Quốc là hàng ngoại “xịn”, đặc biệt là sau khi có thông tin một số sản phẩm sữa Trung Quốc đã “đội lốt” sữa ngoại. Một bà mẹ tên Tina, 28 tuổi, ở Quảng Châu có con gái nhỏ nói: “Làm sao chúng tôi vẫn có thể tin vào thực phẩm trong nước sau khi đọc chừng ấy những tin tức khủng khiếp về an toàn thực phẩm?”.


Khoảng 2/3 hộ gia đình ở Trung Quốc đại lục có con nhỏ dùng sữa bột và các sản phẩm ngoại chiếm 60% thị phần. Sữa bột nhập vào Trung Quốc năm 2009 tăng lên 310.000 tấn, gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2008 - thời điểm xảy ra vụ bê bối sữa melamine của Tam Lộc. Đến năm 2011, con số này là 528.000 tấn.


Tất cả những số liệu này đều chứng minh một điều rằng thực phẩm Trung Quốc đã không còn chỗ đứng trong niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Không chỉ gây tai tiếng trong nước, các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm Trung Quốc còn “xuất khẩu” bê bối thực phẩm của mình trên phạm vi toàn cầu.


Thùy Dương

Đón đọc kỳ tới: Thế giới kinh hoàng với thực phẩm “made in China”

Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc
Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc

Trong những năm gần đây, số vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Dường như ngày nào cũng có thể tìm thấy các vụ bê bối thực phẩm trên báo chí, không lớn thì nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN