Tiếng tăm của WikiLeaks tăng lên từng ngày cùng với tiếng tăm của người sáng lập tổ chức này - Julian Assange. Ngay cả các tiểu thuyết gia và các nhà biên kịch phim Hollywood cũng khó có thể tạo ra một nhân vật phù hợp hơn Julian Assange để lãnh đạo một tổ chức ngầm phức tạp như Wikileaks. Mang quốc tịch Ôxtrâylia, Julian Assange trông giống như một nhân vật chính bí ẩn trong các bộ phim.
Với dáng người cao, giọng nói trầm lắng và mái tóc bạch kim thường được vuốt ngược ra phía sau, trông ông hao hao nam diễn viên Julian Sands, người chuyên đóng các nhân vật mờ ám và huyền bí.
Julian Assange sinh ra tại thành phố Townsville, bang Queensland, Ôxtrâylia vào ngày 3/7/1971 với một tuổi thơ không bình lặng. Cha mẹ của ông gặp nhau trong một cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và Assange đã được thừa hưởng ở họ “một tinh thần nổi dậy”. Tuổi thơ đã rèn luyện cho ông kỹ năng thích nghi với lối sống lưu động, thường xuyên phải chạy trốn. Assange đã phải di chuyển chỗ ở hơn 30 lần trong thời gian ông còn nhỏ.
Dù yêu thích toán học và vật lý, từng học chuyên sâu về hai môn này trong thời gian học đại học song máy tính và Internet mới là niềm đam mê đích thực của Assange. Ông đã dành toàn bộ thời thiếu niên của mình để học lập trình với chiếc máy tính Commodore 64 và “chiến công” đầu tiên của Julian Assange là bẻ khóa được chương trình của chiếc máy tính này. Năm 18 tuổi, ông đã trở thành một hacker hoàn hảo với biệt danh Mentax thuộc nhóm tin tặc International Subversives. Năm 1995, ông đã bị chính quyền Ôxtrâylia buộc tội tấn công hệ thống máy tính, tuy nhiên ông đã may mắn không bị phạt tù mà chỉ bị phạt vài nghìn đôla Ôxtrâylia. Mặc dù ông thường xuyên bị các phương tiện truyền thông gọi là hacker, thậm chí ông còn là đồng tác giả một cuốn sách về đột nhập máy tính song Assange không tự nhận mình là một hacker.
Phóng viên Atika Shubert của kênh truyền hình CNN. |
Julian Assange có cuộc sống khá bí hiểm và rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông sống theo kiểu nay đây mai đó, luôn mang theo một chiếc máy tính và ít quần áo trong ba lô. Tiền đi lại của ông là “tiền kiếm được trên mạng”. Người ta nhận ra Assange ở mái tóc già trước tuổi, vẻ ngoài không lấy gì làm phong trần và luôn bỏ ngoài tai những lời chỉ trích.
Với những người ủng hộ thì Julian Assange là một người hùng bảo vệ sự thật, còn những người chỉ trích cho rằng ông là kẻ chỉ thích tung ra những thông tin nhạy cảm khiến nhiều người gặp nguy hiểm. Hình ảnh của Assange trước công chúng là một người khó tính, dễ nổi nóng song thông minh hơn so với hầu hết các đối thủ của mình. Ông cũng bị một số hãng truyền thông coi là một tên tội phạm, ngay cả khi ông giúp các hãng truyền thông này có được các tài liệu mà họ sẽ không bao giờ nhìn thấy nếu không có tổ chức WikiLeaks của ông.
John Burns - Trưởng văn phòng đại diện tại Luân Đôn của tờ The New York Times, đã mô tả Assange trên đài phát thanh NPR: “Chắc chắn Assange không phải là người dễ đối phó, đặc biệt là khi viết về ông ta. Ông ta công kích tôi bằng tài năng nổi trội, tính khí thất thường, kiêu ngạo nhưng không biết nhiều về bản thân, và không có năng khiếu. Tôi có thể mô tả đại khái như vậy”.
Mặc dù bị lăng mạ song Assange không làm gì nhiều để cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn công khai hiếm có của mình vào tháng 10/2010 với kênh truyền hình CNN, thái độ của ông đối với phóng viên phỏng vấn hôm đó là Atika Shubert đã gần như đã làm nổ tung các màn hình tivi. Khi cô phóng viên hỏi Assange một câu hỏi mà ông không thích về vụ bê bối tình dục mà ông đang vướng phải, Assange đã tức giận đến mức bỏ dở cuộc phỏng vấn. Ông nói với phóng viên Atika Shubert trước khi ra khỏi trường quay: “Tôi tham dự cuộc phỏng vấn này vì một mục đích khác. Tôi sẽ bỏ ra ngoài nếu cô làm vấy bẩn cuộc phỏng vấn này. Tôi định tiết lộ về cái chết của 104.000 người nhưng cô lại tìm cách tấn công chống lại bản thân tôi”.
Tuy nhiên, chính vụ bê bối tình dục này chứ không phải là các vụ tiết lộ tài liệu mật đã khiến Julian Assange gặp rắc rối với pháp luật trong gần một năm qua.
Hoàng Yến
Đón đọc kỳ cuối: Cuộc chiến pháp lý