Golda Meir – ‘Bà đầm thép’ của Israel - Kỳ cuối

Trong thời gian làm Thủ tướng Israel, bà Golda Meir đã phải xử ký nhiều sự kiện quan trọng, điển hình là Chiến tranh Yom Kippur.

Kỳ cuối: Nhiệm kỳ thủ tướng nhiều sự kiện

Khả năng xây dựng liên minh của bà Golda Meir rất quan trọng khi bà thăng tiến trong đảng Lao động Do Thái. Đến năm 1934, bà đứng đầu bộ phận chính trị của Histadrut. Bà cũng nắm giữ một loạt công việc ngày càng có trọng trách trong Hội Do Thái, một tổ chức theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái hùng mạnh, trong quá trình hình thành nhà nước Israel. Bà đóng vai trò là người phát ngôn trong việc đối phó với người Anh, quốc gia cai trị khu vực này sau khi nắm quyền ủy trị sau Thế chiến thứ nhất.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Golda Meir đến thăm khu định cư Na'aran ở Bờ Tây vào ngày 28/11/1972. Ảnh: Moshe Milner/GPO

Khi người Anh bắt giữ gần như toàn bộ nam lãnh đạo của Hội Do Thái và buộc tội họ đưa lậu những người Do Thái sống sót sau thảm họa Holocaust sang Israel bất chấp hạn ngạch hạn chế, bà Golda đã trở thành người đứng đầu trên thực tế của Hội Do Thái và giám sát các chi tiết cuối cùng của chiến dịch để chấm dứt giai đoạn ủy trị của Anh.

Năm 1948, khi Liên hợp quốc đề xuất chia Palestine thành hai quốc gia Arab và Do Thái độc lập, bà Golda đã tận dụng mối quan hệ hiện tại của mình với Mỹ để quyên góp 50 triệu USD từ cộng đồng Do Thái ở đó. Đây là số tiền quan trọng để mua vũ khí cần thiết nhằm duy trì nhà nước Israel mới. Sau đó, ông Ben-Gurion nói rằng bà Golda đã có tiền để biến nhà nước Do Thái thành hiện thực.

Ông Ben-Gurion gọi bà là “người tốt nhất” trong chính phủ non trẻ, nhưng đã không nhắc đến thành tựu thực sự của bà, mà theo lời của Pnina Lahav, Giáo sư luật tại Đại học Boston và người viết tiểu sử về bà Golda Meir, bà là người phụ nữ duy nhất trong chính phủ bấy giờ, một nữ lãnh đạo tiên phong, người đã chiếm ưu thế bất chấp sự coi thường sâu sắc và dai dẳng từ đồng nghiệp, đối thủ và báo chí.

Con đường đến chức thủ tướng

Vai trò chính thức đầu tiên của bà Golda tại quốc gia mà bà đã góp phần xây dựng là Đại sứ tại Liên Xô - quốc gia sau chế độ Sa hoàng mà gia đình bà đã bỏ trốn hàng thập kỷ trước. Được bầu vào Knesset (cơ quan lập pháp của Israel) vào năm 1949, bà tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Lao động. Tại đây, bà đẩy mạnh các chương trình việc làm và nhà ở cho những người nhập cư mới cũng như các chính sách nghỉ thai sản tiên phong của Israel.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Golda Meir phát biểu trước các thành viên của Cộng đồng Druze và các vị khách trong lễ hội Nebi Shueib ở Hittim. Ảnh: GPO

Năm 1956, ông Ben-Gurion bổ nhiệm bà Golda làm bộ trưởng ngoại giao của Israel, giúp bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đảm nhận vai trò đó. Sự đánh đổi với bà là gì? Bà sẽ phải đổi họ của mình từ Myerson thành một họ Do Thái hơn: Meir.

Vị ngoại trưởng mới được đổi tên đã làm mọi việc theo cách riêng. Bà Golda ngồi ở ghế hạng phổ thông trong các chuyến bay đi công tác ngoại giao và chiêu đãi khách nước ngoài trong căn bếp của mình. Nhưng bà cũng tìm cách huy động sự ủng hộ dành cho Israel trong khi xây dựng các liên minh mới ở các khu vực như châu Phi. Bà từ chối tuân theo các sắc lệnh phân biệt chủng tộc khi đến thăm Nam Phi mà lúc đó được gọi là Rhodesia. Động thái của bà khiến các quan chức khác cũng thấy xấu hổ và phải làm theo.

Gặp vấn đề về tim năm 1955, bị một vết thương trong một vụ đánh bom năm 1957 và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch năm 1965 đã khiến bà Golda Meir phải ngừng vai trò ngoại trưởng. Bà vẫn giữ vị trí trong quốc hội Israel cũng như ở đảng xã hội dân chủ Mapai.

Nhưng bà Golda cũng không nghỉ lâu. Khi Thủ tướng Levi Eshkol đột ngột qua đời vào năm 1969, bà Golda Meir được đề nghị tranh cử. Bà biết rằng một bà ngoại 70 tuổi khó có thể là ứng cử viên hoàn hảo để đứng đầu một nhà nước 20 tuổi, nhưng cuối cùng bà vẫn đồng ý. Bà Golda Meir được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 3.

Bà Golda Meir tiếp tục thực hiện các chính sách của chính quyền trước khi bà trở thành thủ tướng, nhưng liên minh các đảng chính trị ở Israel đã rạn nứt vào năm 1970. Nhiệm kỳ thủ tướng của bà còn xảy ra các sự kiện liên quan Thế vận hội 1972: các thành viên của Tháng Chín Đen, một nhóm tay súng Palestine, đã giết chết hai người Israel và bắt thêm những người khác của đội Olympic Israel làm con tin. Cuối cùng, 11 người Israel thiệt mạng và bà Golda đã ra lệnh trả đũa. Mossad, cơ quan tình báo quốc gia Israel, đã giết nhiều thành viên Tháng Chín Đen, nhưng cũng giết nhầm một bồi bàn người Maroc.

Chiến tranh Yom Kippur

Chú thích ảnh
Bà Golda Meir tại hội nghị đảng Lao động ở Tel Aviv vào ngày 8/4/1959. Ảnh: Hans Pinn/GPO

Chiến tranh Yom Kippur, còn gọi là Chiến tranh Tháng Mười hay Chiến tranh Arab – Israel, xảy ra vào tháng 10/1973. Cuộc chiến này bắt đầu khi lực lượng Ai Cập và Syria tiến hành cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Israel vào lễ Yom Kippur.

Khi căng thẳng với các nước láng giềng Arab ngày càng gia tăng, bà Golda Meir lặng lẽ liên tục thực hiện các hoạt động ngoại giao với Ai Cập nhưng tất cả đều bị từ chối. Vào mùa thu năm 1973, một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia nổ ra khi các nguồn tin tình báo cho biết quân đội Syria và Ai Cập đang huy động cho một cuộc tấn công chung vào lễ Yom Kippur, ngày linh thiêng nhất trong lịch của người Do Thái. Tìm cách giành lại lãnh thổ đã mất trong cuộc chiến năm 1967, họ đã tấn công đồng thời vào hai mặt trận: Ai Cập tấn công từ Bán đảo Sinai và Syria tấn công từ Cao nguyên Golan.

Những tổn thất nặng nề ban đầu sau cuộc tấn công bất ngờ, cùng với việc Mỹ trì hoãn gửi viện trợ quân sự, đã dẫn đến áp lực chính trị mạnh mẽ để buộc phải tuyên bố ngừng bắn. Thay vào đó, bà Golda Meir đồng ý cho thực hiện những động thái quyết liệt nhằm cải thiện vị thế đàm phán của Israel và giữ vững lập trường cho đến khi quân tiếp viện đến và Israel giành được ưu thế.

Vai trò lãnh đạo kiên quyết của bà Golda Meir trong Chiến tranh Yom Kippur kéo dài 19 ngày đã mang lại cho bà cái tên “bà đầm thép”. Nhưng cuộc chiến này cũng khiến bà phải từ chức chỉ vài tháng sau đó. Công chúng đổ lỗi cho bà về cái chết của khoảng 2.700 binh sĩ Israel trong cuộc xung đột, những tổn thất khiến chiến thắng quân sự trở nên u ám. Mặc dù đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo nhưng bản thân bà Golda Meir không thể thành lập chính phủ mới và nhường lại quyền lực cho ông Yitzhak Rabin.

Bà Golda Meir qua đời vì ung thư hạch năm 1978 ở tuổi 80.

Thùy Dương/Báo Tin tức (History.com)
Rami Ungar - Vị tỷ phú Israel sở hữu con tàu vừa bị cướp ở Biển Đỏ
Rami Ungar - Vị tỷ phú Israel sở hữu con tàu vừa bị cướp ở Biển Đỏ

Sau khi lực lượng Houthi ở Yemen chiếm giữ một tàu hàng ở Biển Đỏ, truyền thông cho rằng con tàu này thuộc sở hữu của ông Rami Ungar, vị tỷ phú thuộc danh sách người giàu nhất Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN