Đi qua Công viên Giải phóng ở trung tâm Vũ Hán, thành phố nay nổi tiếng toàn cầu vì là nơi khởi phát của đại dịch COVID-19, bạn sẽ nhìn thấy một tượng đài cao 8 mét, ghi dòng chữ: “Ký ức về các phi công Liên Xô sống mãi trong trái tim của người dân Trung Quốc”. Tượng đài này cũng là nơi chôn cất tập thể gần 30 phi công Xô-viết.
Một thực tế lịch sử là vào cuối Thế chiến Thứ hai, tháng 8/1945, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng vùng Mãn Châu, đông bắc Trung Quốc, thì ai cũng biết. Nhưng các phi công Liên Xô đã làm gì ở Vũ Hán, để giành được sự biết ơn của người Trung Quốc như vậy, thì không phải ai cũng hay.
Kẻ thù chung
Quân đội Liên Xô đã đến Trung Quốc từ khá lâu trước năm 1945, cụ thể là vào năm 1937, ngay sau khi Nhật Bản bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Trung Quốc. Moskva coi chính sách hiếu chiến của Tokyo là một mối đe dọa với an ninh quốc gia và nhận lời đề nghị giúp đỡ từ các lãnh đạo Trung Quốc. Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Liên Xô, Stalin nói: “Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ thường xuyên cho Trung Quốc, miễn là không có chiến tranh ở châu Âu”.
Ban đầu, Liên Xô nỗ lực hòa giải đảng Cộng sản của lãnh tụ Mao Trạch Đông và Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất chống đế quốc Nhật xâm lược. Moskva không sẵn sàng tham gia một cuộc xung đột vũ trang công khai với Nhật Bản, nhưng cung cấp cho chính phủ của Tưởng Giới Thạch một số khoản vay để mua vũ khí từ Liên Xô với giá ưu đãi, thấp hơn 20% so với giá thị trường.
Tổng cộng, từ tháng 10/1937 đến năm 1941, Liên Xô đã cung cấp cho Trung Quốc 1.235 máy bay chiến đấu và ném bom, 82 xe tăng, 16.000 khẩu pháo, trên 14.000 súng máy, 50.000 súng trường, gần 2.000 xe và máy kéo, cùng nhiều đạn dược, mặt nạ phòng độc, thuốc…
Bên cạnh vũ khí, Liên Xô bắt đầu bí mật cử chuyên gia quân sự tới Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chuyên gia Liên Xô đã nâng hiệu quả chiến đấu của 40 trong tổng số 246 sư đoàn bộ binh vốn được huấn luyện kém của Trung Quốc, góp phần hình thành các sư đoàn gắn kết và được đào tạo chuyên sâu, trong đó có các phi đội máy bay và xe tăng.
Nếu như trước đây trong các trận chiến với quân Nhật Bản, quân đội Trung Quốc thường tổn thất với tỷ lệ 5-1, thì nhờ các chuyên gia Liên Xô, tỉ lệ này đã giảm đáng kể.
Giữ vai trò quan trọng nhất trong đội chuyên gia Liên Xô là các phi công. Họ không chỉ huấn luyện các đồng nghiệp Trung Quốc mà còn tham gia tích cực vào các trận không chiến và làm thay đổi cục diện. Trước khi các phi công Liên Xô xuất hiện, lực lượng không quân đế quốc Nhật thống trị hoàn toàn bầu trời Trung Quốc.
Cuộc đột kích vào đảo Đài Loan
Người Nhật bắt đầu ý thức được sự xuất hiện của một kẻ thù nặng ký mới vào ngày 21/11/1937, trong trận không chiến trên bầu trời Nam Kinh. 7 chiếc chiến đấu cơ I-16 của Liên Xô đã đụng độ với 20 máy bay Nhật, bắn rơi hai chiếc tiêm kích và một máy bay ném bom mà không chịu tổn thất nào.
Bị quân Nhật áp đảo về số lượng, các phi công Liên Xô đã phải thực hiện 4-5 lần xuất kích mỗi ngày để bảo vệ các thành phố của Trung Quốc. Nhưng vai trò của họ không chỉ giới hạn ở phòng thủ.
Vào ngày 23/2/1938, đúng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Hồng quân, 28 máy bay ném bom Liên Xô đã vượt quãng đường gần 1.000km mà không có tiêm kích yểm trợ, thực hiện vụ tấn công táo bạo xuống một trong những căn cứ chính của Không quân Nhật Bản trên đảo Đài Loan (khi đó gọi là Formosa). Để tiết kiệm nhiên liệu và tăng tầm bay, các phi cơ ném bom đã bay ở độ cao 5.000 mét.
Không có mặt nạ dưỡng khí, các phi công đã trải qua toàn bộ hành trình trong điều kiện thể chất giới hạn vì thiếu ôxy. “Tim đập nhanh hơn, đầu quay cuồng, bạn cảm thấy buồn ngủ. Tất cả những gì bạn có thể dựa vào là sức bền thể chất của mình”, chỉ huy cuộc đột kích Fyodor Polynin nhớ lại trong cuốn hồi ký “Combat Routes”.
Cuộc tấn công vào căn cứ không quân Matsuyama đã khiến quân Nhật bất ngờ. 40 máy bay địch bị phá hủy, chưa kể những chiếc vẫn chưa được lắp ráp còn để trong container và nhà chứa. Nguồn cung cấp nhiên liệu trong 3 năm của của căn cứ này bị thiêu rụi. Cuối cùng, Thống đốc đảo Đài Loan bị cách chức và Tư lệnh căn cứ Matsuyama tự sát.
"Thanh gươm công lý"
Vào mùa xuân năm 1938, Không quân Nhật dội mưa bom xuống Vũ Hán. Là một trong những thành phố quan trọng nhất của đất nước, nơi đây trở thành nơi trú ẩn tạm thời cho chính phủ và bộ chỉ huy quân sự Trung Quốc sau khi thành Nam Kinh thất thủ vào tháng 12/1937.
Ngày 29/4/1938, các phi công Nhật Bản quyết định kỷ niệm sinh nhật Thiên hoàng Hirohito bằng một cuộc không kích "nghiền nát" thành phố. Cuộc tấn công huy động 18 máy bay ném bom, được yểm trợ bởi 27 chiếc tiêm kích. Nhưng khi tiến gần Vũ Hán, đội máy bay Nhật đã đối mặt với phi đội 64 máy bay chiến đấu I-15 và I-16 của Liên Xô.
Trong trận không chiến chỉ kéo dài nửa giờ, 11 máy bay chiến đấu và 10 máy bay ném bom của địch đã bị bắn hạ. Phía Liên Xô tổn thất 12 máy bay.
Sau đó, bị choáng váng trước cuộc tấn công bất ngờ, người Nhật đã không xuất hiện trên bầu trời Vũ Hán trong khoảng một tháng. Một cuộc không kích khác mà họ thực hiện vào ngày 31/5 cũng thất bại. Quân Nhật mất 14 máy bay và các phi đội khét tiếng như “Air Samurai” và “Four Heavenly King” cũng bị đánh bại.
Vì những đóng góp trong bảo vệ thành phố Vũ Hán, người Trung Quốc đã gọi các phi công Liên Xô là “thanh gươm công lý”.
Năm 1940, khi mối quan hệ giữa Quốc dân đảng và đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ hoàn toàn, Liên Xô dần dần chấm dứt viện trợ quân sự cho chính quyền Tưởng Giới Thạch. Các phi công Liên Xô cũng không còn tham gia các cuộc đối đầu với quân Nhật nữa.
Tổng cộng, Liên Xô đã cử 700 phi công và kỹ thuật viên hàng không tới Trung Quốc từ năm 1937 đến 1940; 214 người đã hy sinh. Hài cốt của nhiều người trong số đó vẫn nằm lại ở hàng chục ngôi mộ tập thể trên khắp Trung Quốc và vẫn được các chính quyền địa phương tri ân cho tới ngày nay.