Người đứng sau vụ rò rỉ tình báo lớn nhất nước Mỹ - Kỳ 1

Kỳ 1: "Người Mỹ trầm lặng"

 

29 tuổi, lương 200.000 USD/năm, một công việc ổn định tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ và một cô bạn gái xinh đẹp. Edward Snowden có thể sẽ sống một cuộc sống thoải mái, tự do như bao người Mỹ khác cho đến khi anh quyết định đánh đổi tất cả để tiết lộ cho công chúng biết một bí mật động trời, rằng bất kỳ ai trong số họ cũng có thể bị chính quyền Mỹ theo dõi trong một chương trình giám sát Internet tuyệt mật. Tiết lộ của Snowden đã trở thành vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất nước Mỹ thời hiện đại và làm dấy lên cuộc tranh luận giữa hai phe, một phe tung hô anh là anh hùng, phe kia cáo buộc anh tội phản quốc.


 

Edward Snowden.

 

Ngày 6/6/2013, tờ The Guardian của Anh và The Washington Post của Mỹ đưa tin, trong khuôn khổ một chương trình bí mật mang tên PRISM thiết lập từ năm 2007, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã kết nối trực tiếp và bí mật vào các máy chủ của 9 tập đoàn Internet khổng lồ. Mục đích là để tiếp cận các đoạn video, ảnh, thư điện tử và lịch sử truy cập Internet của người dùng. Tiết lộ trên đã khiến chính quyền Mỹ lao đao, gây thiệt hại khổng lồ cho cộng đồng tình báo Mỹ, khiến Bộ Tư pháp phải mở một cuộc điều tra hình sự.


Đến ngày 9/6, tờ The Guardian đã công khai danh tính của người tiết lộ thông tin trên - Edward Snowden - theo yêu cầu của chính Snowden. Kể từ lúc đó, cuộc sống của Snowden không còn tự do, nhiều khả năng bị truy tố và trở thành người "bị truy nã" gắt gao nhất nước Mỹ.


Snowden từng là trợ lý kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và làm việc dưới nhiều hợp đồng tại NSA suốt 4 năm qua thông qua nhà thầu Booz Allen Hamilton và Dell.


Snowden và người yêu.

 

Kể từ giây phút quyết định tiết lộ tài liệu tuyệt mật, Snowden đã không muốn ẩn danh. Anh nói: "Tôi không có ý định giấu mình là ai vì tôi biết tôi đã không làm gì sai trái". Mặc dù quyết định lộ danh tính nhưng Snowden liên tục khẳng định anh muốn tránh trở thành tâm điểm của báo chí: "Tôi không muốn dư luận chú ý vì tôi không muốn tin tức viết về mình. Tôi muốn họ viết về những gì chính phủ Mỹ đang làm".


Ba tuần trước khi nói ra thông tin tuyệt mật, tại văn phòng của NSA ở Hawaii nơi Snowden đang làm việc, anh đã sao chép bộ tài liệu cuối cùng định tiết lộ. Sau đó, Snowden thông báo với cấp trên ở NSA rằng anh cần nghỉ làm vài tuần để chữa động kinh - chứng bệnh anh mắc phải sau một loạt cơn tai biến năm 2012.


Trong khi gói ghém hành lý, Snowden nói với người yêu rằng anh phải đi vắng vài tuần với lý do mập mờ. Chắc hẳn đối với cô bạn gái, đó không phải là điều bất thường với một người như Snowden - người đã từng làm việc trong giới tình báo cả chục năm.


Ngày 20/5/2013, Snowden bay đến Hồng Công, ở lì trong phòng khách sạn Mira sang trọng. Dù đã trả phòng ngày 10/6 nhưng người ta đoán rằng anh vẫn ở Hồng Công. Snowden chọn Hồng Công vì cho rằng đây là nơi tôn trọng tự do ngôn luận và quyền tị nạn chính trị.


Suốt 3 tuần ở Mira, Snowden “cố thủ” trong phòng và đã trả lời phỏng vấn trực tiếp phóng viên của The Guardian và The Washington Post. Anh kể: “Tôi có lẽ chỉ rời phòng tổng cộng có 3 lần trong thời gian ở đây”. Mira là một khách sạn lộng lẫy nên cộng cả chi phí phục vụ bữa ăn tại phòng, Snowden đã phải trả một khoản tiền không nhỏ.


Khách sạn Mira ở Hồng Công, nơi Snowden từng trú ẩn.

 

Snowden đặc biệt lo sợ bị do thám. Anh nhét gối dưới cửa ra vào phòng khách sạn để đề phòng bị nghe trộm. Anh mặc một cái áo choàng đỏ to có mũ trùm đầu và trùm qua cả máy tính xách tay mỗi khi nhập mật khẩu để phòng ngừa chẳng may có máy quay nào đặt ở trong phòng có thể phát hiện mật khẩu.


Nghe có vẻ điên rồ nhưng Snowden có lý do xác đáng để lo sợ. Anh đã làm việc trong ngành tình báo Mỹ gần 10 năm. Anh biết rằng NSA - tổ chức do thám bí mật nhất và lớn nhất Mỹ - cùng với chính phủ quyền lực nhất hành tinh đang tìm kiếm anh không ngừng nghỉ. Từ khi tiết lộ thông tin, Snowden đã theo dõi tivi, vào mạng thường xuyên và biết rằng chính phủ Mỹ đổ lên đầu anh nhiều mối đe dọa cùng cam kết truy tố.


Snowden cũng biết quá rõ những công nghệ tinh vi của họ và biết rằng họ sẽ tìm ra anh dễ dàng. Cảnh sát NSA và các quan chức pháp luật khác đã viếng thăm nhà anh ở Hawaii hai lần và đã liên lạc với bạn gái anh.


Snowden hiểu rằng anh sẽ sống cả quãng đời còn lại trong nỗi lo bị bắt. Từng chứng kiến chính quyền Mỹ truy tố những người “hớt lẻo” ngày một nhiều, anh cho rằng họ sẽ cố gắng dùng mọi cách để trừng phạt anh. Dù vậy, Snowden vẫn bình tĩnh: “Tôi không sợ vì đây là lựa chọn của tôi”.


Trong suốt nhiều giờ trả lời phỏng vấn, Snowden bật khóc khi nhắc đến những ảnh hưởng mà anh đã gây ra cho gia đình. Snowden kể về cuộc đời của mình ở Mỹ. Lớn lên ở thành phố Elizabeth, bang North Carolina, rồi gia đình chuyển tới bang Maryland, gần tổng hành dinh của NSA. Snowden cũng thừa nhận anh không phải là một sinh viên ưu tú, sự nghiệp học hành dang dở. Năm 2003, anh gia nhập quân đội và theo một chương trình huấn luyện để vào đội đặc nhiệm nhưng bị loại vì gẫy cả hai chân trong một tai nạn.


Sau đó, Snowden làm bảo vệ an ninh cho một cơ sở mật của NSA tại trường Đại học Maryland. Rồi anh vào CIA với danh nghĩa là nhân viên an ninh mạng. Hiểu biết về Internet và có tài lập trình máy tính nên Snowden vươn lên nhanh chóng dù không có bằng trung học.


Trước khi được cả thế giới biết đến, Snowden sống một cuộc sống trầm lặng ở một vùng ngoại ô yên tĩnh ở Waipahu, phía tây Honolulu, Hawaii. Anh sống với bạn gái trong một căn nhà thuê khoảng 4 tháng và dọn đi hôm 1/5 do người chủ muốn bán nhà. Hàng xóm cho biết điều khác thường duy nhất về Snowden là nhà anh có nhiều hộp xếp cao đến tận trần ở lối vào gara. Anh ít ra ngoài, có vẻ là người rất kín đáo. Trước đó, khi sống ở Maryland cùng gia đình, hàng xóm cũng nhận xét Snowden là người “trầm tính, rụt rè và luôn vừa đi vừa cúi đầu”.


Vậy tại sao một con người trầm lặng như Snowden lại quyết định chấm dứt cuộc đời bình lặng để chọn một cuộc sống chông gai, đầy rủi ro trong cả quãng đời còn lại? Tìm hiểu về động cơ của Snowden có thể sẽ giúp hiểu được phần nào quyết định của anh.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ cuối: Động cơ tiết lộ bí mật

‘Tội đồ’ Snowden có thể đào tẩu sang Trung Quốc
‘Tội đồ’ Snowden có thể đào tẩu sang Trung Quốc

Những bình luận gần đây từ Edward Snowden, người đã tiết lộ tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, khiến cộng đồng tình báo Mỹ lo ngại người này có thể đào tẩu sang Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN