Người cung cấp thông tin cho Wikileaks

Người cung cấp thông tin cho Wikileaks-Kỳ 3: Những chiến tích của Bradley Manning

“Thảm sát tập thể”

Gần 3 năm sau khi sự kiện này xảy ra, “Thảm sát tập thể” xuất hiện trên WikiLeaks và nhanh chóng tràn ngập trên Internet. Hai phiên bản của đoạn phim được tiết lộ. Một bản dài 18 phút có phụ đề và được biên tập để tạo ảnh hưởng tối đa và phiên bản đầy đủ dài 32 phút.

Những hình ảnh chụp từ đoạn phim “Thảm sát tập thể”.


Tuy nhiên, đoạn đã được biên tập mới gây được sự chú ý nhiều nhất. Đoạn phim quay lại cảnh một cuộc tấn công từ trực thăng ở Bátđa tháng 7/2007, mô tả một nhóm người đang đi bộ trên phố, trong đó có 2 phóng viên Reuters nhưng bị nhầm là những phiến quân Irắc, một phần vì binh sỹ Mỹ nghĩ chiếc máy quay phim một nhà báo cầm trên tay là vũ khí. Ngay lập tức, họ bị binh sỹ Mỹ từ chiếc trực thăng Apache tấn công và truy sát.

Có lẽ lời hội thoại của đoạn phim làm người xem sốc nhất: Binh sỹ trên trực thăng chúc mừng nhau khi bắn trúng mục tiêu, như thể họ đang chơi game trên máy tính chứ không phải đang bắn vào những thường dân vô tội. Đối với công chúng, đoạn phim này thực sự gây chấn động và căm phẫn.

“Hồ sơ chiến tranh”

“Hồ sơ chiến tranh” được tiết lộ chỉ một vài tháng sau khi công khai đoạn phim “Thảm sát tập thể”. Assange đã tiếp cận được kho tài liệu mật lớn hơn của quân đội Mỹ và các đồng minh châu Âu trong cuộc chiến Irắc và Ápganixtan. Assange đã nhờ những tờ báo có tiếng như Thời báo New York, Người bảo vệ, Le Monde, Der Spiegel và El Pais công bố một số trong 70.000 tài liệu mật.

Hồ sơ tiết lộ về cuộc chiến Ápganixtan cho thấy, chính phủ Pakixtan và lực lượng Taliban được mô tả bằng những ngôn từ thân thiện hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Cứ như là nước Mỹ đang tài trợ cho một cuộc chiến chống lại chính mình.

Geoff Morrell, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng.


Một tháng sau, tháng 10/2010, hồ sơ về cuộc chiến Irắc được tiết lộ. Những tiết lộ chi tiết về cuộc chiến đã thực sự làm dư luận lo lắng. Một ví dụ, con số thương vong dân thường ở Irắc cao hơn rất nhiều so với những gì chính quyền Mỹ đã công bố, và hồ sơ này cũng phơi bày cảnh các tù nhân người Irắc đã bị lực lượng an ninh Irắc dùng nhục hình để tra tấn.

Đúng như Manning dự báo, việc tiết lộ này đã làm chính quyền Mỹ nổi giận. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Geoff Morrell ra thông báo: “Chúng tôi biết kẻ thù của chúng tôi sẽ khai thác nguồn thông tin này, nghiên cứu chúng để biết cách chúng tôi triển khai thế nào, tận dụng nguồn tư liệu để phản công trong các tình huống chiến đấu, thậm chí vô hiệu hóa các phương tiện khí tài của chúng tôi. Vi phạm an ninh nghiêm trọng này rất có thể khiến binh sỹ Mỹ và những người đang chiến đấu trên chiến trường bị thiệt mạng”.

250.000 bức điện tín ngoại giao

Nhưng có lẽ, cú sốc hơn cả là việc tiết lộ 250.000 bức điện tín ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngày 28/11/2010, báo chí trên toàn thế giới bắt đầu cho đăng các bức điện tín ngoại giao mà WikiLeaks công bố. Assange cũng đã lựa chọn những tờ báo uy tín như Thời báo New York, Người bảo vệ, Le Monde, Der Spiegel và El Pais để đăng tải các tài liệu mật này. Những bức điện tín ngoại giao được các nhà ngoại giao trên khắp thế giới viết báo cáo gửi về cho chính phủ Mỹ cũng như những bức điện chỉ đạo của Ngoại trưởng Mỹ gửi tới họ.

Manning cũng đúng khi dự báo được phản ứng của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bà và cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ giận dữ với những tiết lộ tày trời này. Clinton đã kịch liệt lên án vụ tiết lộ này và cho rằng việc tiết lộ những bức điện tín này đã “đặt mạng sống của con người vào chỗ nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia và làm suy yếu những nỗ lực của Mỹ trong hợp tác với các nước để giải quyết các vấn đề chung”.

Bắt giữ và tiết lộ

Trong khi báo chí đang hoan hỉ và tiếp tục đăng tải những thông tin mật, Manning và Lamo vẫn đang tiếp tục nói chuyện với nhau qua nick chat. Chính cuộc hội thoại giữa hai người đã tạo ra hàng loạt sự kiện mà đỉnh điểm là việc bắt giữ Manning. Khoảng thời gian giữa các cuộc nói chuyện với ngày bắt giữ chỉ diễn ra trong vài ngày. Manning bị bắt ngày 26/5, chỉ 5 ngày sau khi Lamo lần đầu tiên nói chuyện với hắn và chỉ 3 ngày sau khi Lamo thông báo cho nhà chức trách biết về Manning.

Manning bị áp giải đến một nhà tù quân sự ở Côoét trước khi được đưa về Mỹ vào tháng 7/2010, ở đó Manning vẫn bị giam giữ để chờ xét xử. Tin về vụ bắt giữ lần đầu tiên được đăng tải trên Wired.com vào ngày 6/6/2010. Cùng ngày, chính phủ Mỹ đã đưa ra cáo buộc tuồn tài liệu mật cho nguồn trái phép chống lại Manning.

Quang Tuyến (tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Kẻ phản bội hay một anh hùng?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN