Fidel là như thế!

Fidel là như thế!

Rất nhiều người đã nói và viết về nguyên chủ tịch Cuba Fidel Castro, nhưng có lẽ không mấy ai có thể diễn đạt một cách xúc tích và đầy đủ hơn Gabriel Garcia Marquez, nhà văn Côlômbia đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, một người bạn thân thiết của nhà lãnh đạo đã chính thức rút lui khỏi chính trường vào tháng 2/2008 sau khi lâm bệnh nặng trước đó hơn một năm rưỡi.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh của Fidel (13/8/1926 - 13/8/2011) báo Tin Tức xin giới thiệu cùng bạn đọc một phần bài viết của Marquez kèm theo một số mẩu chuyện do những người từng làm việc bên cạnh Fidel hoặc có dịp tiếp xúc, gặp gỡ với Fidel viết ra. Nhiều người Cuba khi kể lại những câu chuyện này thường chỉ kết luận bằng một câu ngắn gọn: “Así es Fidel !” (Fidel là như thế!).

Phong cách Fidel

Theo văn hào Garcia Marquez, Fidel là người có một sức thu hút lạ kỳ. Ông là người có năng khiếu hùng biện bẩm sinh và đặc biệt ham trò chuyện. Ông luôn chuyện trò không biết mệt, và khi mệt thì lấy việc trò chuyện làm phương cách nghỉ ngơi. Fidel luôn tìm đến ngọn nguồn của mọi vấn đề bất kể nó ẩn tàng nơi đâu. Niềm hứng khởi tuôn trào trên diễn đàn ngẫu hứng là nét đặc trưng trong phong cách của ông. Fidel say mê đọc tất cả các loại sách về đủ mọi đề tài, ông có thể đọc bất cứ ở đâu. Trên ô tô của ông có thiết kế riêng một ngọn đèn rọi để ông có thể đọc bất cứ lúc nào.

Lãnh tụ Fidel Castro nói chuyện trước công chúng.


Fidel không có thói quen nghe trợ lý báo cáo tóm tắt các tin tức trong ngày, ông bao giờ cũng tự mình đọc và nghiên cứu trực tiếp các tài liệu cần cho công việc. Mỗi buổi sáng, ông điểm tâm bằng hàng trăm trang tin tức đủ loại. Fidel ham viết và viết hay, ông từng có lần nói rằng nếu con người có kiếp sau thì ông sẽ theo nghề viết ở thế giới bên kia. Thời trai trẻ và cho mãi tới sau này, Fidel luôn chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, ông chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn và đặc biệt say mê môn bóng chày. Ông còn biết đá bóng, thích đánh cờ vua, bắn súng giỏi và luyện tập cả môn lặn săn cá dưới đáy biển.

Ông tự nguyện từ bỏ thói quen hút xì gà đã mấy chục năm để có thể làm gương trong phong trào chống nghiện thuốc lá, một thói quen có hại rất phổ biến trong nhân dân Cuba. Ông cũng là người thích tìm hiểu về nghệ thuật ẩm thực và thường tự mình chế biến một vài món ăn khi có thời gian.

Fidel là người kiên nhẫn hiếm có, cũng là người luôn tuân thủ một kỷ luật nghiêm ngặt. Ông sẵn sàng đương đầu với tất cả mọi khó khăn. Chính vào lúc gặp những vấn đề nan giải nhất thì ông lại vui vẻ hẳn lên. Chả thế mà một người bạn tự cho là rất hiểu ông có lần đã hỏi một câu đầy nghịch lý: Sự việc có vẻ gay cấn lắm hay sao mà trông anh lại phấn chấn thế?

Chủ tịch Fidel Castro (phải) gặp Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ LHQ ở New York tháng 9/2000.

Người dân Cuba bình thường không mấy khi gọi ông bằng các chức danh nhà nước mà chỉ dùng cấp bậc “comandante” (thiếu tá, là cấp hàm cao nhất của quân khởi nghĩa, về sau được dùng theo nghĩa rộng là “tư lệnh”, người chỉ huy một đạo quân), hoặc đơn giản hơn, người ta chỉ gọi ông bằng cái tên thân mật: Fidel!

Fidel là một lãnh tụ vĩ đại, giản dị, trong sáng và luôn có những hoài bão lớn lao. Đó là một con người với năng lực tư duy siêu việt, luôn luôn trăn trở vì những ý tưởng khác thường. Óc tưởng tượng cực kỳ phong phú luôn đưa ông tới những điều không định trước. Về bản chất, ông là người luôn chống lại mọi giáo điều.

Đối với báo chí, trong các cuộc họp báo hay trả lời phỏng vấn, Fidel thường trả lời tất cả mọi câu hỏi đặt ra. Trước những câu hỏi “móc máy”, thậm chí mang tính chất “khiêu khích”, ông không bao giờ mất bình tĩnh, trái lại luôn sẵn sàng tranh luận, phản biện tới cùng để bảo vệ quan điểm của mình.

Tôi không phải là người thích đứng ở ban công

Nhà văn và nhà báo Cuba Luis Baez thuật lại: Trong chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ vào tháng 4/1959, Fidel tỏ ý muốn có sự tiếp xúc trực tiếp với người dân Mỹ, nhưng các nhà chức trách nước này không muốn điều đó diễn ra. Mister Houghton, người mà ai cũng biết là một sĩ quan mật vụ luôn theo sát mọi hoạt động của phái đoàn Cuba, một hôm phát hiện thấy Fidel có ý định ra phía ngoài để bắt tay những người đang hô khẩu hiệu và hò reo ủng hộ cách mạng Cuba, bèn tiến lại sát bên và nói nhỏ: "Nếu muốn, Ngài nên ra ngoài ban công trên tầng cao của khách sạn sẽ nhìn thấy nhiều người hơn". Nghe vậy, Fidel liền quay sang đáp: "Tôi không phải là người thích đứng ở ban công!".

Nói rồi ông bước nhanh ra khỏi cửa, tiến về phía đám đông đang tụ tập bên ngoài sảnh khách sạn trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhân viên FBI và cảnh sát Mỹ dày đặc xung quanh. Và như thế, cuộc gặp gỡ đầu tiên của nhà lãnh đạo hòn đảo tự do vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ và dân chúng nước này đã kéo dài hàng giờ trước sự chứng kiến của những người đã ra sức ngăn cản điều đó diễn ra.

Người phụ trách các vấn đề Cuba là tôi

Cũng trong chuyến thăm Hoa Kỳ nói trên có buổi tiếp kiến tại Bộ Ngoại giao. Khi Fidel từ bên ngoài bước tới gần cửa phòng khách, ngoại trưởng Christian Herter bước ra bắt tay mời vào. Hai người ngồi xuống ghế, những câu thăm hỏi xã giao diễn ra khá nhanh, hai người lại đứng lên và cùng bước về phía phòng ăn bên cạnh để dùng bữa trưa. Trong khi chúc rượu, sau khi Ngoại trưởng Mỹ nói lời chào mừng, Fidel nâng ly đáp lời: "Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó nước Mỹ sẽ hiểu rõ và ghi nhận cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba, một cuộc đấu tranh đầy sự tích anh hùng và những sự hy sinh phi thường…".

Kết thúc buổi gặp gỡ, William Wieland, Giám đốc Văn phòng khu vực Caribê tiến đến bắt tay Fidel và tự giới thiệu:
- Thưa Tiến sĩ Fidel Castro, tôi là người phụ trách các vấn đề Cuba…

Ông ta vừa dứt lời, không cần chờ người phiên dịch dịch lại, Fidel nói ngay:
- Xin lỗi ông… nhưng, người phụ trách các vấn đề Cuba là tôi.

William Wieland hơi sững người, và mọi người có mặt cùng cười.

(còn tiếp)

Phạm Đình Lợi (Sưu tầm và biên dịch)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN