Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết - Kỳ cuối

Thế giới trong sự mong manh


Cuộc chiến trên chiến trường giữa Nga và Grudia đã kết thúc sau khi hai bên đặt bút kí vào thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng còn quá sớm để nói về một chiến thắng cho bất cứ bên nào. Bởi sau chiến tranh, Mátxcơva chỉ có thể được công nhận là người chiến thắng nếu đưa Tbilixi trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình. Ngược lại, trong trường hợp Grudia gia nhập NATO, Nga lại trở thành kẻ đại bại. Khả năng thứ ba là hai bên duy trì trạng thái trước ngày 7/8, người hân hoan, không ai khác ngoài NATO mà cụ thể là Mỹ. Và hòa bình thế giới cũng có cơ hội đội vòng nguyệt quế nếu sau cuộc chiến tranh này, Tbilixi đi theo con đường trung lập.

 

Một người dân Nam Ossetia trước một khu phố ở thủ phủ Tskhinvali bị tàn phá khi quân đội Grudia tấn công vào đây.


Nhìn dưới góc độ quân sự và ngoại giao, cuộc chiến tại Nam Ossetia đã được ông Saakashvili chuẩn bị rất kỹ, từ việc tập trung lực lượng, tính toán thời điểm tấn công cũng như những biện pháp kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, kết quả dường như không được như Tbilixi mong muốn. Quân đội nước này đã không hoàn toàn kiểm soát được Nam Ossetia trước khi Nga can thiệp. Phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ và NATO, chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng thất bại trong việc đưa ra một nghị quyết về vấn đề Grudia. Ý đồ quốc tế hóa cuộc xung đột này của Tbilixi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Mátxcơva.

 

Rõ ràng, cuộc xung đột ở Nam Ossetia không đơn giản là một cuộc tranh chấp dân tộc nhỏ bé mang tính cục bộ. Phương Tây có thói quen làm mọi thứ trong khi người khác không có quyền. Bằng hành động vừa rồi, Nga đã chứng tỏ họ không có ý định tuân theo luật chơi do phương Tây áp đặt. Nga muốn sòng phẳng với Mỹ. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Grudia không chỉ làm khu vực Caucasus mất ổn định hơn, mà còn khiến quan hệ vốn đã nhiều căng thẳng giữa Nga, EU và Mỹ thụt lùi hàng chục năm. Đã có một số nhà phân tích đề cập tới sự trở lại của Chiến tranh Lạnh. Nhưng, phải thấy rằng, thế giới đã thay đổi, trở nên đa cực với các cường quốc toàn cầu đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự tái hiện của “bức màn thép” là không thể.

 

Đoàn xe quân sự của Nga từ Grudia rút về khu vực biên giới ngày 22/8.


Còn nhớ, sau sự kiện 11/9/2001, Nga đã giúp đỡ Mỹ rất nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng thay vì biết ơn và tìm cách trả ơn, Oasinhtơn tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông, đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát nách Nga, thúc giục các đồng minh châu Âu giúp đỡ và công nhận nền độc lập của Kosovo, tách khỏi Xécbia bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Nước cờ sai lầm của ông Saakashvili đã đem đến cho Mátxcơva một cơ hội tuyệt vời để sử dụng ngón đòn “dùng gậy ông đập lưng ông”. “Vở kịch Kosovo” đang được dàn dựng tại Nam Ossetia và Abkhazia, chỉ khác đạo diễn giờ đây là Nga chứ không phải Mỹ.

 

Ngày 17/2/2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Chương cuối trong quá trình tan rã của Liên bang Nam Tư cũ khép lại, nhưng lại là sự mở màn nguy hiểm cho một cuộc vẽ lại bản đồ thế giới của những thế lực lớn với những quốc gia không đủ sức tự vệ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Nga đã cảnh báo về tiền lệ Kosovo tại Nam Ossetia và Abkhazia. Quả thực, hơn nửa tháng sau cái ngày 17/2 đó, hai vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia thuộc Grudia đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận độc lập của họ. Ngày 21/8/2008, người dân Nam Ossetia và Abkhazia lại xuống đường ủng hộ đề nghị của lãnh đạo hai khu vực li khai này về việc yêu cầu Nga và cộng đồng quốc tế công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Sau Kosovo, Nam Ossetia và Abkhazia tiếp tục châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền tiêu cực ở nhiều nơi khác. Và thế là bức màn về thời kì mong manh nguy hiểm trong đời sống chính trị thế giới đã được vén lên. Một quyết định thiếu tính toán của các nhà lãnh đạo châu Âu, Mỹ hay Nga vào lúc này có thể gây nguy hại cho viễn cảnh hoà bình toàn cầu trong tương lai.



Minh Thành (Tổng hợp)

Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết  - Kỳ 3
Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết - Kỳ 3

Một ngày sau khi quyết định tham chiến, các đơn vị chiến thuật của Nga đã hoàn toàn giải phóng thành phố Tskhinvali (thủ phủ của tỉnh Nam Ossetia) khỏi tay quân đội Grudia. Trong cuộc xung đột với Grudia ở Nam Ossetia, quân đội Nga đã thể hiện một diện mạo mới, khiến người Mỹ phải kinh ngạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN