Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết

Tiếng súng giao tranh giữa Mátxcơva và Tbilixi đã tạm lắng khi ngày 16/8 vừa qua, Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, đặt bút kí vào thoả thuận ngừng bắn do Pháp làm trung gian, vốn đã có sẵn chữ kí của người đồng cấp phía Grudia, Mikhail Saakashvili. Trong khi những cuộc ngoại giao con thoi vẫn đang tiếp tục nhằm vãn hồi hoà bình ở khu vực Caucasus, bình tâm suy xét, người ta thấy cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và Grudia vừa qua hé lộ rất nhiều điều. Đó không chỉ là một “sai lầm chiến lược” của ông Saakashvili, mà còn là dịp để Mátxcơva phô diễn sức mạnh và làm xuất hiện những nhân tố mới trên bàn cờ Nga-phương Tây.

 

Kỳ 1: Hệ lụy từ một sai lầm chiến lược

 

Tbilixi đã tạo ra một sự bất ngờ khi quyết định mở màn một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm thu hồi vùng lãnh thổ li khai Nam Ossetia vào ngay đêm trước lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng chưa đầy ba ngày sau, với sự can thiệp quyết liệt của Nga, quân đội Grudia đã mất đi thế chủ động ban đầu, bị đánh bật khỏi những vị trí đã chiếm được, phải lùi sâu về tuyến sau. Đau đớn hơn, Tổng thống Mikhail Saakashvili, người muốn biến Tbilixi thành tiền đồn chống Nga ở châu Âu, lật đổ ảnh hưởng của Nga ở khu vực Caucasus bằng một cuộc chiến, lại phải chấp nhận những nguyên tắc xử lý xung đột Grudia-Nam Ossetia do Pari (trong vai trò trung gian hoà giải) và địch thủ - Mátxcơva - đưa ra.

 

 

Theo đó, quân đội Grudia phải trở lại vị trí trước giao tranh. Đồng thời, Tbilixi cũng bị tước đi biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc Mátxcơva đang cho cả thế giới thấy những gì mà Mỹ và EU áp dụng tại Kosovo sẽ được tái hiện ở Nam Ossetia và Abkhazia, kể cả việc tố cáo Grudia thực hiện chính sách thanh lọc sắc tộc, phá hoại thoả thuận hoà bình. Một khi quá trình thảo luận quốc tế về tương lai, cách thức bảo đảm an ninh cho Nam Ossetia và Abkhadia bắt đầu như theo thoả thuận ngừng bắn đã kí, không khó để người ta nhận thấy trong tương lai hai khu vực li khai này sẽ không còn là thực thể trong lòng Grudia nữa. Con đường mà Mátxcơva hướng tới cho Nam Ossetia và Abkhazia: hoặc nhập vào Nga hoặc độc lập đang đi đúng quỹ đạo của nó.

 

Ngược dòng thời gian, sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, Grudia hiểu rằng triển vọng lập lại sự toàn vẹn lãnh thổ của họ càng trở nên mù mịt. Tình thế buộc Tbilixi phải chọn cách hành động mạnh nhằm thu hút sự chú ý của các đồng minh phương Tây. Giới chức Grudia cũng coi mục tiêu xích lại gần hơn với NATO và tương lai gia nhập tổ chức quân sự này là một công cụ cho phép họ đảm bảo an ninh cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ lâu dài. Quan điểm này của Tbilixi được Oasinhtơn chia sẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp, phương Tây sẽ hỗ trợ Grudia bằng con đường quân sự. Trong thế giới mạnh vì khí đốt, bạo vì dầu mỏ này, không ai dại gây hấn với thế lực nắm quyền đóng van đường ống dẫn dầu dẫn khí như Nga.

 

Vừa đánh bại lực lượng đối lập vốn bị chia rẽ bởi các vấn đề nội bộ trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Grudia tháng 5 vừa qua, trên đà chiến thắng và với bản tính ưa mạo hiểm như chuyên gia hàng đầu về khu vực Caucasus, Jonathan Wheatley đánh giá, ông Saakashvili đã quyết định dấn thêm một bước trong việc thực hiện mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình: củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, đó là nước cờ sai lầm. Nó không chỉ làm hàng nghìn người dân ở Nam Ossetia và Grudia thiệt mạng, hàng chục vạn người khác phải ly tán, hàng trăm nghìn căn nhà bị phá hủy và bốc cháy, mà còn khiến đa số người dân ở Nam Ossetia, Abkhazia mất hy vọng vào một sự hoà giải với chính phủ Grudia, làm mục tiêu trên của ông Saakashvili càng trở nên xa vời.

 

Hình ảnh một ngôi nhà ở Tskhinvali bốc cháy trong cuộc giao tranh giữa Grudia và Nga tại Nam Ossetia.


Trong khi đó, bằng cách cắt đứt quyền kiểm soát của Grudia lên các vùng lãnh thổ khác nhau thuộc Nam Ossetia và Abkhazia, Mátxcơva hoàn toàn có thể biến cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Tbilixi thành một vết cứa vào giới chức phương Tây như cách họ đã làm với Nga trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999. Tuy nhiên, Mátxcơva cũng đang mắc phải sai lầm khi hành xử mạnh tay với Grudia. Bởi sau khi cuộc chiến tranh nổ ra, Grudia càng quyết tâm gia nhập NATO. Các nước vệ tinh thuộc Liên Xô cũ cũng đẩy nhanh quá trình tìm kiếm sự bảo trợ của Mỹ. Bằng chứng rõ nét nhất là trường hợp của Ba Lan. Đang “làm giá” với Oasinhtơn, chiến tranh Nga-Grudia nổ ra, Vácxava nhanh chóng đứng về phía phương Tây và chấp thuận ký, phê chuẩn thoả thuận phòng thủ tên lửa với Mỹ, cho phép Lầu Năm góc đặt 10 tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ trên lãnh thổ của mình. Không chỉ có vậy, Nga còn đứng trước nguy cơ bị ra khỏi G8, đình chỉ tư cách tham gia các cuộc họp chung với NATO và sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại hơn trên lộ trình đến với WTO.

 

Theo tin mới nhất, sau cuộc họp khẩn cấp tại Brúcxen (Bỉ) ngày 19/8, các quốc gia thành viên NATO tuyên bố họ không thể tiếp tục các mối quan hệ bình thường với Nga chừng nào quân đội của Mátxcơva vẫn có mặt tại Grudia. Tổng Thư ký NATO, Jaap de Hoop Scheffer, khẳng định mặc dù chưa có một chương trình hợp tác nào giữa Nga và NATO bị cắt bỏ, nhưng vấn đề này sẽ được đưa ra xem xét. Ông Scheffer cũng cho biết, các nước thành viên NATO đã đồng ý thành lập một ủy ban NATO-Grudia nhằm thắt chặt quan hệ giữa tổ chức quân sự này với Tbilixi.

 


Hà Ngọc (Tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ sau: Tại sao Mỹ không can dự quân sự trực tiếp để hỗ trợ Grudia?

Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết - Kỳ cuối
Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết - Kỳ cuối

Cuộc chiến trên chiến trường giữa Nga và Grudia đã kết thúc sau khi hai bên đặt bút kí vào thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng còn quá sớm để nói về một chiến thắng cho bất cứ bên nào. Bởi sau chiến tranh, Mátxcơva chỉ có thể được công nhận là người chiến thắng nếu đưa Tbilixi trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN