Cuba và Mỹ trên hành trình tìm kiếm sự “bình thường”

Những câu chuyện có đôi nét ly kỳ không hề thiếu trong lịch sử quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước láng giềng cùng tắm mình trong biển Caribe.

“Người đàm phán” (Bridge of Spies) - một trong những bộ phim đình đám nhất của mùa giải Oscar năm nay. Nội dung phim là 6 đề cử - đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng trên thế giới với câu chuyện trước đó vẫn chưa được nhiều người biết tới về luật sư James Donavan, người đã đàm phán thành công cuộc trao đổi tù binh trên cầu Berlin vào ngày 10/2/1962 giữa điệp viên Liên Xô Rudolf Abel, bị Mỹ bắt giữ, và phi công Mỹ Francis Gary Powers, bị Liên Xô bắn hạ khi bay vào không phận nước này thực hiện nhiệm vụ do thám.

Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) tại Panama.

Nhưng có một câu chuyện còn ít người biết hơn về James Donavan: chỉ vài tuần sau khi hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi” nói trên, ông lại được vị Tổng chưởng lý đầy quyền lực Robert F.Kennedy, em trai của Tổng thống đương nhiệm lúc đó John F.Kennedy, tuyển mộ để thực hiện một nhiệm vụ còn kịch tích hơn và cũng hoàn toàn xứng đáng trở thành kịch bản cho một tác phẩm bom tấn Hollywood khác. Đó là đàm phán bí mật với Chính phủ Cuba về việc trả tự do cho 1.113 tù binh của các nhóm lưu vong do Mỹ hậu thuẫn đã bị lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đánh bại hoàn toàn trên bãi biển Girón vào tháng 4/1961.

Theo các tài liệu vừa được Nhà trắng và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải mật ngày 26/2, nhiệm vụ mang tên “Dự án Nhân đạo” (Project Mercy) của Donavan bắt đầu bằng các cuộc tiếp xúc khơi mào vào dịp Giáng sinh năm 1962 và sau đó là các cuộc đàm phán trực diện tại La Habana từ tháng 1 đến tháng 4/1963. Trong thời gian này, Donavan từng báo cáo với CIA rằng trợ lý chính của Tổng tư lệnh Fidel Castro (khi đó đang giữ cương vị Thủ tướng) đã “đề cập tới vấn đề tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ”. Còn trong bản bị vong lục xếp loại “tuyệt mật” ngày 4/3/1963 của Nhà trắng mới được giải mật, Cố vấn An ninh quốc gia khi đó McGeorge Bundy từng báo cáo rằng “bản thân Tổng thống (John F.Kennedy) rất quan tâm tới vấn đề tái lập quan hệ với Cuba”. Kết quả là Cuba đã thả số tù binh trên và trục xuất về Mỹ, nhưng hai bên đã không thể tiến xa hơn trong cuộc trao đổi có thể là đầu tiên về tái thiết lập quan hệ ngoại giao do lập trường quá khác biệt.

Những câu chuyện có đôi nét ly kỳ như vừa nêu không hề thiếu trong lịch sử quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước láng giềng cùng tắm mình trong biển Caribe, cách nhau chưa đầy 160km, chia sẻ nhiều đặc điểm lịch sử và sở thích văn hóa, nghệ thuật, thể thao và thậm chí cùng sử dụng 3 sắc mầu xanh lam, trắng và đỏ cho quốc kỳ của mình. Điều mà Cuba và Mỹ còn thiếu trong quan hệ của mình cho tới nay, đáng tiếc thay, lại là những câu chuyện “bình thường”.

Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Cuba và Mỹ trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương hồi tháng 1/2015 tại La Habana.

Các nhà sử học Cuba khẳng định rằng cho tới nay đảo quốc Caribe này chưa bao giờ có quan hệ bình thường với Mỹ, vì trước khi Cách mạng thành công năm 1959, dù hai nước có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng bản chất quan hệ song phương lại mang tính phụ thuộc “thực dân kiểu mới”, và không ít đồng nghiệp Mỹ của họ cũng chia sẻ quan điểm đó. Tương tự, cho tới nay mới chỉ có một Tổng thống Mỹ từng tới Cuba khi đương chức, đó là ông Calvin Coolidge vào năm 1928, nhưng đó cũng không phải là một hoạt động song phương chính thức mà chỉ là khi La Habana đăng cai Hội nghị Toàn châu Mỹ lần thứ VI. Thậm chí ông chủ Nhà trắng khi đó còn tới và rời La Habana trên một chiếc tầu chiến, và chính quyền của nhà độc tài Cuba Gerardo Machado còn tận dụng ưu thế chủ nhà để ngăn cản hội nghị thông qua một nghị quyết phản đối sự can thiệp quân sự của Washington vào một quốc gia khác tại châu lục này.

Không còn sự phụ thuộc như chuyến thăm năm 1928, chuyến công du Cuba từ 20 - 22/3 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không dựa trên một “quan hệ hữu nghị” như thông lệ ngoại giao, khi hai bên vẫn nhấn mạnh tới những khác biệt lớn còn tồn tại bất chấp những bước cải thiện không ngừng trong thời gian qua. Bản thân Tổng thống Obama, với quan điểm rất tích cực trong quan hệ với Cuba so với những người tiền nhiệm, vẫn công khai tuyên bố rằng chính sách mới của ông đối với đảo quốc Caribe này không phải là sự thay đổi về mục đích mà chỉ là thay đổi về cách thức tiến hành, để phù hợp hơn với quan điểm rằng Mỹ phải vận dụng vị thế “siêu cường” của mình một cách “thông minh”. Về phần mình, trong mọi phát ngôn chính thức Chính phủ Cuba đều nhấn mạnh không từ bỏ bất cứ lý tưởng hay nguyên tắc cách mạng nào mà nhân dân Cuba đã hi sinh quá nhiều để xây dựng và giữ vững.

Công bằng mà nói, hai bên đã đều bày tỏ thiện chí trước chuyến công du được chờ đợi này: chỉ 5 ngày trước khi Tổng thống Obama tới Hòn đảo Tự do, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ đã công bố gói biện pháp nới lỏng cấm vận mới, trong đó có hai biện pháp quan trọng nhất là xóa bỏ trừng phạt các tổ chức tài chính quốc tế giao dịch bằng đồng USD với Chính phủ Cuba và cho phép công dân Mỹ được tới Cuba theo tư cách cá nhân mà không phải đi theo nhóm như hiện tại. Đây chính là các biện pháp có tác dụng thực tế lớn nhất trong số các đợt “nới lỏng cấm vận” của chính quyền Mỹ với Cuba từ hơn 1 năm qua. Cuba cũng đáp lễ không chậm trễ với tuyên bố của Ngoại trưởng Bruno Rodríguez, trong đó thừa nhận tính tích cực của các biện pháp trên, đồng thời tuyên bố bãi bỏ mức phạt chiết khấu 10% đánh vào đồng USD trong hoạt động trao đổi hối đoái tiền mặt trong lãnh thổ Cuba – một trong số rất ít các biện pháp mà La Habana áp dụng để đáp trả chính sách bao vây cấm vận rộng lớn của Washington.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng thực tiễn của những bước đi vừa nêu, nhưng có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất của chuyến thăm sắp tới của ông Obama chính là việc mở ra một tiền lệ mang tính khuôn mẫu cho một mối quan hệ song phương đang trong quá trình bình thường hóa. Chính vì thế, điều mà những nhà quan sát thiện chí nhất đang chờ đợi là việc chuyến thăm này, cũng như chuyến thăm Mỹ trong tương lai của Chủ tịch Cuba Raúl Castro theo nguyên tắc có đi có lại, sẽ diễn ra một cách hoàn toàn “bình thường”, để hai bên có thể tiếp tục hướng tới một mối quan hệ lành mạnh, bình đẳng, “cùng chung sống bất chấp khác biệt” như đã nhiều lần tuyên bố.
Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)
Mỹ tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Cuba của ông Obama
Mỹ tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Cuba của ông Obama

Ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với các lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, bao gồm giới xã hội dân sự, tôn giáo, các công ty tư nhân tại Nhà Trắng để thảo luận về chuyến thăm Cuba sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN