Chuyện tình kỳ lạ tại trại tập trung tử thần Auschwitz - Kỳ 1

Tại trại tập trung Auschwitz khét tiếng ở Ba Lan, không ai có thể ngờ tình yêu lại nảy nở được ở nơi tàn bạo này. Thế nhưng, đã có một chuyện tình kỳ lạ giữa nữ tù nhân và lính gác. Câu chuyện tình với những tình tiết bất ngờ được tái hiện trong một bộ phim tài liệu.

Kỳ 1: Mối tình ngang trái giữa tù nhân và lính gác

Trong bức ảnh chụp tại trại tập trung tử thần Auschwitz, Helena Citronova trông khác biệt: Cô nở nụ cười tươi chứ không nhe răng lo lắng như những bạn tù khác đang sợ làm phật lòng tay lính Đức Quốc xã đang cầm máy ảnh. Nụ cười của Helena trông hạnh phúc thực sự, làm sáng lên khuôn mặt có đôi má đỏ hồng, không có dấu vết của tình trạng đói ăn, tàn bạo trong trại giam.

Chú thích ảnh
Helena cười tươi trong bộ đồng phục tù nhân. Ảnh: Dailymail

Thực ra, Helena không cười trước ống kính mà cười với người đang cầm máy ảnh: Unterscharfuhrer Franz Wunsch, người yêu của cô. 80 năm sau, cô con gái tên Magda của Wunsch xác nhận: “Đúng vậy, bà ấy là tình yêu của cuộc đời ông. Tôi biết bố tôi trân quý bức ảnh đó. Ông ấy chụp đi chụp lại bức ảnh đó. Ông ấy sao chép bức ảnh và thậm chí còn cắt phần đầu ra để ghép với các loại quần áo khác nhau, bối cảnh khác nhau”.

Chuyện tình của Wunsch và Helena chắc chắn là một trong những câu chuyện khó tin và gây ngạc nhiên nhất thời Thế chiến thứ hai. 

Helena là con gái của một người điều khiển ca đoàn trong nhà thờ ở thị trấn Humenne, Slovakia. Cô muốn có sự nghiệp gắn liền với sân khấu. Tháng 3/1942, khi 19 tuổi, cô bị đưa lên tàu hỏa cùng với 1.000 cô gái Do Thái khác và bị trục xuất tới Auschwitz-Birkenau.

Trong những ngày đầu tiên ở trại tập trung, Helena bị đưa vào một nhóm lao động có nhiệm vụ phá hủy các tòa nhà đang phá dở trong khu vực. Lính gác cấm họ bỏ chạy dù tòa nhà có đổ. Helena kể lại trong cuộc phỏng vấn năm 2005 trước khi chết: “Chúng tôi không được chạy khi tường đổ xuống, những cô gái đứng phía trên bị tường đè và chết tại chỗ”. 

Thảm cảnh này diễn ra vài tuần liền và trong cơn tuyệt vọng tìm mọi cách để sống sót, các cô gái xô đẩy nhau về phía trước. Chẳng mấy chốc, họ biến thành những con thú chỉ còn bản năng sinh tồn. Helena nhận ra rằng nếu cô còn sống, cô sẽ bị đưa tới một đơn vị có nhiệm vụ bớt khó khăn hơn. Đó là một nhà kho lớn ở khu vực thứ hai của trại Auschwitz gần Birkenau, có tên là Canada. Đây là nơi tư trang của người Do Thái và những người khác trong trại được xử lý trước khi họ bị đưa tới các phòng khí độc gần đó.

Tù nhân làm việc tại nhà kho Canada có đồ ăn và quần áo ấm. Helena lấy được một bộ đồng phục của một người làm việc tại nhà kho này, nhưng sau khi bị một lính gác phát hiện ra, cô đối mặt với hình phạt bị đưa đến một nơi mà gần như cầm chắc án tử.  

Chú thích ảnh
Unterscharfuhrer Franz Wunsch. Ảnh: Dailymail

Số phận Helena đột nhiên thay đổi không ngờ. Có tin rằng lính gác trại tập trung đang tìm một ca sĩ để biểu diễn tại bữa tiệc sinh nhật của chỉ huy nhà kho Canada. Helena có chất giọng tốt và nếu gây ấn tượng tốt, cô có thể có việc làm lâu dài tại nhà kho này và thoát khỏi cảnh bị đưa tới đơn vị trừng phạt.

Helena vốn không biết nhiều bài hát tiếng Đức và cô đã chọn bài “Love It Was Not”, một bản ballad sầu thảm về mối quan hệ không tình yêu, không hề phù hợp với bữa tiệc sinh nhật. Tuy nhiên, khi nước mắt lăn dài trên má khi Helena hát, chủ nhân bữa tiệc là Wunsch, một người Áo 20 tuổi, đã cảm động. Sau đó, Wunsch đã gặp và đề nghị Helena hát lại bài đó chỉ cho mình nghe.

Helena sốc. Về sau, cô kể lại: “Đột nhiên tôi nghe thấy giọng một con người, không phải là tiếng gầm của động vật. Tôi nghe thấy từ ‘vui lòng’. Tôi ngẩng đầu lên, mắt ngấn nước và nhìn thấy một bộ đồng phục. Tôi nghĩ: ‘Chúa ơi, đôi mắt của kẻ sát nhân đâu? Đây là mắt của một con người’”.

Wunsch đang nhìn chăm chú cô gái trẻ có đôi mắt to đen lay láy, vẻ tươi tắn của cô nổi bật giữa trại tử thần. Một bạn tù mô tả Helena: “Cô ấy như quả đào. Người ta chỉ muốn véo má cô ấy”.

Không ngạc nhiên là sau cuộc gặp đó, Helena được ở lại nhà kho Canada. Ban đầu, cô không dám nhìn Wunsch vì nghe tin đồn anh ta đã giết một tù nhân vì buôn bán hàng cấm. Sau này, Helena kể lại: “Lúc đầu tôi ghét anh ta. Anh ta độc ác như những tên khác. Nhưng dần dần…”.

Wunsch lén lút tuồn thức ăn, kể cả bánh quy cho Helena, kèm theo những mẩu tin kiểu như “Đừng lo. Anh sẽ đưa em ra khỏi đây”. Tình cảm ngày càng lớn mà họ dành cho nhau không qua được mắt của các tù nhân khác tại nhà kho Canada.

Wunsch chỉ nói chuyện với Helena, còn cô thường hát cho người yêu nghe. Có một lần, Wunsch mang cho cô một mảnh ga giường và gối để trải lên nệm rơm đầy bọ chét trong khu nhà ở lạnh giá. Wunsch thường đứng cạnh và nhìn cô khi cô ngủ. Helena nói: “Anh ấy yêu tôi tới phát điên”.

Wunsch viết nhật ký và ghi lại chuyện Helena mắc thương hàn hồi tháng 12/1942, căn bệnh mà nếu mắc phải ở trại Auschwitz thì chỉ có chết. Wunsch đã sắp xếp giường riêng trong nhà kho để có thể chăm sóc Helena, cho cô phần lớn khẩu phần ăn của mình, thậm chí còn cho cả gói đồ chăm sóc cá nhân mà mẹ anh ta gửi cho.

Mối quan hệ của họ là bí mật mở giữa các tù nhân và lính gác ở Auschwitz. Helena lúc nào cũng sợ nếu ai đó ở trại tập trung báo cho cấp trên về mối quan hệ của họ. Cả hai chắc chắn sẽ bị tử hình vì lính gác có quan hệ tình ái với một người cấp thấp hơn là vi phạm nghiêm trọng quy định thuần khiết chủng tộc của Đức Quốc xã.

Chú thích ảnh
Chuyện tình trái ngang trong trại tập trung Auschwitz. Ảnh: Timesofisrael

Mặc dù các tù nhân gần gũi với Helena cũng được hưởng lợi khi Wunsch cho cô nhiều đồ ăn và đối xử tốt, nhưng những người khác thì giận dữ vì họ coi cô là người phản bội hoặc ghen tị vì cô không phải chịu cơn đói cồn cào như họ. Một người từng là bạn tù của Helena kể lại: “Ai cũng ghen tị sâu sắc khi cô ấy có cơ hội đó, còn chúng tôi sẽ như lũ cừu tới lò mổ”.

Vì được Wunsch ưu đãi, Helena phải chịu sự cay đắng từ bạn tù. Một vài người nói những lời lẽ nhục mạ cô, và khi có cơ hội, họ đánh cô. 

Mối quan hệ giữa Wunsch và Helena kéo dài hơn hai năm và cô thừa nhận cảm thấy xung đột sâu sắc về mối tình này. Dù vậy, cô cho rằng nhờ mối tình với Wunsch mà cô đã cứu được nhiều người. Bạn tù thường tới gặp cô xin giúp đỡ và cô sẽ đưa cho Wunsch những mẩu giấy ghi số tù nhân và từ “giúp”. Anh ta đọc mẩu giấy và bảo với cô: “Vì em, điều gì cũng được”.

Một số bạn tù của Helena xác nhận chuyện này có thật vì Wunsch thường bỏ qua những sai lầm của tù nhân mà những lính gác khác sẽ đánh họ tới chết nếu mắc phải. Một người nhớ lại rằng mình từng mắc bệnh và sốt tới 40 độ C, nằm vật ra giữa đống quần áo phải sắp xếp. Người này cho biết mình sẽ không còn sống nếu Wunsch không giả vờ không nhìn thấy cảnh đó.

Nhưng lòng tốt của Wunsch có phải chỉ để gây ấn tượng với Helena? Một cựu tù nhân còn sống kể rằng Wunsch là một người tàn bạo thực sự, như một người khác hoàn toàn khi anh ta đối xử với tù nhân nam, đánh đập họ dã man khi họ tới lấy các gói quần áo. Có vài lần, chính Helena đã nhìn thấy Wunsch ra đòn đánh đập và bám lấy tay anh ta để anh ta dừng lại. 

Cái ngày mà chuyện tình của Wunsch và Helena tới tai cấp trên cũng đã tới.

Đón đọc kỳ cuối: Ám ảnh

Thùy Dương/Báo Tin tức (Dailymail)
Chuyện tình kỳ lạ tại trại tập trung tử thần Auschwitz - Kỳ cuối
Chuyện tình kỳ lạ tại trại tập trung tử thần Auschwitz - Kỳ cuối

Tháng 10/1943, có ai đó báo cáo cấp trên là Wunsch và Helena yêu nhau và Helena bị tống vào phòng giam chật chội, chỉ đủ chỗ cuộn người trên sàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN