Kỳ 1: Điệp viên tự thân
Juan Pujob Garcia là một gián điệp và điệp viên hai mang có biệt danh Garbo, đóng vai trò rất lớn trong việc giúp quân Đồng minh giành chiến thắng Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông giành nhiều giải thưởng từ cả Chính phủ Anh và Đức quốc xã.
Theo trang warhistoryonline, Garcia là người đàn ông duy nhất trong lịch sử được trao cả huân chương Chữ thập Sắt (huân chương cao quý nhất của quân đội Đức quốc xã) và MBE (huân chương vinh dự nhất của Đế chế Anh dành cho người có lòng dũng cảm).
Mặc dù Garcia đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến nhưng vai trò và danh tính của ông được giữ bí mật suốt nhiều chục năm sau đó. Trong phần còn lại cuộc đời sau chiến tranh, ông sống ẩn danh ở Venezuela.
Xuất thân bình thường
Một trong những điều truyền cảm hứng nhất trong câu chuyện cuộc đời của điệp viên Garcia là mọi thứ về ông dường như đều rất bình thường ở phương diện đào tạo, xuất thân, kỹ năng. Ông không phải là James Bond cũng không phải là một siêu điệp viên như trong phim Hollywood. Ông chỉ là một người đàn ông nhỏ bé, vẻ ngoài khiêm tốn, sinh ra ở Barcelona (Tây Ban Nha) năm 1912, lớn lên trong một gia đình bình thường.
Garcia không xuất sắc bất kỳ điều gì, nhưng xét những thành công ông đạt được khi là điệp viên hai mang sau này, rõ ràng Garcia hẳn phải có một trí tưởng tượng rất siêu phàm.
Sau khi học xong, Garcia tập sự trong một thời gian tại một cửa hàng kim khí và bắt đầu nghiên cứu về chăn nuôi. Ông chuyển hết nghề này tới nghề khác nhưng đều không thành công, kể cả khi làm quản lý rạp chiếu phim. Sau đó, ông bị gọi nhập ngũ năm 1931 và phục vụ trong một đơn vị kỵ binh Cộng hòa Tây Ban Nha.
Khi được giải ngũ sau 6 tháng phục vụ bắt buộc trong quân đội, Garcia quay trở lại làm việc. Vị hôn phu của em gái ông bị quân Cộng hòa bắt và bị cáo buộc tội phản cách mạng. Về sau, em gái và mẹ công cũng bị bắt với cáo buộc tương tự. May mắn là một họ hàng trong nghiệp đoàn đã giúp họ được thả tự do. Dù vậy, sự cố này đã khiến Garcia có mối hận thù sâu sắc với người Cộng hòa và lý tưởng của họ.
Khi Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra năm 1936, Garcia đang quản lý một trang trại gia cầm. Ông được triệu tập để chiến đấu cho phe Cộng hòa. Ông không muốn theo phe những người đã ngược đãi gia đình mình nên đã trốn trong nhà bạn gái. Sau đó, ông bị cảnh sát bắt trong một cuộc đột kích và bị tống giam trong một thời gian ngắn.
Sau này, để trả thù những người Cộng hòa, Garcia đã dùng giấy tờ giả để gia nhập phe này với ý định sau đó đào ngũ và chiến đấu với những người theo phe Chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, Garcia cũng bị phe Chủ nghĩa dân tộc đối xử tệ bạc. Họ đánh đập và tống ông vào nhà tù quân đội sau khi ông bày tỏ ủng hộ nền quân chủ Tây Ban Nha. Những gì ông trải qua ở đây đã khiến ông căm ghét chủ nghĩa Phát xít.
Quyết tâm làm gián điệp
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra năm 1939, Garcia quyết tâm làm bất kỳ điều gì mình có thể để chống chế độ Đức quốc xã. Nhìn thấy Anh là lực lượng lớn duy nhất phản kháng trùm Phát xít Adolf Hitler, Garcia đã quyết định tiếp cận Mật vụ Anh ở Madrid và đề nghị làm gián điệp cho họ. Ông đã làm gián điệp cho Anh từ năm 1941.
Có một số vấn đề khi Garcia đề nghị làm gián điệp. Thứ nhất, ông không có kinh nghiệm làm gián điệp và cũng chưa làm bất kỳ công việc tình báo nào. Thứ hai, ông có một số lần kinh doanh thất bại và chỉ làm quản lý khách sạn 1 sao lụp xụp lúc bây giờ. Do đó, ông không có điều kiện thuận lợi để có bất kỳ trải nghiệm tình báo nào. Thứ ba, Garcia không nói được một từ tiếng Anh.
Không ngạc nhiên khi phía Anh bác bỏ đề xuất của Garcia – người không có gì ngoài quyết tâm. Ông đã thử thêm hai lần xin phía Anh cho làm gián điệp những vẫn bị từ chối. Vẫn không nản chí, Garcia quyết định tự mình chống người Đức.
Ông đã tiếp cận các đặc vụ tình báo Đức ở Madrid và tự nhận là một nhân viên Chính phủ Tây Ban Nha thường xuyên có các chuyến đi ngoại giao tới London. Ông giả vờ là người yêu thích lý tưởng của Đức quốc xã và nói với các đặc vụ Đức rằng ông sẵn sàng do thám người Anh vì lợi ích thúc đẩy sự nghiệp Đức quốc xã. Tại thời điểm đó, Chính phủ Tây Ban Nha ủng hộ Chính phủ Đức quốc xã nhưng không kết đồng minh nên Garcia rất dễ liên hệ với quân đội Đức.
Người Đức đã bị Garcia lừa, nhất là sau khi xem hộ chiếu ngoại giao giả mà ông làm tại một cửa hàng in ấn. Họ đã để ông làm gián điệp cho mình dù hơi nghi ngờ. Các đặc vụ Đức đã dạy Garcia một khóa học tăng cường về nghệ thuật gián điệp, hướng dẫn ông thiết lập mạng lưới gián điệp trên đất Anh, cấp cho ông 600 bảng Anh chi phí làm nhiệm vụ (tương đương 42.000 USD ngày nay). Sau đó, họ cử ông đi làm việc. Như vậy, Garcia đã bước đầu chiếm được lòng tin của người Đức.
Kỳ cuối: Đóng góp lớn của Garbo