Khi người Nga trở lại 'sân sau' của Mỹ - Kỳ 1: Thế cờ đang lên của Nga

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người tưởng rằng cuộc đấu tranh để giành khu vực ảnh hưởng trên thế giới giữa Mátxcơva và Oasinhtơn cũng vì thế mà chấm dứt. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy thực tế không phải như vậy. Cuộc chiến ở Nam Ossetia như giọt nước tràn ly làm cho mối bất hoà bấy lâu giữa Nga và Mỹ trong cả vấn đề song phương lẫn đa phương lên tới đỉnh điểm.


Rõ ràng, Cremli đã nhận thấy Nhà Trắng đang cố tình đẩy nhanh quá trình Đông tiến của NATO nhằm đột nhập vào “hậu cung” của Nga mà Grudia và Ucraina được chọn làm hai mũi tiên phong. Để đáp trả, Nga cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Mỹ Latinh, nơi vốn được coi là “sân sau” của Mỹ, khiến cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc ở đây ngày một nóng. Một câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ dẫn tới một cuộc “khủng hoảng Caribê” (khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba tháng 10/1962) lần thứ hai?

 

Kỳ 1: Thế cờ đang lên của Nga

 

Khi chính quyền Bush cử ba chiếc tàu chiến: Cutter Dallas, USS McFaul và USS Mount Whitney chở hàng viện trợ nhân đạo đến Grudia, Thủ tướng Nga, V. Putin đã vô cùng phẫn nộ. Trong chuyến thăm Udơbêkixtan vào đầu tháng 9 vừa qua, ông Putin đã cảnh báo rằng Mátxcơva sẽ có câu trả lời đối với hành động trên của Mỹ. Chưa đầy một tuần sau, hai chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa, có thể mang tên lửa hạt nhân KH-55 Granat có tầm bắn 3.000 km của Nga đã hạ cánh xuống Vênêxuêla để thực hiện sứ mệnh tập luyện chung giữa hai nước. Vài ngày sau khi hai chiếc Tu-160 về nước, một liên đội tàu chiến thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga cũng rời cảng Severmorsk ở Bắc Băng Dương lên đường tới Vênêxuêla tham gia vào một cuộc tập trận chung trong vùng lãnh hải của nước chủ nhà ở biển Caribê, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10-14/11/2008.


Tổng thống Vênêxuêla, Hugo Chavez và Tổng thống Nga Dimitry Medvedev: Vênêxuêla và nhiều nước Mỹ Latinh đã ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Nam Ossetia.

Rõ ràng, “Nga không muốn bị đẩy lùi sau bức màn sắt”, “không muốn quay trở về quá khứ”, đúng như những gì người đứng đầu Điện Cremli, ông Dmitry Medvedev tuyên bố. Nga lấy công để thủ và điều đáng nói là mặt trận mà nước này lựa chọn lại nằm sát nách Mỹ, khu vực Mỹ Latinh. Mátxcơva cũng không hề giấu giếm sự thật đó. Ngày 26/9, trong buổi tiếp Tổng thống Vênêxuêla, Hugo Chavez, Thủ tướng Nga, Putin đã cam kết sẽ đưa quan hệ với khu vực Mỹ Latinh thành một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva.

Oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 của Nga hạ cánh xuống sân bay của Vênêxuêla tháng 9/2008.


Sở dĩ người Nga quyết liệt chống lại sự o ép, coi thường sự trừng phạt của phương Tây là do nước này đang nắm trong tay những con bài chiến lược. Đó là một nền kinh tế đang được chấn hưng với tổng giá trị sản phẩm quốc nội lên tới 1.370 tỷ USD và dự trữ vàng, ngoại tệ đạt 600 tỷ USD. Không chỉ có vậy, Nga còn là nước duy nhất trên thế giới có thể tự cung cấp tất cả các loại tài nguyên: Trữ lượng dầu mỏ, khí đốt của Nga lần lượt chiếm 15% và 35% tổng trữ lượng dầu mỏ, khí đốt của thế giới. Hồ Baikal của Nga chiếm 1/5 trữ lượng nước ngọt của thế giới. Hơn nữa, Nga lại nắm trong tay quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là cường quốc quân sự đứng thứ 2 thế giới, lại có vũ khí hạt nhân.

 

Chính vào lúc Mỹ và NATO bài binh bố trận ở cửa ngõ của Nga, Mátxcơva đã quyết định tiến quân vào “sân sau” của Mỹ. Theo các nhà phân tích, Nga đã sử dụng chiêu “vây Ngụy để cứu Triệu” chống lại đòn ngăn chặn của Mỹ và việc phong trào cánh tả đang phát triển mạnh ở Mỹ Latinh đã mang tới cho Mátxcơva cơ hội tốt để thực hiện ý đồ của mình. Có tin Nga bắt đầu nói tới việc phục hồi các căn cứ quân sự cũ ở Cuba. Không những vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Andrei Nesterenko, còn cho biết nước này có ý định bố trí tạm thời một số máy bay săn ngầm của lực lượng hải quân ở Vênêxuêla. Về phía Caracát, Tổng thống Hugo Chavez đã hoan nghênh động thái trên của Nga và bày tỏ Vênêxuêla sẵn sàng đón tiếp máy bay và tàu chiến Nga đến thăm, tham gia tập luyện chung. Một “ông lớn” khác ở khu vực Mỹ Latinh là Braxin cũng tuyên bố một kế hoạch hợp tác với Nga sản xuất máy bay và tàu sân bay. Tổng thống Nga Medvedev sẽ thăm Braxin vào tháng 11 tới. Dự kiến, trong chuyến thăm này, ông Medvedez và người đồng cấp phía Braxin, Lula Silva sẽ chứng kiến lễ ký nhiều thỏa thuận song phương, trong đó có kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí nêu trên.

 

Ngoài lĩnh vực quân sự, Nga còn rất coi trọng hợp tác năng lượng với các nước Mỹ Latinh. Vênêxuêla, Bôlivia và Êcuađo và những nước Mỹ Latinh khác do cánh tả lãnh đạo đều có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt phong phú. Nếu như Nga đẩy mạnh hợp các với những nước này, cho ra đời một tổ chức khí thiên nhiên kiểu OPEC, quyền phát ngôn của Cremli trong vấn đề năng lượng sẽ được tăng lên, giúp nâng cao đáng kể sức mạnh của Nga trong cuộc đấu với Mỹ và EU.

 

Thành Nam (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: Gió đã đổi chiều nơi “sân sau” của Mỹ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN