Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? - Kỳ 1

Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Mátxcơva hân hoan trong niềm phấn kích. Ở phía bên kia đại dương, người Mỹ như gặp phải cơn địa chấn bởi từ nay họ đã không còn độc quyền thứ vũ khí nguy hiểm, được coi như một cứu cánh cho địa vị bá chủ toàn cầu nữa. Tại sao Liên Xô lại có những bước tiến nhanh đến vậy trên con đường làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử? Câu trả lời không đơn giản chỉ đến từ những nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô.


Kỳ 1: Những "vật hy sinh" của chủ nghĩa McCarthy

 

Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ ngày một căng thẳng. Những sự kiện xảy ra sau đó như Liên Xô đạt được bước đột phá trong việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ càng làm cho chủ nghĩa McCarthy, thứ chủ nghĩa sặc mùi chống cộng, do nghị sĩ McCarthy bảo trợ, có đất hoành hoành ở Mỹ. Mượn gió bẻ măng, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tung nhân viên đặc vụ đi thám thính khắp nơi, lập hồ sơ liệt không ít học giả, nhà nghiên cứu Mỹ vào danh sách những phần tử thân cộng, gián điệp quốc tế nguy hiểm, tạo bầu không khí chống cộng trong cả nước.

Vợ chồng Rosenberg.

Là một người ủng hộ chủ nghĩa McCarthy, Giám đốc FBI Edgar Hoover đã phải lao tâm khổ tứ, dành không ít công sức "phá" vụ án gián điệp bom nguyên tử chấn động thế giới. Bởi nó không chỉ giúp Hoover báo công lĩnh thưởng, mà còn trợ giúp cho công tác tuyên truyền chính trị chống Liên Xô, tạo dư luận cho việc bắt giữ những nhân sĩ tiến bộ và tấn công vào cái gọi là "thế lực cộng sản chủ nghĩa". Dưới sự hậu thuẫn của Hoover, vụ án gián điệp bom nguyên tử đã nhanh chóng có được những manh mối đầu tiên. Sau quá trình điều tra, nghiên cứu tài liệu mật, thủ hạ của Hoover đã tìm ra cặp "gián điệp bom nguyên tử". Đó là vợ chồng nhà vật lý Rosenberg: Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg.


Thì ra, ngay từ đầu những năm 1930, cái tên Rosenberg đã nằm trong hồ sơ của FBI. Khi học đại học nhà vật lý tương lai này đã có sự liên hệ với một tổ chức sinh viên cấp tiến và sau khi đi làm lại bị người khác tố cáo là "đảng viên cộng sản". FBI cũng làm luôn một cuộc điều tra đối với vợ của Rosenberg, bà Ethel. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn: Ethel đã ký tên mình vào thư kêu gọi yêu cầu được tham gia tranh cử của Đảng Cộng sản Mỹ. Nhưng những "chứng cứ" khiến hai vợ chồng Rosenberg phải ngồi lên chiếc ghế điện ngày 19/6/1953 cay nghiệt thay lại từ miệng cậu em quý tử của bà Ethel, David Greenglass, người từng có thời gian làm ở một cơ quan liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nhưng do bị tình nghi đến một vụ ăn cắp nên bị sa thải.


Không chịu nổi những đòn hăm dọa, uy hiếp và dụ dỗ của các nhân viên đặc vụ, Greenglass đã ngụy tạo việc được anh rể chỉ đạo đánh cắp bản vẽ thiết kế và những tài liệu liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Mỹ. Ngày 6/3/1951, tại phiên tòa xét xử cặp "gián điệp bom nguyên tử" Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg, Greenglass đã khai "tất cả" hay nói một cách chính xác hơn là viết ra một câu chuyện trinh thám ly kỳ. Theo Greenglass, tháng 1/1945, Rosenberg đã yêu cầu hắn tìm cho bản vẽ bí mật về bom nguyên tử và lên kế hoạch liên lạc với nhà hóa học Gore ở khách sạn Hilton tại bang New Mexico.


Ngày 3/6, Greenglass tới gặp và trao cho Gore bản vẽ thiết kế một số thiết bị nổ của bom nguyên tử cùng bản thuyết minh kèm theo, tổng cộng 12 trang đánh máy. Gore là một kẻ mắc bệnh biến thái tâm lý nặng, thường xuyên hoang tưởng mình là một người nổi tiếng, là nhân vật có thể làm chấn động cả thế giới. Trước tòa, Gore như một cái máy khẳng định đã giao tất cả những gì nhận được từ Greenglass cho Rosenberg. Làm như có thật, các nhân viên đặc vụ FBI đã đưa ra cho mọi người tham dự bản đăng ký ở khách sạn Hilton vào ngày 3/6 mang tên Gore (sau này có người tiến hành điều tra và nghiệm chứng phát hiện bản đăng ký FBI trình trước tòa là giả mạo).Vợ chồng Rosenberg kịch liệt phản đối, trước sau không thừa nhận sự vu cáo trắng trợn đó. Luật sư bào chữa cho họ cũng đã chỉ ra rằng, lời khai của Greenglass và Gore tự nó đã mâu thuẫn với nhau, đồng thời bộc lộ nhiều sơ hở.


Vụ án "gián điệp bom nguyên tử" "vỡ lở" đã gây ra cơn chấn động ở nước Mỹ. Nhân sĩ cả nước, nhất là những người thuộc giới khoa học kỹ thuật, từng tham gia Dự án Manhattan nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Mỹ đã rầm rộ lên tiếng, vạch trần âm mưu bức hại các nhà trí thức của những tên cổ súy chủ nghĩa McCarthy. Bởi trên thực tế, Dự án Manhattan bắt đầu từ năm 1942, do nhà vật lý nổi tiếng Oppenheimer chủ trì toàn bộ quá trình nghiên cứu khoa học. Công trình này tiêu tốn 2 tỷ USD, thu hút sự tham gia trực tiếp, gián tiếp của một đội ngũ kĩ sư khổng lồ lên tới khoảng 500.000 người và được tiến hành hết sức bí mật. Ngoài Tổng thống Roosevelt, Oppenheimer và một số cực ít nhân vật cấp cao trong chính quyền Mỹ được biết, những người bình thường không biết nhiệm vụ đang làm có tính chất thế nào. Bên cạnh đó, theo George, một người từng giữ vai trò phụ trách một hạng mục trong Dự án Manhattan, Greenglass chỉ là một kĩ sư bình thường làm việc trong một phân xưởng dưới quyền chủ quản của ông, nên những bản vẽ thiết kế mà hắn nói đã trao cho Gore đối với người Liên Xô chỉ có giá trị bằng không.


Do phải chịu áp lực mạnh mẽ từ công chúng, nên vụ xử vợ chồng Rosenberg bị gián đoạn nhiều lần và phải kéo dài. Ngày 5/4/1951, chánh án Irving Kaufman tuyên bố vợ chồng Rosenberg phạm tội phản quốc, chịu mức án tử mình. Nhân sĩ tiến bộ trong ngoài nước rầm rộ phản đối phán quyết của tòa án. Tác giả Thuyết tương đối Einstein đã viết thư gửi Tổng thống Truman yêu cầu thả vợ chồng Rosenberg bởi họ vô tội. Mặc dù những luật sư nổi tiếng bào chữa cho vợ chồng Rosenberg 6 lần gửi đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn, nhưng đều bị bác. Ngày 19/6/1953, vợ chồng Rosenberg ra đi tức tưởi trên ghế điện. Lời nói cuối cùng của họ vẫn là "Chúng tôi vô tội".



Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: Cha đẻ của bom nguyên tử cũng bị hàm oan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN