Con đường sự nghiệp gây tranh cãi của sáng lập viên Telegram - Kỳ cuối

Vụ bắt giữ sáng lập viên Telegram đã gây chấn động giới công nghệ thế giới và gây tranh cãi giữa nhiều bên.

Kỳ cuối: Vụ bắt giữ gây tranh cãi

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa vụ bắt giữ ông Durov. Ảnh: bitcoinist.com

Tối 24/8 (giờ địa phương), nhà sáng lập Telegram, tỷ phú Pavel Durov, đã bất ngờ bị tạm giữ tại Pháp. Vụ việc này gây tranh cãi mạnh mẽ trên thế giới.

Ông Durov bị tạm giữ tại sân bay Le Bourget khi đang đi cùng bạn gái và một vệ sĩ. Các kênh TF1 TV và BFM TV (Pháp) dẫn các nguồn giấu tên cho biết ông Durov bị bắt để phục vụ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát tập trung vào việc trang mạng Telegram thiếu các biện pháp kiểm duyệt.

Giới chức Pháp đang phản pháo lại những cáo buộc cho rằng vụ bắt giữ ông Durov là mang động cơ chính trị. Ngày 27/8, Công tố viên thủ đô Paris của Pháp, bà Laure Beccuau, thông báo ông Durov bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự. Bà cho biết vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp bắt đầu từ ngày 8/7, tiếp sau cuộc điều tra do đơn vị chống tội phạm mạng thuộc Văn phòng Công tố Paris khởi xướng.

Cuộc điều tra này liên quan đến các cáo buộc về các giao dịch bất hợp pháp, tàng trữ hoặc cung cấp hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên… Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng điều tra xung quanh hành vi từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện các hoạt động giám sát hợp pháp.

Bà Beccuau cũng lưu ý rằng việc giam giữ ông Durov có thể kéo dài tới 96 giờ kể từ ngày 24/8, theo thủ tục áp dụng đối với tội phạm có tổ chức. Khi thời gian thẩm vấn đầu tiên kết thúc, ông Durov có thể được trả tự do hoặc bị buộc tội danh và tiếp tục bị giam giữ. Tới ngày 27/8, công tố viên Paris xác nhận ông Durov sẽ bị giam giữ thêm tối đa 48 giờ trong cuộc điều tra tội phạm mạng.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phủ nhận việc bắt giữ ông Durov mang động cơ chính trị, nhấn mạnh việc đưa ra phán quyết vụ án tùy thuộc vào các thẩm phán điều tra.

Vào ngày 26/8, hãng tin TASS đưa tin người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga chưa nắm rõ cáo buộc cụ thể nào đối với tỷ phú Durov hiện đang bị giam giữ tại Pháp. Quan chức Nga cho rằng không nên vội đưa ra kết luận trước khi ông Durov bị khép tội. Đại sứ quán Nga tại Pháp đang thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ quyền của tỷ phú Durov và tìm cách tiếp cận lãnh sự với ông, nhưng cho đến nay phía Pháp vẫn tránh tham gia vào vấn đề này.

Một ngày sau đó, ông Peskov tuyên bố: "Vì ông Durov có quốc tịch Nga, chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên, tình hình phức tạp hơn do ông ấy cũng là công dân Pháp". Ông Peskov nhấn mạnh: "Những cáo buộc rất nghiêm trọng và cần có bằng chứng xác đáng. Nếu không, đây sẽ là nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do liên lạc và đe dọa người đứng đầu một công ty lớn".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết Moskva sẽ theo dõi phản ứng của các tổ chức quốc tế về vụ bắt ông Durov. Phát biểu trên kênh tin tức Rossiya 24, bà Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi sẽ xem xét thái độ và phản ứng của các tổ chức quốc tế, trong những trường hợp khác đã gây áp lực chính trị, thông tin và tâm lý lên đất nước chúng tôi, công việc của chúng tôi. Chúng tôi thực sự muốn chứng kiến và chúng tôi sẽ theo dõi mức độ thận trọng mà họ sẽ thể hiện trong quá trình bảo vệ nhân quyền và quyền tự do ngôn luận”.

Khi được hỏi liệu Nga có nhờ đến các tổ chức quốc tế nếu thời gian giam giữ ông Durov kéo dài hay không, bà Zakharova cho biết luật sư của nhà sáng lập Telegram sẽ thảo luận về những bước đi cần thiết.

Liên quan tới vụ việc này, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) thông báo đã nắm được thông tin về vụ bắt giữ tỷ phú Pavel Durov nhưng hiện chưa thể đưa ra bình luận. Trong thông báo, OHCHR nêu rõ: “Ở giai đoạn điều tra này, chúng tôi không có đủ thông tin và sẽ còn quá sớm để chúng tôi đưa ra bình luận”.

Trong khi đó, ông Adrian McRae - Ủy viên Hội đồng thành phố Port Hedland (Australia) - trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti của Nga ngày 25/8 rằng, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã yêu cầu bắt giữ nhà sáng lập Telegram tại Pháp với hy vọng có được quyền truy cập gián tiếp vào ứng dụng nhắn tin phổ biến này và cuối cùng là truy cập thông tin được chia sẻ trực tuyến về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Ông McRae, nhân vật ủng hộ nhiệt thành nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, bày tỏ: “Chúng ta hãy hy vọng ông ấy mạnh mẽ như Assange và không khuất phục trước những áp lực có thể phải đối mặt trong những ngày và tuần tới”.

Ngày 26/8, Giám đốc điều hành (CEO) nền tảng video trực tuyến Rumble, Chris Pavlovski, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vụ bắt giữ ông Durov. Trên mạng xã hội X, ông Pavlovski tuyên bố: "Pháp đã đe dọa Rumble và hiện đã vượt qua ranh giới đỏ khi bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov, được cho là vì không kiểm duyệt nội dung. Rumble sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Hiện tại chúng tôi đang đấu tranh tại tòa án Pháp và chúng tôi hy vọng Pavel Durov sẽ được trả tự do ngay lập tức". Ông Pavlovski nói thêm bản thân mình đã rời khỏi châu Âu sau khi thông tin ông Durov bị bắt được công bố.

Việc bắt giữ ông Durov đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Telegram. Thời gian tới, các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ việc này sẽ là tâm điểm chú ý, nhất là các cáo buộc đối với ông Durov và phản ứng của ông.

Trong bối cảnh này, các hoạt động hàng ngày của Telegram có thể gặp gián đoạn và công ty này có thể cần nhân sự lãnh đạo tạm thời. Những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng cũng có thể tăng lên, buộc Telegram phải giải quyết những vấn đề này để duy trì niềm tin của người dùng.

Dự báo sẽ có nhiều giám sát pháp lý trên toàn thế giới và khả năng sẽ có nhiều nỗ lực mới nhằm quản lý Telegram. Các chính sách điều tiết nội dung có thể được thắt chặt nếu vụ bắt giữ nói trên liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên Telegram.

Trong các trường hợp cực đoan, thậm chí có thể nảy sinh các câu hỏi về quyền sở hữu và kiểm soát của Telegram nếu ông Durov gặp phải những rắc rối pháp lý lâu dài. Tương lai của Telegram sẽ phụ thuộc nhiều vào các cáo buộc cụ thể và phản ứng của các bên liên quan.

Việc bắt giữ ông Durov là một sự kiện địa chấn trong giới công nghệ. Diễn biến này cho thấy những thách thức mà các nền tảng trên toàn cầu đang phải đối mặt. Quyền riêng tư, bảo mật và vai trò của công nghệ trong thế giới kết nối giờ đây đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Telegram đặc biệt phổ biến trong những khoảng thời gian khủng hoảng. Ví dụ, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, người dân Ukraine bắt đầu dành thời gian trên Telegram gấp tám lần so với trước đó. Ứng dụng này trở thành một công cụ quan trọng để chia sẻ tin tức, phối hợp các nỗ lực tình nguyện và thậm chí cảnh báo về các cuộc không kích ở những khu vực không thể nghe thấy còi báo động.

Số lượt tải xuống ứng dụng Telegram trên App Store đã tăng ở Pháp và Mỹ. Cổng thông tin TechCrunch trích dẫn dữ liệu từ các công ty phân tích cho biết tại Pháp, ứng dụng này đã vươn lên vị trí số 1 trong danh mục các mạng xã hội trên App Store được tải xuống và lên vị trí thứ 3 trong số tất cả các ứng dụng. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ, không bao gồm trò chơi, Telegram đã tăng từ vị trí thứ 18 lên vị trí thứ 8. Theo công ty phân tích Sensor Tower, số lượt tải ứng dụng Telegram xuống các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS trên toàn thế giới đã tăng 4% chỉ trong một ngày (ngày 25/8).
Thùy Dương/Báo Tin tức
CEO của Telegram đối mặt với 12 cáo buộc hình sự tại Pháp
CEO của Telegram đối mặt với 12 cáo buộc hình sự tại Pháp

Giới chức Pháp đang phản pháo lại những cáo buộc cho rằng vụ bắt giữ Giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram vào cuối tuần qua là mang động cơ chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN