Lật lại vụ đánh bom phố Wall - Kỳ 1

Ngày 16/9 đánh dấu lễ tưởng niệm về vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng tại Trung tâm tài chính Manhattan của thành phố New York xảy ra hồi năm 1920. Những kẻ tấn công đã nhằm vào một tòa nhà bề thế và cũng được xem như biểu tượng về chủ nghĩa tư bản của nước Mỹ đặt tại số 23 phố Wall, khi đó là trụ sở của J.P. Morgan & Co., ngân hàng có thế lực nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, cách thức tấn công của những tên khủng bố lại rất lạ thường.

KHỦNG BỐ "CÔNG NGHỆ THẤP"

Chúng không cướp máy bay hay đánh bom cảm tử mà lại sử dụng một cỗ xe ngựa. Trên xe chở theo 45 kg thuốc nổ và 230 kg những mẩu sắt nhỏ. Vào thời điểm 12 giờ 01 phút hôm đó, thiết bị hẹn giờ nhảy về số không và một tiếng nổ kinh hoàng đã làm rung chuyển cả khu phố.

Đến nay thủ phạm của vụ đánh bom vẫn chưa được tìm ra, mặc dù các nhà điều tra và sử học tin rằng vụ tấn công phố Wall được thực hiện bởi Galleanists, một nhóm những kẻ vô chính phủ người Italy đã tiến hành hàng loạt vụ đánh bom trên khắp nước Mỹ vào năm 1919. Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh xã hội có nhiều bất ổn sau chiến tranh, các cuộc đấu tranh vì việc làm và hoạt động biểu tình chống chủ nghĩa tư bản diễn ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Đây cũng là thảm họa tồi tệ nhất của thành phố New York kể từ vụ cháy nhà máy Triangle Shirtwaist năm 1911.

Hiện trường vụ đánh bom.

Vụ nổ đã khiến 30 người chết tại chỗ. Sau đó, 8 người khác cũng không qua khỏi do bị thương quá nặng. Những người thiệt mạng hầu hết còn trẻ, họ làm nghề đưa tin, tốc ký, thư ký và môi giới chứng khoán. Hàng trăm người khác đã bị thương do dính những mảnh đạn và mảnh kính vỡ của cửa sổ tòa nhà J.P. Morgan. Tuy nhiên, kẻ điều khiển xe ngựa được cho là đã trốn thoát khỏi hiện trường. Vụ nổ cũng đã phá hủy gần như toàn bộ phần bên trong của tòa nhà Morgan và thiệt hại tài sản ước tính khoảng 2 triệu USD. Theo lời một nhân chứng kể lại trên tờ New York Times thì vụ nổ lớn đến nỗi “một chiếc tàu điện hai toa đã bị hất tung khỏi đường ray”.

Ngay sau vụ nổ, William H. Remick, Chủ tịch thị trường chứng khoán New York đã cho tạm ngừng các giao dịch để ngăn chặn một cơn hoảng loạn. Bên ngoài, lực lượng cứu hộ hết sức khẩn trương để chuyển những người bị thương tới bệnh viện. James Saul, một nhân viên đưa tin 17 tuổi đã trưng dụng một chiếc xe hơi trong bãi và đưa 30 người bị thương tới bệnh viện. Lực lượng cảnh sát hối hả tới hiện trường, tiến hành sơ cứu và trưng dụng tất cả ôtô gần đó để làm xe cấp cứu.

Những mẩu kim loại được thu lại sau vụ nổ.

Không tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Cục điều tra của Bộ Tư pháp (tiền thân của FBI) ngay lúc đó đã không đưa ra nhận định cho rằng vụ đánh bom là một hành động khủng bố. Các điều tra viên hết sức bối rối do thiếu định hướng cụ thể và số lượng người chết, bị thương quá lớn. Để xác định vụ nổ có phải là một tai nạn hay không, cảnh sát đã liên hệ với các doanh nghiệp buôn bán và vận chuyển chất nổ. Vào lúc 3 giờ 30 chiều, Hội đồng quản trị của thị trường chứng khoán New York đã họp và quyết định mở cửa giao dịch trở lại vào ngày hôm sau. Theo đó, các lực lượng đã phải thức cả đêm để dọn sạch khu vực xung quanh tòa nhà. Tuy nhiên, việc này cũng làm hủy hoại các bằng chứng có thể giúp cảnh sát phá án.

Trợ lý công tố viên của tòa án địa phương thuộc New York cho rằng, thời điểm, vị trí và cách thức thực hiện vụ đánh bom tất cả đều nhắm tới phố Wall và J.P. Morgan, và nhiều khả năng thủ phạm là những phần tử chống đối chủ nghĩa tư bản cực đoan.

Ngay sau đó, các nhà điều tra đã tập trung vào những nhóm cực đoan đối lập với các tổ chức chính quyền, tài chính Mỹ. Họ nhận thấy quả bom sử dụng trong vụ tấn công được gói kèm với rất nhiều mảnh kim loại nhỏ, sắc nhọn, có khả năng sát thương cao, nhằm tăng mức độ thương vong vào thời điểm nhân viên các tổ chức tài chính đang trong giờ ăn trưa nhộn nhịp. Tờ Bưu điện Washington đã gọi vụ đánh bom là “hành động chiến tranh”. Những người con của cuộc cách mạng giành độc lập cho nước Mỹ trước đó đã lên kế hoạch tuần hành yêu nước vào ngày 17/9 để kỷ niệm Ngày công bố Hiến pháp tại đúng góc phố đã xảy ra vụ đánh bom. Và bất chấp vụ tấn công một ngày trước đó, hàng ngàn người đã tham dự cuộc tuần hành theo như dự kiến.

Đón đọc kỳ cuối: Thủ phạm là những kẻ vô chính phủ?
Nguyễn Bình (Tổng hợp)
Thủ phạm đánh bom Phố Wall năm 1920 vẫn là ẩn số
Thủ phạm đánh bom Phố Wall năm 1920 vẫn là ẩn số

Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” bùng nổ ngày 17/9 ở New York (Mỹ) và đã lan ra 951 thành phố tại 82 quốc gia thuộc tất cả các châu lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN