Kỳ cuối: Thách thức trong chống sốt rét
Cách điều trị truyền thống là dùng quinnie, loại thuốc làm từ vỏ cây canh-ki-na. Quinine là thuốc chống sốt rét hiệu quả và có ít tác dụng phụ, nếu có thì nhẹ. Do đó, đây là loại thuốc được Lục quân Mỹ ưu tiên dùng trong trị sốt rét.
Khi Thế chiến II xảy ra, nguồn cung quinine của thế giới phần lớn do Hà Lan kiểm soát. Đảo Java, một thuộc địa của Hà Lan, là nơi trồng canh-ki-na nhiều nhất thế giới nhờ có khí hậu nhiệt đới. Người trồng cây này thành lập Cục Kina ở Amsterdam để quyết định nguồn cung quinine và họ nắm thế độc quyền về loại hàng hóa quý giá này.
Do đó, khi Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan vào tháng 5/1940 và kiểm soát các nhà kho, cơ sở sản xuất thuốc này của Cục Kina, Đức độc quyền quyết định phân phối quinine. Khi quân Nhật chiếm đóng Java cùng với toàn bộ công ty Đông Ấn Hà Lan năm 1941, nguồn cung canh-ki-na thô cũng không còn. Mỹ và đồng minh không thể tiếp cận quinine cũng như nguyên liệu thô.
Khi mọi nguồn quinine tự nhiên đều nằm trong tay phe Trục, quân Đồng minh buộc phải chuyển sang các thuốc chống sốt rét khác. Nhờ một số nghiên cứu thuốc thay thế trong những 1920 và 1930 mà Mỹ có một số loại để lựa chọn, nhưng mỗi loại này đều có vấn đề, chủ yếu là do tác dụng phụ nặng.
Một loại thuốc thay thế là hợp chất chloroquine. Thuốc này rất hiệu quả trong chống ký sinh trùng gây sốt rét, khiến nó chết nhanh chóng trước khi có thể gây ra viêm nhiễm và các triệu chứng khác. Tuy nhiên, thuốc này lại độc đến mức không an toàn khi dùng cho người. Do đó, chloroquine bị bỏ qua, không được coi là thuốc thay thế quinine trong Lục quân. Thử nghiệm và nghiên cứu sau chiến tranh lại cho thấy chloroquine thực ra an toàn và hiệu quả ở người và thuốc này đã rất thành công. Tuy vậy, lúc này đã quá muộn để hỗ trợ binh sĩ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cuối cùng, Mỹ đã tìm ra được loại thay thế quinine trong Thế chiến II. Đó là một loại thuốc tổng hợp tên là quinacrine, có tên thương hiệu là Atabrine. Thuốc do các nhà khoa học Đức phát triển năm 1931. Mỹ và đồng minh không gặp vấn đề gì khi sản xuất Atabrine với số lượng lớn để hỗ trợ binh sĩ ở Thái Bình Dương trong chống sốt rét. Công ty hóa chất Winthrop đã nhanh chóng tăng tốc sản xuất, cung cấp gần 1,8 tỷ liều năm 1943 và 2,5 tỷ liều năm 1944. Thuốc này nhanh chóng được Lục quân Mỹ lựa chọn. Tuy nhiên, cung cấp cho binh sĩ đủ thuốc Atabrine không có nghĩa là họ sẽ dùng thuốc này vì tác dụng phụ rất kinh khủng như nôn mửa, đau đầu, tiêu chảy.
Khi Atabrine được đưa ra sử dụng rộng rãi lần đầu trong binh sĩ ở Guadalcanal, liều dùng khuyến nghị là 0,2 gram/ngày. Liều này đã khiến 20% thành viên Lữ đoàn Bộ binh 23 của Mỹ bị ốm vì tác dụng phụ, trong đó có cả chỉ huy lữ đoàn là Thiếu tướng Alexander M. Patch.
Liều lượng nhanh chóng được giảm xuống 0,05 gram/ngày, nhờ đó phần lớn binh sĩ dùng thuốc mà không bị tác dụng phụ. Dù vậy, khi những tác dụng phụ này xảy ra cùng với triệu chứng của một số bệnh nhiệt đới khác gây kiết lỵ, suy dinh dưỡng, nhiều binh sĩ đã không dùng thuốc theo khuyến nghị.
Ngoài ra, khi uống thuốc Atabrine, binh sĩ Mỹ còn gặp một tác dụng phụ lạ và khiến họ lo sợ: vàng da. Dù tác dụng phụ này không có hại và chỉ tạm thời, nhưng nó cũng đủ để khiến nhiều binh sĩ bỏ Atabrine. Trong một số trường hợp, Atabrine còn có thể gây vấn đề thần kinh như gặp nhiều ác mộng, lo lắng cao độ, thậm chí rối loạn tâm thần. May mắn là người ta đã phát hiện ra cách giảm tác dụng phụ bằng cách cho binh sĩ uống liều chính với hàm lượng cao và sau đó dùng liều duy trì hàng ngày hàm lượng thấp. Nhờ đó, dấu hiệu rối loạn tâm thần chỉ xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ người dùng Atabrine trong Thế chiến II.
Trong lúc đó, quân Nhật tìm cách phá hoại nỗ lực chống sốt rét của phía Mỹ. Chúng lan tin đồn rằng sử dụng Atabrine lâu dài có thể dẫn tới vô sinh. Mặc dù không đúng sự thật nhưng đây lại là một lý do nữa khiến binh sĩ Mỹ không uống liều Atabrine hàng ngày. Tin đồn mạnh tới mức quân y phải cử người phân phát thuốc Atabrine và theo dõi từng người uống thuốc. Mặc dù thuốc này hiệu quả nếu tuân thủ đúng liều dùng nhưng giữa chiến tranh, quên uống thuốc là điều dễ xảy ra.
Atabrine không phải là công cụ duy nhất mà Lục quân Mỹ dùng để chống sốt rét ở Thái Bình Dương. Do không ai có thể đảm bảo mọi binh sĩ đều uống thuốc đủ và đều nên cần phải có thêm biện pháp để giảm rủi ro lây nhiễm càng nhiều càng tốt. Một trong những công cụ quan trọng và hiệu quả nhất mà Lục quân Mỹ dùng để chống sốt rét là thuốc chống côn trùng DDT.
DDT được phát triển vào những năm 1870 nhưng đặc tính chống côn trùng mãi tới năm 1939 mới được nhà khoa học Thụy Sĩ Paul Mueller phát hiện. Năm 1942, tùy viên quân sự Mỹ ở Thụy Sĩ đã gửi mẫu thuốc chống côn trùng này và Lục quân Mỹ lập tức chú ý.
Từ năm 1943, Lục quân Mỹ bắt đầu dùng DDT dạng bột để bôi trực tiếp lên da binh sĩ và người tị nạn ở Italy – nơi dịch sốt trùng rận đang hoành hành. Cách điều trị này rất hiệu quả trong tiêu diệt loài rận gây bệnh. Loại bột DDT cũng được dùng ở Thái Bình Dương. Lục quân Mỹ sớm biết rằng DDT còn có thể chống lại sốt rét.
Thông thường, người ta dùng thuốc diệt côn trùng để phun lên tường nhà và sàn nhà ở những khu vực nhiều muỗi. Tuy nhiên, điểm trừ của thuốc diệt côn trùng những ngày đầu Thế chiến II là muỗi nhờn thuốc và phải phun hai tuần một lần. Trong khi đó, DDT lại có tác dụng lâu dài và chỉ cần sử dụng sáu tháng một lần. DDT có thể được trộn với dầu diesel hoặc dầu hỏa rồi xịt lên các khu vực có nước mà muỗi đẻ trứng.
Cuối Thế chiến II, Lục quân Mỹ đã có nhiều cách để phun xịt DDT như dùng bình xịt đeo trên lưng hoặc phun từ trên không. Tại thời điểm đó, Lục quân Mỹ coi sử dụng DDT trong chống sốt rét là thành công tuyệt đối. Sau chiến tranh mới xuất hiện nhiều lo ngại về sức khỏe và môi trường mà DDT gây ra.
Mỹ cũng phải mở mặt trận tấn công chống sốt rét dưới hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của binh sĩ. Chiến dịch thông tin tổng lực này tuyên truyền về việc dùng màn chống muỗi và thường xuyên uống Atabrine. Ngoài ra, cứ khi nào Lục quân dựng trại, họ sẽ cắm các tấm biển về kiểm soát sốt rét quanh đó.
Cuộc chiến chống sốt rét là cuộc chiến thường trực ở Thái Bình Dương và căn bệnh này ảnh hưởng tới cả hai bên. Cuối Thế chiến II, binh sĩ Nhật cũng bị lây nhiễm với tỷ lệ cao. Ước tính có thời điểm có tới 90% binh sĩ Nhật ở một số địa điểm không thể chiến đấu vì sốt rét và kiết lỵ. Tại Buna, nơi lực lượng Mỹ đã học bài học đắt giá về ảnh hưởng của sốt rét, quân Nhật cũng chật vật không kém. Sau cuộc chiến, bệnh viện phẫu thuật di động số 3 của Mỹ cho biết mọi tù binh Nhật mà họ tiếp nhận đều mắc sốt rét.
Tuy nhiên, hoàn toàn ngăn chặn sốt rét là chuyện bất khả thi. Tổng kết lại thì có từ 60-65% binh sĩ Mỹ ở Nam Thái Bình Dương mắc sốt rét ở một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, khi DDT được kết hợp sử dụng cùng Atabrie và các biện pháp chống muỗi khác, tỷ lệ mắc sốt rét có thể giảm tới 70% so với giai đoạn đầu Thế chiến II.
Nhờ nỗ lực tuyên truyền, nhờ nguồn cung thuốc diệt côn trùng và chống sốt rét mà Lục quân Mỹ có thể giảm thiểu tác động của sốt rét trong chiến tranh, đóng góp không nhỏ cho chiến thắng cuối cùng.
Kỳ 1: Sốt rét – Kẻ thù đáng sợ ở Thái Bình Dương