Thoạt nghĩ, cuộc đời của ông Paul Alexander, 76 tuổi, gắn liền với bi kịch: Không thể tự thở, bị liệt từ cổ trở xuống suốt 70 năm và mạng sống lệ thuộc hoàn toàn vào “phổi sắt - cỗ máy hỗ trợ hô hấp phủ kín toàn thân. Trên thực tế, toàn bộ các bác sĩ đều không tin cậu bé Alexander năm nào có thể sống thọ đến vậy. Năm 1952, khi nhập viện vì mắc bại liệt, ông nhớ rõ lời bác sĩ kết luận: “Đứa trẻ này không sống sót được qua hôm nay”. Và chính câu nói đó đã khiến ông tham vọng được sống thêm. Đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời ông.
Cuộc đời gắn liền với máy móc
Báo The Guardian cho biết cậu bé Paul Alexander nhập viện tháng 7/1952, khi đại dịch bại liệt hoành hành khắp nước Mỹ. Người dân vô cùng khiếp sợ về căn bệnh mới vô phương cứu chữa này. Bể bơi, rạp chiếu phim và nhiều điểm công cộng khác đã bị đóng cửa để phòng dịch.
Sau 5 ngày tự theo dõi ở nhà vì bệnh viện quá tải, Alexander bị mất tất cả các chức năng vận động, cũng như không tự thở được. Khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa cấp cứu đều khẳng định không thể làm gì cho cậu bé. Họ đặt Alexander nằm yên trên cáng ở ngoài hành lang. Nhưng một vị bác sĩ khác chạy vội đến kiểm tra và tin rằng Alexander vẫn còn cơ hội nên đã yêu cầu phẫu thuật mở khí quản.
Alexander tỉnh dậy trong một “lá phổi sắt”, xung quanh là nhiều đứa trẻ khác đang nằm gọn trong những chiếc máy thở khổng lồ. Alexander không thể cất tiếng nói vì đã phẫu thuật mở khí quản. Nhiều tháng trôi qua, đứa trẻ nhỏ bé này cố gắng giao tiếp với những bệnh nhi xung quanh bằng nét mặt. Sau này, ông Alexander đau buồn nhớ lại rằng: “Mỗi lần tôi kết bạn, họ sẽ chết”.
Alexander có phần may mắn hơn, mặc dù các bác sĩ không đặt kỳ vọng cao. Alexander tiếp tục thực hành một kỹ thuật thở mới và được cho xuất viện cùng với lá phổi sắt của mình. Họ vẫn nghĩ rằng cậu bé này sẽ tử vong tại nhà riêng không lâu sau đó.
Thế nhưng, thay vào đó, cậu bé bắt đầu tăng cân. Hiện tượng các sợi cơ bắp tăng kích thước trở lại đã giúp việc hít, thở trở nên dễ dàng hơn. Sau một thời gian, Alexander đã có thể chui ra khỏi lá phổi sắt trong 1 giờ, rồi lên dần 2 giờ.
Với sự hỗ trợ của bác sĩ trị liệu, Alexander đã có thể giữ không khí trong khoang cổ họng rồi rèn luyện cơ bắp để đẩy không khí đi qua dây thanh quản vào phổi, hay còn gọi là kỹ thuật "thở ếch". Bác sĩ trị liệu hứa rằng nếu Alexander có thể làm được điều đó trong ba phút, bà sẽ mua tặng ông một con chó con. Alexander phải mất một năm rèn luyện mới có thể “thở ếch” ba phút.
Nỗ lực biến bi kịch thành kỳ tích
Sau khi ra viện, Alexander đã có cơ hội kết bạn và có thể rời khỏi lá phổi sắt trong một khoảng thời gian nhất định. Vài buổi chiều mỗi tuần, bạn bè đẩy Alexander đi dạo khắp khu phố trên chiếc xe lăn. Tuy nhiên, khi thấy các bạn tíu tít đến trường, Alexander cũng muốn được đi học.
Mẹ đã dạy cho Alexander những kỹ năng đọc cơ bản, nhưng việc trường học không cho phép Alexander học từ xa lại trở thành một thử thách lớn. Kinh ngạc thay, khi đến trường, Alexander nhanh chóng bắt kịp với các bạn, mặc dù đã bị mất khoảng thời gian dài nằm viện. Người bố đã làm cho Alexander chiếc bút đặc biệt để có thể ngậm trong miệng rồi viết.
Năm tháng trôi qua, Paul Alexander tốt nghiệp trung học phổ thông với bảng điểm gần như tuyệt đối. Khi đó, Alexander có thể ngồi bên ngoài lá phổi sắt vài giờ và cùng bạn bè đi ăn nhà hàng, xem phim.
Alexander nộp đơn vào Đại học Southern Methodist, song bị từ chối chỉ vì tình trạng khuyết tật của mình. Nhưng khi đối mặt với khó khăn, Alexander không chọn cách bỏ cuộc. Cuối cùng, Alexander cũng đã thuyết phục được nhà trường cho mình theo học với hai điều kiện là tiêm vaccine bại liệt vừa được phát triển và sắp xếp một người trợ giúp để đến lớp. Một thời gian sau, Alexander chuyển đến Đại học Texas ở Austin và thuê người chăm sóc mình trong ký túc xá.
Paul Alexander tốt nghiệp đại học năm 1978 và tiếp tục nhận bằng thạc sĩ luật năm 1984. Trong hai năm ôn thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, ông tạm thời làm công việc giảng dạy pháp lý tại một trường thương mại.
Nhiều thập kỷ sau đó, ông làm luật sư ở Dallas và Fort Worth. Mỗi lần ra tòa bào chữa, ông ngồi trên một chiếc xe lăn đặc biệt để nâng đỡ cơ thể bị liệt, cũng như phải tự điều chỉnh việc hít, thở mà không có máy hỗ trợ.
Ngày nay, ở độ tuổi 75, ông phụ thuộc gần như hoàn toàn vào phổi sắt để thở. “Nó làm tôi mệt đến kiệt sức. Mọi người nghĩ tôi đang nhai kẹo cao su”, ông nói về cách “thở ếch”. Ông luôn nghĩ rằng dịch bại liệt có thể quay trở lại, đặc biệt là khi các bậc phụ huynh gần đây đang coi nhẹ việc tiêm vaccine. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 mới chính là thứ đe dọa đến cuộc sống của ông Alexander. Nếu nhiễm COVID-19, nó chắc chắn sẽ là bản án tử hình đối với người đàn ông không thể tự thở này.
Cho đến nay, ông đã sống thọ hơn bố mẹ và anh trai của mình. Ông thậm chí còn thọ hơn cả cỗ máy phổi sắt từng gắn bó từ thuở ban đầu. Khi nó bắt đầu bị rò rỉ khí, ông đã đăng clip cầu cứu lên kênh Youtube và được một kỹ sư thay mới.
Và tất nhiên, ông đã từng yêu. Thời đại học, ông gặp người bạn gái tên Claire rồi cả hai đính hôn với nhau. Không may, mẹ của cô gái đã ngăn cấm họ làm đám cưới, thậm chí là không cho họ gặp lại nhau. Ông chia sẻ rằng bản thân phải mất nhiều năm mới có thể nguôi ngoai thương nhớ bà Claire.
Phải mắt đến 8 năm ông mới có thể hoàn thành cuốn sách “Ba phút đổi lấy một chú chó: Cuộc đời tôi trong lá phổi sắt” bằng cách ngậm bút để nhấn vào bàn phím, hoặc đôi khi là đọc để bạn đánh máy hộ.
Ông đang viết cuốn sách tự sự thứ hai, cũng như tiếp tục tận hưởng cuộc sống. Dù cần người chăm sóc gần như toàn thời gian, nhưng dường như không điều gì có thể khiến ông sống chậm lại. “Tôi có riêng cho mình vài ước mơ lớn lao. Tôi không chấp nhận bất cứ ai áp đặt giới hạn của họ lên bản thân tôi. Cuộc đời tôi là một điều khó tin”, ông tâm sự.