Đó là một đêm trời trong, se lạnh vào tháng 4. Con tàu lớn nhất từng di chuyển trên mặt biển có chiều dài 243m, trọng lượng choán nước 45.000 tấn, được coi là không thể chìm, đang lướt trên mặt đại dương với khoảng 2.500 hành khách đang ngủ yên lành.
Sau đó, đột nhiên tàu va phải một tảng băng trôi ở mạn phải khi đang di chuyển với tốc độ 25 hải lý/giờ. Con tàu cách Newfoundland 400 hải lý. Con tàu chìm nhanh chóng và do không đủ số lượng xuồng cứu sinh nên phần lớn hành khách đã chìm cùng con tàu.
Câu chuyện nghe có vẻ quen thuộc với bất kỳ ai dù họ chỉ biết chút ít về con tàu Titanic. Tuy nhiên, đây không phải là một mô tả về những gì đã xảy ra với Titanic.
Đây thực sự là cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết có tựa đề “The Wreck of the Titan: Or, Futility” (Tạm dịch: Vụ đắm tàu Titan: Hay sự phù phiếm) được phát hành 14 năm trước khi Titanic ra khơi.
Năm 1898, một tác giả tên là Morgan Robertson đã viết cuốn tiểu thuyết nói trên, kể về một người đàn ông tên là John Rowland, một cựu sĩ quan Hải quân nghiện rượu và thất bại, nhận một công việc trên tàu Titan, con tàu lớn nhất thế giới. Robertson mô tả đây là tàu “không thể chìm” và là “một trong những công trình vĩ đại nhất của con người”. Titan va phải một tảng băng trôi trên hành trình di chuyển, chìm xuống và trở thành một trong những thảm kịch lớn nhất thế giới.
Câu chuyện này gần như có thể kể lại chính xác thảm kịch Titanic, nếu không đề ngày phát hành. Trên thực tế, đó là điều khiến cuốn sách trở nên kỳ lạ hơn.
Sự tương đồng giữa Titan và Titanic không chỉ nằm ở cái tên và một tảng băng trôi. Chiều dài của chúng cũng gần giống nhau. Chiều dài của con tàu khổng lồ trong truyện là 243m, Titanic dài 286m. Tốc độ mà con tàu Titan lao vào tảng băng trôi là 25 hải lý/giờ. Tốc độ của Titanic khi đó là 22,5 hải lý/giờ. Titan đã chở 2.500 hành khách. Titanic chở 2.200, mặc dù cả hai đều có sức chứa 3.000 người.
Cả hai con tàu đều thuộc sở hữu của Anh. Cả hai con tàu đều bị va vào tảng băng trôi ở mũi phải vào khoảng nửa đêm. Cả hai đều chìm ở Bắc Đại Tây Dương cách Newfoundland đúng 400 hải lý. Cả hai đều thiếu xuồng cứu sinh trầm trọng: Titan có 24 chiếc và Titanic chỉ có 20 chiếc. Cả hai đều có ba chân vịt.
Mặc dù có một vài sự khác biệt, nhưng rất ít. Ví dụ, vụ chìm tàu Titan chỉ để lại 13 người sống sót, trong khi tàu Titanic còn lại 705 người. Tàu Titan bị lật trước khi chìm, còn tàu Titanic bị tách thành hai phần.
Anh hùng trên tàu Titan là John cũng giết một con gấu bắc cực sống trên tảng băng trôi liên quan. Điều mà các hành khách của tàu Titanic có lẽ không có thời gian để thực hiện.
Sau thảm kịch Titanic, tác giả Robertson thậm chí còn bị cho là thày bói vì tác phẩm của ông giống nhau đến khó tin với sự việc xảy ra ngoài đời thực. Xét cho cùng, khả năng ai đó viết một cuốn sách giống với một bi kịch thậm chí còn chưa xảy ra gần như là không thể.
Có 106 triệu mét vuông Đại Tây Dương mà tác giả Robertson có thể chọn làm vị trí cho con tàu Titan chìm trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhưng ông lại chọn đúng vị trí chìm của Titanic. Có rất nhiều lý do khiến một con tàu có thể chìm nhưng lý do trong truyện lại là một tảng băng trôi.
Tuy nhiên, ông Robertson cho rằng những điểm tương đồng là do ông có kiến thức sâu rộng về đóng tàu và nghiên cứu về các xu hướng hàng hải, mà khi xem xét, có thể giải thích những điểm tương đồng kỳ lạ.
Vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, tàu biển là một trong những cách thuận tiện nhất để đi lại, cũng như là một trong những phương tiện phổ biến nhất. Các công ty như White Star Line đã quảng cáo các con tàu của mình là những khách sạn nổi hạng nhất và hứa hẹn về tốc độ và sự an toàn với tất cả những tiện nghi xa xỉ như khi ở trên đất liền.
Robertson là con trai của một thuyền trưởng và làm nghề bồi tàu khi còn bé, sau đó trở thành phó thuyền trưởng trên một con tàu buôn. Không có gì ngạc nhiên khi ông lấy cảm hứng từ vô số câu chuyện mà ông nghe được về những con tàu sang trọng và kiến thức riêng về hoạt động bên trong của những con tàu.
Cũng có thể dễ dàng giải thích tại sao tuyến đường mà Titan đi lại trùng với đường của Titanic. Đó là con đường nhanh nhất và trực tiếp nhất từ Anh đến New York. Không có gì ngạc nhiên khi cả Titan và Titanic đều chọn con đường này.
Những điểm tương đồng giữa truyện về Titan và Titanic đã làm dấy lên vô số thuyết âm mưu trong những năm qua. Một số người theo thuyết âm mưu tin rằng con tàu Titanic đã bị cố tình đánh chìm để tránh việc thành lập Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Những người khác tin rằng nó đã bị nguyền rủa do White Star Line không đặt tên thánh cho tàu của mình.
Mặc dù các thuyết âm mưu có thể không trụ vững, nhưng không thể bỏ qua những điểm tương đồng giữa tàu Titan và Titanic. Người ta cũng không thể không tự hỏi tại sao tác giả Robertson lại có thể dự đoán được thảm họa hàng hải nổi tiếng nhất thế giới.
Về vụ tàu lặn cũng tên Titan vừa phát nổ khi thám hiểm xác tàu Titanic mới đây, người ta cũng tìm ra những điểm tương đồng của con tàu xấu số này với Titanic.
Ngoài tương đồng về cái tên, hai tàu này còn từng nhận được cảnh báo tương tự nhau. Cụ thể, thuyền trưởng tàu Titanic đã được cảnh báo về vùng biển có nhiều tảng băng trôi, nhưng ông vẫn quyết định để tàu chạy hết tốc độ trong một đêm không có trăng.
Trong khi đó, một số nhân vật đam mê lặn biển bằng tàu lặn cũng từng viết thư cảnh báo gửi tới OceanGate – công ty sở hữu và vận hành tàu lặn Titan. Họ đã cảnh báo rằng những gì mà công ty này đang làm là rất mạo hiểm nhưng công ty vẫn làm dịch vụ đưa khách khám phá xác tàu Titanic.
Điều nữa là cả tàu Titanic và tàu ngầm Titan đều gặp nạn ở cùng một vùng địa điểm. Một số người cho rằng 5 người trên tàu Titan thiệt mạng cũng chính là nạn nhân của vụ đắm tàu Titanic năm xưa.
Ngoài ra, người ta đã phát hiện ra mối liên hệ họ hàng giữa hành khách trên Titanic và tàu lặn Titan. Bà Wendy Rush - vợ của ông Stockton Rush, Giám đốc điều hành OceanGate và là người có mặt trên tàu ngầm Titan - là cháu đời thứ 4 của một cặp vợ chồng thượng lưu từng có mặt trên khoang hạng nhất của tàu Titanic. Cặp vợ chồng đó là ông Isidor và bà Ida Straus - đã được khắc họa trong một cảnh phim Titanic.