Ngày 23/12/1959, một người đàn ông bước xuống khỏi một chiếc máy bay từ Delhi (Ấn Độ) vừa hạ cánh tại Moskva. Đó là người sẽ sớm đẩy thủ đô của Liên Xô vào mối nguy hiểm lớn. Nhưng khi đó, nghệ sĩ Liên Xô Alexei Kokorekin không thể tưởng tượng rằng ông đã mang theo bệnh đậu mùa từ Ấn Độ về nước.
Đậu mùa là một trong những căn bệnh chết chóc nhất tấn công loài người. Nó từng quét sạch nhiều làng mạc, thành phố và thậm chí cả quốc gia. Vào thế kỷ thứ 8, bệnh đậu mùa đã giết chết 30% dân số Nhật Bản và vào thế kỷ 16, hàng triệu người Mỹ bản địa đã thiệt mạng sau khi nhiễm virus đậu mùa từ lực lượng chiếm đóng.
Trước năm 1959, chính quyền Liên Xô đã có những nỗ lực dài hơi chiến đấu với bệnh đậu mùa. Nếu như vào năm 1919, số người nhiễm bệnh được ước tính là 186.000 ca trên cả nước, thì đến năm 1936, con số này đã giảm xuống số 0. Tuy nhiên, 23 năm trôi qua, căn bệnh nguy hiểm mà mọi người tưởng chừng đều quên đã quay trở lại.
“Bệnh nhân Số 0”
Khi xuống sân bay, ông Kokorekin có triệu chứng cảm lạnh nhẹ. Nhưng khi đó đã là cuối tháng 12, vì thế triệu chứng này dường như khá bình thường với ông. Tuy nhiên, vào buổi tối cùng ngày, thân nhiệt của Kokorekin tăng vọt, ông bị ho nặng và đau khắp mình mẩy.
Ngày hôm sau ông đi khám bác sĩ và được chẩn đoán mắc cúm. Tuy nhiên, loại thuốc mà Kokorekin được kê đơn không giúp ích được gì. Bệnh nhân bị nổi mẩn đỏ khắp người, rồi lại được bác chỉ chẩn đoán là bị dị ứng.
Chỉ có một thực tập sinh trẻ tuổi, sau khi biết bệnh nhân mới trở về từ đâu, đã thận trọng ý kiến rằng những triệu chứng của ông có thể là do bệnh đậu mùa. Song đề xuất của cô đã bị các bác sĩ lành nghề hơn cười nhạo.
Vào ngày 29/12, sau vài ngày nằm cùng phòng bệnh với nhiều bệnh nhân cúm khác, Alexei Kokorekin qua đời. Các bác sĩ không tìm ra điều gì đã thực sự giết chết người đàn ông 53 tuổi khỏe mạnh này. Ngay sau đó, khoảng thời gian chuẩn bị và ăn mừng Năm mới đã đẩy bi kịch với Kokorekin ra khỏi tâm trí họ.
Bắt đầu dịch
Tuy nhiên, cái chết của Kokorekin không phải sự kết thúc. Vào tuần thứ hai của năm mới, một số bệnh nhân khác trong bệnh viện cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự: sốt, ho và phát ban. Không thể chần chừ thêm nữa, các chuyên gia của Viện nghiên cứu vắc-xin đã được mời đến. Và kết luận của họ là một cú sốc: Moskva đã bùng phát một ổ dịch đậu mùa.
Hóa ra trong chuyến đi Ấn Độ, Alexey Kokorekin đã tham dự lễ hỏa táng một người Bà-la-môn mới qua đời và thậm chí còn chạm vào những vật dụng của người quá cố. Chính ở đó, "Bệnh nhân số 0” đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
Biện pháp chưa từng có
Ngày 15/1, tin tức về dịch đậu mùa được báo cáo lên nhà lãnh đạo đất nước và ban lãnh đạo lập tức huy động mọi nguồn lực bệnh viện, phòng khám, cảnh sát và cả mạng lưới KGB (tình báo Liên Xô) ở Moskva. Một cuộc tìm kiếm những người mang mầm bệnh nguy hiểm tiềm tàng diễn ra bất kể ngày đêm.
Tất cả những người mà Kokorekin đã gặp và nói chuyện, những người thân mà ông ta đã liên lạc, những người nhận được quà tặng của ông từ Ấn Độ đều bị cách ly. Do đó, 150 sinh viên trường đại học nơi cô con gái Kokorekin tên là Valeria đang ngồi học trong lớp đã được đưa thẳng đến bệnh viện.
Từ các mối liên hệ chính F1, cuộc tìm kiếm đã mở rộng đến các liên hệ F2, F3… cho đến khi toàn bộ chuỗi liên quan được thiết lập. Tất cả những người trong chuỗi được lệnh rời khỏi các chuyến tàu, những chuyến bay chở những người có nguy cơ nhiễm bệnh cũng được lệnh quay đầu trở lại giữa không trung.
Tổng cộng có 9.342 người đã được cách ly bắt buộc. Bệnh viện Botkin, nơi "bệnh nhân Số 0” trải qua những ngày cuối đời, lập tức bị phong tỏa. Do không có đủ vải linen cho hàng ngàn bác sĩ và bệnh nhân mắc kẹt trong bệnh viện, theo một sắc lệnh đặc biệt, nguồn dự trữ nhà nước khẩn cấp, vốn dành cho tình huống chiến tranh, đã được phép đưa vào sử dụng.
Một biện pháp quyết định trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa là tiêm vắc-xin mở rộng cho tất cả cư dân của Vùng Thủ đô Moskva và thành phố Moskva, cả người lớn, trẻ em, thậm chí cả những người sắp chết. Chỉ trong vòng một tuần, hơn 9,5 triệu người đã được tiêm phòng - một kết quả chưa từng có trong lịch sử.
Trước nhiệm vụ chống dịch, toàn bộ ngành y tế được huy động, từ các nhân viên y tế đến sinh viên y khoa. “Thật anh hùng. Các nhà dịch tễ học đã làm việc cật lực từ sáng đến đêm”, nhà virus học Svetlana Marennikova nói.
Cuối cùng tổng cộng, 45 người ở Moskva được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa, ba người trong số họ đã tử vong. Đến ngày 3/2, ổ dịch được dập tắt. Một phản ứng kịp thời và sự phối hợp tốt từ các cơ quan dịch vụ y tế và thực thi pháp luật của Moskva đã giúp ngăn chặn virus chết người này chỉ trong 19 ngày.