Trước âm mưu đó, ngày 2/7/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Đại đội 8 công binh, có nhiệm vụ nòng cốt, tổ chức huấn luyện cho các đơn vị trong và ngoài Quân chủng rà phá tháo gỡ thủy lôi khi địch phong tỏa.
Nhiệm vụ mới, quyết tâm caoTìm cách vô hiệu hóa thủy lôi là nhiệm vụ hết sức mới mẻ, một thách thức vô cùng to lớn đối với quân và dân ta. Việc nghiên cứu huấn luyện cũng chỉ dựa vào những quả thủy lôi huấn luyện của Liên Xô viện trợ.
Cựu chiến binh Trương Thế Hùng (bên trái) kể về quá trình tháo quả thủy lôi đầu tiên bằng phương tiện thô sơ là chiếc mỏ lết. |
Đêm ngày 26/2/1967, máy bay Mỹ tiến hành thả thủy lôi phong tỏa các cửa sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Nhật Lệ thuộc địa bàn Quân khu 4. Sau khi nhận được thông tin địch thả thủy lôi, Bộ Tư lệnh (BTL) Hải quân đã lệnh cho Đại đội 8 công binh cử ngay một tổ gồm có tôi (Trương Thế Hùng), đồng chí Kỳ, đồng chí Hoài vào Khu 4 trực tiếp nắm tình hình đồng thời làm nhiệm vụ tiền trạm để chuẩn bị đưa lực lượng của đơn vị vào.
Đầu tháng 3, sau 2 ngày vào khảo sát tình hình ở sông Gianh, đoàn công tác trở lại Nghệ An để bàn cách tháo gỡ. Tuy là lần đầu tiên giáp mặt với thủy lôi Mỹ, nhưng sơ bộ đã xác định được đây là 2 quả thủy lôi chìm đáy không chạm nổ, một quả là thủy lôi cảm ứng từ MK-52 MODO, một quả thủy lôi âm thanh MK-50 MODO. Sơ bộ nhận xét: Thủy lôi sau khi vớt lên, vận chuyển bằng ô tô từ phà Gianh ra Nghệ An mà không kích nổ, chứng tỏ máy móc của thủy lôi không làm việc, còn thủy lôi có cài bộ phận chống tháo, hay có thuốc độc hay không, có thể hẹn giờ nổ tự hủy bất cứ lúc nào không là một ẩn số. Hơn nữa, tổ khảo sát cũng chưa có dụng cụ không nhiễm từ, cho nên việc tháo gỡ là vô cùng nguy hiểm.
Sau khi báo cáo tình hình trên với BTL Hải quân, tổ khảo sát được lệnh phải tìm cách tháo gỡ một cách nguyên vẹn để đem về nghiên cứu nắm được nguyên lý gây nổ của thủy lôi, còn tìm cách sản xuất phương tiện rà phá.
Ngày 16/3/1967, tổ khảo sát gồm 3 người đã sử dụng cờ lê, mỏ lết tháo gỡ 2 quả thủy lôi. Trong ngày hôm đó tổ đã tháo gỡ hoàn chỉnh 2 quả thủy lôi một cách an toàn. Hai quả thủy lôi trên đã được chở về Hải Phòng, bàn giao cho Xưởng thông tin 56 của Hải quân, đồng chí Khoái, Giám đốc Xưởng và đồng chí Đệ và tôi đã mổ xẻ nghiên cứu vẽ sơ đồ mạch điện tìm ra nguyên lý gây nổ của nó.
Từ tháng 6/1967 cho đến tháng 10/1967, đế quốc Mỹ dùng bom từ trường MK-42 thả xuống các cửa sông, bến phà, bến cảng ven biển lớn nhỏ từ cửa sông Văn Úc (Hải Phòng) đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Đặc biệt khu vực xung quanh thành phố Hải Phòng, máy bay địch ném bom phá sập cầu Rào, cầu Niệm, cầu Quay (cầu xe lửa) cầu Treo (cầu Thượng Lý), đồng thời thả bom từ trường xuống dưới lòng sông, cửa sông, bến phà xung quanh thành phố.
Thực hiện mệnh lệnh của BTL Hải quân, Đại đội 8 đã phối hợp với các lực lượng tiến hành lặn mò phát hiện, rà phá thủy lôi bom từ trường, bảo đảm an toàn cho các luồng lạch được lưu thông. Bằng những phương tiện thô sơ như tấm tôn, thùng phuy, phao bia, bè nam châm, khung giây, phần lớn chỉ là những thứ tận dụng có tại chỗ, ngày 16/10/1967 tôi đã trực tiếp chỉ huy đồng chí Hoài và Tấn chiến sỹ Đại đội 8 đã tháo gỡ thành công quả bom từ trường nguyên vẹn đầu tiên đã bàn giao cho Tổng cục Kỹ thuật.
“Đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi”Cùng với tiến hành rà phá bằng phương phàp thủ công, Đội 8 công binh đã phối hợp với phòng sửa chữa tàu của Cục Hậu cần Hải quân và Trạm sửa chữa của Cục đường biển nghiên cứu chế tạo phương tiện phóng từ H.DL-9. Tháng 4/1968, Đội 8 đã rà phá thực nghiệm ở khu vực sông Hải Phòng, kết quả phá nổ được 18 quả bom từ trường. Đến tháng 5/1968, đồng chí Bích X46 Hải quân cùng cán bộ Đội 8 nghiên cứu chế tạo máy phóng từ HT-5, được cải tiến kết cấu gọn nhẹ hơn có thể lắp trên xuồng có máy đẩy hoặc ca nô.
Sau ngày 31/10/1968, Mỹ phải ngừng hoàn toàn đánh phá miền Bắc, Đại đội 8 được trang bị thêm thêm phân đội ca nô phóng từ KCN. Với phương tiện mới được trang bị cùng với máy phóng từ HT-5, chúng tôi đã tham gia chiến dịch VT-5 mở thông luồng từ cửa Gianh - bến phà Xuân Sơn, Cửa Hội vào cảng Bến Thủy, Cửa Lò, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, Nhật Lệ để tàu vận tải Đoàn 125 Hải quân vận chuyển hàng hóa vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ đã dùng không quân và hải quân đánh phá trở lại miền Bắc. Trước hành động leo thang của địch, Bộ Quốc phòng đã nhận định trước sau địch sẽ lại dùng thủy lôi phong tỏa sông biển của ta. Ngày 3/5/1972, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho BTL Hải quân chủ động phối hợp với các quân khu, quân binh chủng, chính quyền các địa phương ven biển tích cực chủ động chuẩn bị thực hiện việc chống phong tỏa, tổ chức quan sát ven biển, ven sông lớn, sẵn sàng tiến hành rà phá thủy lôi khi địch phong tỏa bảo đảm kịp thời khai thông luồng lạch sông biển.
Với tinh thần quyết tâm “đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi” cán bộ chiến sỹ các đơn vị HQ luôn thể hiện ý chí kiên cường, dũng cảm, bám sát hiện trường rà phá, mò vớt thủy lôi. Đến tháng 9/1972, Quân chủng Hải quân đã huy động 87 lượt tàu tháo gỡ, rà phá được hàng trăm quả thủy lôi, bom từ trường. Ngày 13/9, luồng Sông Tranh-Lạch Huyện được khai thông, tiếp đến là luồng Cửa Cấm- Đồ Sơn, bảo đảm an toàn cho các tuyến vận chuyển than, hàng hóa Hải Phòng - Quảng Ninh. Sau ngày 31/10/1972, khai thông luồng Cửa Hội, Bến Thủy và luồng Sông Gianh-Bến phà Xuân Sơn. Ngày 18/1/1973, Hải quân đã phối hợp với các lực lượng Cục Vận tải đường biển, tổ chức rà quét khai thông luồng cửa Nam Triệu vào cảng Hải Phòng.
Thắng lợi của việc rà phá thủy lôi ở khu vực Hải Phòng và các vùng sông biển khác miền Bắc đã góp phần đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ cùng với chiến thắng của quân dân ta trên chiến trường miền Nam đã buộc Mỹ chấp nhận sự thất bại nhục nhã, buộc chúng quay lại bàn đàm phán, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris.
(Theo lời kể của ông Trương Thế Hùng, Nguyên đội trưởng Đại đội 8 công binh Hải quân)