Iran và Israel: Từ đồng minh đến kẻ thù không đội trời chung - Kỳ cuối

Năm 1979, Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ trong một cuộc cách mạng và một nước Cộng hòa Hồi giáo Iran mới ra đời.

Kỳ cuối: Tác động của cuộc cách mạng Iran

Ayatollah Ruhollah Khomeini, lãnh tụ của cuộc cách mạng, đã mang đến một thế giới quan mới, chủ yếu đề cao Hồi giáo và lập luận rằng phải chống lại các cường quốc “kiêu ngạo” và các đồng minh khu vực của những nước này. Ông cho rằng đây là những quốc gia sẽ đàn áp những người khác – bao gồm cả người Palestine – để phục vụ lợi ích của chính mình.

Điều này có nghĩa là ở Iran, Israel bị gọi “Tiểu Satan”, còn Mỹ là “Đại Satan”.

Chú thích ảnh
Người biểu tình giơ cao ảnh của nhà lãnh đạo Hồi giáo lưu vong Ayatollah Ruhollah Khomeini trong một cuộc biểu tình ở Tehran, Iran ngày 10/12/1978. Ảnh: radiofarda.com

Tehran đã cắt đứt mọi quan hệ với Israel. Người dân không còn có thể đi lại giữa hai bên và các tuyến bay đã bị hủy bỏ. Đại sứ quán Israel tại Tehran đã được biến thành đại sứ quán Palestine.

Ông Khomeini cũng tuyên bố mọi ngày thứ 6 cuối cùng của tháng lễ Ramadan là Ngày Quds và kể từ đó, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra vào ngày này để ủng hộ người Palestine trên khắp Iran. Jerusalem được gọi là al-Quds trong tiếng Arab.

Ông Khomeini phản đối coi vấn đề Palestine là sự nghiệp của chủ nghĩa dân tộc Arab và tìm cách biến điều này thành sự nghiệp Hồi giáo. Mục đích là để Iran không chỉ có khả năng ủng hộ mà còn dẫn dắt sự nghiệp của người Palestine.

Để vượt qua cả tình trạng chia rẽ giữa các nước Arab với Ba Tư cũng như chia rẽ giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shitte, Iran đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn nhiều đối với vấn đề Palestine để thể hiện uy tín lãnh đạo của mình trong thế giới Hồi giáo và đặt các nước Arab liên minh với Mỹ vào thế phòng thủ.

Mối thù địch đã gia tăng trong nhiều thập kỷ khi cả hai bên tìm cách củng cố và mở rộng quyền lực cũng như ảnh hưởng của mình trên toàn khu vực.

Hiện tại, Iran ủng hộ một mạng lưới gồm các nhóm chính trị và vũ trang ở một số quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Liban, Syria, Iraq và Yemen. Những quốc gia này cũng ủng hộ sự nghiệp của người Palestine và coi Israel là kẻ thù lớn.

Trong những năm qua, Israel đã hậu thuẫn cho nhiều nhóm khác nhau để phản đối chính quyền Iran bằng con đường bạo lực. Tehran nói rằng những nhóm này bao gồm một số nhóm mà họ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Trong số đó có Mojahedin-e Khalq (MEK), một tổ chức có trụ sở tại châu Âu, các tổ chức Sunni ở tỉnh Sistan và Baluchistan phía Đông Nam của Iran cũng như các nhóm vũ trang người Kurd có trụ sở tại Kurdistan của Iraq.

Tấn công lẫn nhau

Căng thẳng giữa Iran và Israel không chỉ giới hạn ở các ý thức hệ hoặc các nhóm ủy nhiệm.

Hai bên bị cáo buộc đứng sau hàng loạt các cuộc tấn công vào lợi ích của nhau trong và ngoài lãnh thổ, mà họ công khai phủ nhận. Điều này đã trở thành “cuộc chiến trong bóng tối” ngày càng lan ra khi các hành động thù địch gia tăng.

Chương trình hạt nhân của Iran là tâm điểm của một số cuộc tấn công lớn nhất. Israel - nước được cho là sở hữu bí mật hàng chục vũ khí hạt nhân - đã tuyên bố không bao giờ để Iran phát triển bom hạt nhân. Tehran đã nhắc lại rằng chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Israel và Mỹ bị cáo buộc đứng sau phần mềm độc hại Stuxnet, gây ra thiệt hại lớn cho các cơ sở hạt nhân của Iran vào những năm 2000.

Trong những năm qua, đã có nhiều cuộc tấn công phá hoại vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran mà Tehran quy cho Israel thực hiện. Iran cũng thường xuyên công bố tin tức về việc ngăn chặn các cuộc tấn công phá hoại.

Các cuộc tấn công cũng nhắm vào các nhân sự, bao gồm một loạt các nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng. Vụ ám sát gây chấn động nhất xảy ra vào năm 2020 khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh bị bắn hạ bằng súng máy tích hợp AI, được giám sát qua vệ tinh. Khẩu súng này gắn trên một chiếc xe bán tải mà sau đó phát nổ để xóa bằng chứng.

Mặt khác, Israel và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran đứng sau một loạt các cuộc tấn công vào lợi ích của Israel, bao gồm nhiều cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Israel và các cuộc tấn công mạng.

Triển vọng bình thường hóa quan hệ

Một số quốc gia Arab trong khu vực đã chọn bình thường hóa quan hệ với Israel vì muốn được phương Tây ủng hộ.

Trong khi đó, Saudi Arabia, cường quốc khác trong khu vực, đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran vào năm nay sau bảy năm gián đoạn. Đây là một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian vào tháng 3.

Mỹ đã cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận tương tự giữa Saudi Arabia và Israel. Tuy nhiên, triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia hiện đã bị đình trệ, ít nhất là vào lúc này, khi Israel tiếp tục ném bom Gaza, gây ra một cơn ác mộng nhân đạo và giết chết trên 40.000 người.

Nhưng đối với chính quyền hiện tại ở Iran, hòa giải với Israel là điều không thể, nhất là sau những diễn biến gần đây khiến hai bên tấn công trả đũa nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng”.

Các yêu cầu an ninh chung trong các thập kỷ trước khiến hai nước trở thành đồng minh đã không còn vào đầu những năm 1990.

Iran phản đối Mỹ bá quyền ở Trung Đông trong khi Israel liên tục tìm cách để Mỹ không đưa binh sĩ từ Trung Đông về nước. Các nhóm liên kết với Iran thường xuyên tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria.

Đó là một cuộc cạnh tranh về quyền lực và thống trị trong khu vực. Hai quốc gia đã bị cuốn vào một cuộc chiến ở cấp độ thấp trong hơn một thập kỷ. Không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ thay đổi, đặc biệt là xét những tuyên bố của hai bên sau vụ Iran tấn công Israel ngày 1/10.

Phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, gọi cuộc tấn công này là một cuộc tấn công nghiêm trọng và cho biết sẽ có những hậu quả đối với Iran. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel đã thất bại và tuyên bố sẽ trả đũa. Ông Netanyahu phát biểu: “Iran đã phạm một sai lầm lớn vào đêm nay - và họ sẽ phải trả giá. Chính phủ Iran không hiểu được quyết tâm tự vệ và quyết tâm trả đũa kẻ thù của chúng ta”.

Về phần mình, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã đăng bài viết trên mạng xã hội X, khẳng định cuộc không kích vào lãnh thổ Isael là phản ứng hợp pháp, hợp lý và chính đáng đối với các hành động khủng bố và tuyên bố sẵn sàng đối phó bất kỳ phản ứng nào của Israel.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X vào sáng sớm ngày 2/10, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi khẳng định, Iran đã thực hiện quyền tự vệ chống Israel và hành động của họ sẽ kết thúc trừ khi Israel quyết định khiêu khích trả đũa thêm.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thậm chí còn cảnh báo “nghiền nát Israel” nếu Tel Aviv tiến hành đáp trả đợt công kích.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Stuxnet, vũ khí kỹ thuật số tàn phá cơ sở hạt nhân lớn nhất Iran - Kỳ 1
Stuxnet, vũ khí kỹ thuật số tàn phá cơ sở hạt nhân lớn nhất Iran - Kỳ 1

Thay vì chỉ chiếm đoạt máy tính mục tiêu hoặc đánh cắp thông tin như những virus hoặc sâu máy tính thông thường, Stuxnet đã thoát khỏi thế giới kỹ thuật số để phá hủy về vật lý đối với hàng loạt máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium lớn nhất Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN