Heinrich Muller là giám đốc cuối cùng Sở mật thám của Đức quốc xã và là một trong những tên tội phạm chiến tranh khét tiếng. Số phận của hắn sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc vẫn là một ẩn số lớn dù có rất nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành. Tháng 10/2013, bí ẩn này được hé lộ một phần khi có nhiều bằng chứng cho thấy Muller đã được chôn tại một ngôi mộ tập thể ở ngay thủ đô Berlin của Đức.
Trùm mật vụ Heinrich Muller. |
Heinrich Muller sinh ngày 28/4/1900, là một quan chức cảnh sát dưới thời chính phủ Cộng hòa Weimar và Đức quốc xã. Sau này Muller trở thành người đứng đầu Gestapo - lực lượng cảnh sát chính trị bí mật của Đức quốc xã (tức Mật vụ), tham gia vào việc lên kế hoạch và thực hiện tội ác diệt chủng người Do Thái Holocaust. Muller còn có tên gọi khác là Gestapo Muller, để phân biệt với chỉ huy lực lượng SS (tức Đội cận vệ) cũng tên là Heinrich Muller. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy Muller là ở hầm tránh bom của Hitler ngày 1/5/1945. Đến nay, hắn vẫn là nhân vật cao cấp nhất của Đức quốc xã không bao giờ bị bắt hoặc được xác nhận là đã chết.
Ngay sau khi Đức quốc xã sụp đổ, các sĩ quan phản gián của Anh - Mỹ đã săn tìm những tàn tích của quân đội và cảnh sát tình báo của Đức, trong đó, Gestapo Muller là một người quan trọng cần phải bắt giữ. Quân Đồng Minh đã tìm kiếm và rà soát tất cả những người cùng tên Heinrich Muller nhưng không có một thông tin nào trùng khớp với Gestapo Muller. Đến năm 1947, giới chức Anh và Mỹ tiếp tục tìm kiếm các đầu mối tại nhà người tình của Muller là Anna Schmid nhưng không tìm thấy thứ gì cho thấy Muller vẫn còn sống.
Muller tham gia một cuộc họp tại Munich tháng 11/1939. |
Năm 1949, Cơ quan tình báo Đức sau chiến tranh báo cáo đã nhìn thấy Muller ở Tiệp Khắc. Vài thập kỉ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, các nhà điều tra đã ra sức tìm kiếm Muller ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Mossad ở Israel, văn phòng điều tra đặc biệt của Mỹ và Trung tâm Simon Wiesenthal nhưng đều không thấy bất kì vết tích nào của ông ta.
Mãi đến tháng 10/2013, Johannes Tuchel, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu Đức, cho biết, ông đã phát hiện ra những tài liệu lịch sử cho thấy Muller chưa bao giờ rời căn hầm của Hitler ở trung tâm thành phố Berlin quá vài trăm mét và cuối cùng được chôn cất trong một ngôi mộ chung tại nghĩa trang của người Do Thái đã bị Đức quốc xã phá hủy năm 1943.
Các bằng chứng khác cũng cho thấy khoảng ba tháng sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, thi thể của Muller đã được một đội làm công tác dọn dẹp tử thi tìm thấy và chôn cất cùng với khoảng 3.000 người khác trong một ngôi mộ chung tại nghĩa trang của người Do Thái nói trên.
Theo các tài liệu này, Muller đã được chôn cất vào tháng 8/1945 tại khu vườn thuộc trụ sở không quân Đức, sau đó được đưa tới nghĩa trang của người Do Thái ở Grosse Hamburger Strasse. Câu chuyện này lần đầu được công bố trên một tờ Bild.
Năm 1963, khi giới chức điều tra về tin đồn Muller được chôn cất tại quận Neukoelln ở tây Berlin như lời Tuchel tiết lộ, một người đào mộ đã báo với cảnh sát rằng ông ta là người đã chôn cất Muller ở nghĩa trang cũ của người Do Thái. Ông này cho biết đã so sánh khuôn mặt của tử thi với ảnh trong giấy tờ tùy thân của Muller. Tuy nhiên, người này không có thêm bất kì thông tin gì về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Muller.
Theo một bài báo trong tạp chí nghiên cứu về nạn thảm sát và diệt chủng Holocaust, dù câu chuyện của người đào mộ được mọi người biết đến, tuy nhiên không ai có thể kiểm chứng bởi những ngôi mộ này đã ở phía bên kia của bức tường Berlin.
Theo trang web của cộng đồng người Do Thái ở Berlin, nghĩa trang bao gồm ngôi mộ của nhà triết học Moses Mendelssohn và đã bị lực lượng SS phá hủy khi xây dựng hầm qua khu vực này. Khi chiến tranh kết thúc, nơi đây trở thành nơi chôn cất các nạn nhân bị đánh bom và các nạn nhân thiệt mạng trong chiến tranh ở xung quanh khu vực thủ đô nước Đức.
Ông Efraim Zuroff thuộc Trung tâm Simon Wiesenthal cho biết: Chỉ còn cách xác định DNA mới có thể chứng minh được liệu Muller có thực sự được chôn cất ở Berlin hay không. Theo ông Efraim Zuroff, những thành viên của Đức quốc xã khi trốn chạy thường tìm cách tạo ra bằng chứng về cái chết giả, vì vậy cần phải cảnh giác với những thông tin không có chứng cứ pháp lý.
Nếu những thông tin trên về Muller là đúng, đó sẽ là một điều an ủi rằng Muller - kẻ tham dự hội nghị Wannsee khét tiếng năm 1942 để lên kế hoạch phối hợp cho tội ác diệt chủng người Do Thái - đã không trốn thoát được.
Tuy nhiên, nếu như nơi an nghỉ cuối cùng của Muller lại là một nghĩa trang của người Do Thái thì đây sẽ là một điều cực kì đáng sợ. Như lời ông Zuroff: “Đây là nơi cuối cùng trên Trái Đất có thể dùng để chôn Muller. Nếu điều này được chứng thực, tốt nhất nên nhanh chóng di dời mộ của hắn để đảm bảo rằng nơi này không trở thành đền thờ cho phần tử phát xít”.
Tố Quỳnh