Trong tháng 4 vừa qua, hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot đã xem xét ngừng các chuyến bay tới Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ chậm chễ cấp thị thực cho các thành viên phi hành đoàn của hãng. Diễn biến này đã gây nhiều quan ngại. Điều này còn cho thấy ngoại giao hàng không vẫn tồn tại 50 năm sau chặng bay đột phá giữa Liên Xô và Mỹ.
Ngày 15/7/1968, máy bay số hiệu 44 của hãng hàng không Mỹ Pan Am cất cánh đến Moskva (Liên Xô). Cùng ngày, một phi cơ của Aeroflot hạ cánh tại New York trước sự chào đón của 2.000 người.
Đại sứ Mỹ tại Liên Xô khi đó Charles Bohlen hy vọng rằng chặng bay mới sẽ “đóng góp cho hòa bình và ổn định trên thế giới”.
Nhưng đến năm 1981, tất cả các chuyến bay chặng Mỹ-Liên Xô đều bị hoãn hoạt động. Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan đã ra lệnh ngừng các chuyến bay của hãng hàng không Mỹ đến Liên Xô để phản đối sự kiện chính phủ Ba Lan áp dụng thiết quân luật (1981-1983).
Hành trình bay từ Mỹ tới Liên Xô và ngược lại đã được khôi phục trong năm 1986 sau đối thoại cấp cao giữa Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail S. Gorbachev.
Trong chiếc Pan Am Boeing 727 mở đầu cho hành trình đến Liên Xô năm 1986 có một hành khách đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Arthur Hartman.
Thứ trưởng Bộ Hàng không Dân dụng Liên Xô Oleg Smirnov khi đó tuyên bố: “Chúng tôi coi việc khôi phục các chuyến bay là bước đi thực tiễn trong bình thường hóa quan hệ Liên Xô-Mỹ”.