Kỳ 2: Tại sao Mỹ không can dự quân sự trực tiếp để hỗ trợ Grudia?
Mỹ rất muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Caucasus để biến khu vực này thành bàn đạp sát sườn chĩa vào Nga. Điều đó giải thích vì sao Oasinhtơn lại ủng hộ việc thành lập một lực lượng quân sự nước ngoài làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Caucasus. Bản thân tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili cũng đã rất hy vọng vào việc Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào cuộc chiến giữa họ với nước láng giềng khổng lồ, Nga, thậm chí còn coi nó là “bước ngoặt” của toàn bộ cuộc xung đột, nhất là trong việc bảo vệ các cảng biển và sân bay của nước này. Bởi giới chức chóp bu Nhà Trắng đã chẳng úp mở mà rằng Mỹ coi Grudia là bạn, Mỹ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia và Mỹ kiên quyết ủng hộ Grudia gia nhập NATO. Tuy nhiên, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách khá xa. Thực tế đã khiến ông Saakashvili thất vọng. Chính vì thế trong một lần phỏng vấn qua điện thoại gần đây, vị Tổng thống 41 tuổi này đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và cho rằng việc Oasinhtơn không cứu viện Grudia là một hành động vô cùng sai lầm.
Bản đồ chiến sự trong cuộc giao tranh Nga – Grudia. |
Đáng lý ra ông Saakashvili phải là người hiểu hơn ai hết lý do mình phải ngậm ngùi nhìn Crôatia và Anbani trở thành thành viên NATO vào tháng 4 vừa qua. Mỹ đã không khó để nhận ra những lợi ích to lớn từ lời đề nghị tăng cường hợp tác với NATO của Mátxcơva (tất nhiên kèm theo điều kiện tổ chức này không kết nạp thêm Ucraina và Grudia). Đó là việc NATO sẽ tiết kiệm hàng tỉ euro cho một cuộc chiến mà họ đang sa lầy do Nga cho mượn lãnh thổ cũng như vùng trời để vận chuyển vũ khí, trang bị hậu cần sang Ápganixtan. Không chỉ có vậy, Mátxcơva còn đưa ra dự án vốn có từ thời Nga hoàng là xây dựng đường hầm nối liền Nga với châu Mỹ qua eo biển Bêrinh. Công trình dự tính tiêu tốn 65 tỉ USD nếu được thực hiện thì cái giá chính trị đạt được thật khó đong đếm. Những lợi ích lớn đang gặp nhau và đương nhiên “chuyện nhỏ” Grudia sẽ bị yếu thế. Đấy là chưa kể những hậu quả khủng khiếp đối với cả Mỹ và thế giới nếu xảy ra đối đầu trực tiếp giữa hai quân đội hùng mạnh nhất hành tinh này.
Tổng thống Grudia Saakashvili (giữa) hoảng hốt được các vệ sĩ đưa đi trú ẩn ở thành phố Gori, khi có tin máy bay Nga chuẩn bị oanh kích ngày 11/8. |
Và thế là Oasinhtơn đã không gửi bất cứ một binh sĩ nào của mình đến Grudia. Tuy vậy Mỹ vẫn tố cáo Nga đã làm cho tình hình trở nên ngày càng căng thẳng với những “hành động gây hấn hung hăng và hiếu chiến”. Nhưng ai cũng hiểu ngoài mục đích hạ thấp hình ảnh Nga trên trường quốc tế, Mỹ lớn tiếng chẳng qua vì vai trò siêu cường quân sự duy nhất của họ đang bị thách thức nghiêm trọng khi Mátxcơva sử dụng vũ lực như một cách để giải quyết xung đột giống như Oasinhtơn. Ấy là chưa tính tới việc chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay đã trở nên thực dụng hơn nhiều. Mỹ đang cần Nga trong vấn đề hạt nhân Iran vốn được coi là ưu tiên số một của Oasinhtơn. Mỹ cũng rất bận rộn với việc chuẩn bị bầu cử tổng thống và chìm trong những khó khăn kinh tế do vỡ nợ tín dụng, lạm phát cao do giá dầu leo thang. Do vậy, Mỹ đã chọn cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường. Mỹ chỉ có thể tuyên bố hỗ trợ Grudia về chính trị và kinh tế mà không dám có những hành động về mặt quân sự, giống như cách họ có thể làm với Ucraina và các nước cộng hòa Bantích vốn đang khao khát hướng về phía Oasinhtơn.
Không can dự quân sự trực tiếp hỗ trợ Grudia trong cuộc chiến với Nga, nhưng với những gì đã và đang làm, Mỹ sẽ vẫn nỗ lực hết sức để bảo vệ chính quyền thân Oasinhtơn, duy trì vai trò ứng cử viên NATO của Grudia. Để khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tbilixi, người Mỹ cũng sẽ có mặt nhiều hơn ở Grudia và không loại trừ khả năng đó là những quân nhân mặc thường phục thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Có tin Mỹ đã cử 6 giáo viên quân sự, không mang vũ khí, không mặc quân phục đến Grudia trợ giúp việc huấn luyện kỹ năng tác chiến cho các quân nhân nước này. Nếu đúng như vậy, những nhân tố mới đã bắt đầu xuất hiện ở khu vực và nó sẽ khiến tình hình nơi đây đã nóng càng thêm nóng.
Hà Ngọc (tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Bốn sức mạnh quân sự mới của Nga