Kỳ cuối: Ám ảnh
Trong 5 ngày liền, người ta thẩm vấn cô về Wunsch, dồn cô vào đường cùng và nói là cô sắp bị xử bắn. Tuy nhiên, Helena vẫn kiên quyết với lời khai ban đầu là mình vô tội và điều ngạc nhiên là cô không bị hành quyết. Trong 5 ngày đó, Wunsch cũng làm điều tương tự. Khi anh ta bị đưa tới trước tòa án, thẩm phán đã tha cho anh ta.
Lần suýt chết này cũng không thể chia tách cặp tình nhân và họ tiếp tục mối quan hệ, có điều bí mật hơn. Cấp trên trực tiếp của Winsch nhắm mắt làm ngơ trước mối quan hệ này. Một người thừa nhận: “Một cô gái xinh đẹp đến vậy. Tôi có thể hiểu tại sao”.
Mặc dù Wunsch mê đắm Helena ngay từ đầu, nhưng Helena thừa nhận tình cảm của mình sâu sắc dần lên khi thấy anh ta liên tục mạo hiểm mạng sống vì mình. Cuối cùng, dần dần, Helena thực sự yêu.
Có một sự cố đặc biệt đã khiến tình cảm của Helena thay đổi. Đó là khi Wunsch cứu mạng em gái Roza của cô. Nhiều thành viên gia đình cô đã bị giết hại tại Auschwitz. Một hôm nọ, cô nghe tin Roza đã tới trại này với con gái 6 tuổi và con trai mới sinh.
Phớt lờ giờ giới nghiêm, Helena đã chạy tới lò thiêu khi lực lượng Đức Quốc xã đã đưa ba mẹ con Roza vào xếp hàng để vào phòng hơi độc. Lò thiêu này do bác sĩ Josef Mengele khét tiếng có biệt danh “sứ giả thần chết” tại Auschwitz chỉ huy. Sau khi cầu xin thả họ bất thành, Helena nói với các lính gác là muốn chết cùng họ. Lính gác sắp để Helena toại nguyện thì Wunsch chạy tới sau khi được một tù nhân báo tin. Giả vờ đánh đập Helena dã man vì vi phạm giờ giới nghiêm, Wunsch thì thầm: “Nói nhanh! Tên em gái em là gì?”, rồi đảm bảo với bác sĩ Mengele rằng Roza sẽ là một người lao động có ích.
Roza đang ở trong phòng thay đồ thì được đưa tới nơi an toàn. Bi kịch là các con Roza không thể thoát. Ngoài các cặp sinh đôi mà Mengele muốn giữ để làm thí nghiệm, Đức Quốc xã không muốn để trẻ em còn sống và hai con của Roza tiếp tục bị đưa vào phòng hơi độc.
Tháng 1/1945, người Nga tiến tới quá gần Auschwitz đến mức tù nhân có thể nghe thấy tiếng súng của họ. Lính Đức Quốc xã bị điều đi chiến đấu ở mặt trận và tù nhân được sơ tán. Wunsch kể lại trong nhật ký về lần nói lời chào lần cuối với Helena, người con gái Do Thái mình yêu: “Anh yêu em nhiều lắm”. Trong nhật ký, Wunsch viết: Cô ấy khóc và nói: “Em xin anh, Franz, đừng quên em”. Đó là những lời cuối cùng của Helena. Cô ấy ôm tôi lần cuối. Chúng tôi hôn nhau rất lâu.
Sau này, Helena thừa nhận chắc chắn đã có tình cảm với Wunsch. Trước khi đi, Wunsch đã đưa giày lông cho hai chị em gái để họ có thể vượt qua hành trình tử thần trong thời tiết băng giá, sơ tán khỏi trại Auschwitz và trở về quê nhà.
Cả hai người đều còn sống sau chiến tranh. Wunsch điên cuồng tìm Helena sau khi các bên tham chiến chấm dứt thù địch, viết không biết bao nhiêu thư để nói rằng mình vẫn yêu cô và hi vọng họ có thể đoàn tụ. Một lá thư có đoạn: “Sau đó chúng ta sẽ ở bên nhau, giữ những lời hứa mà chúng ta đã nói với nhau”.
Nhưng trong vòng một năm sau đó, Helena đã kết hôn với một nhà hoạt động theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Một trong những họ hàng của Helena cuối cùng đã viết thư lại cho Wunsch, bảo anh ta ngừng viết thư, nói rằng họ bị cấm liên lạc với tội phạm Đức Quốc xã và anh ta sẽ không bao giờ rửa sạch nổi máu của hai đứa con của Roza khi anh ta đã để chúng chết trong phòng hơi độc.
Bạn bè nói Helena sợ Wunsch có thể tìm cô nên họ đã dọn tới Israel vì nghĩ rằng anh ta không dám tới đó. Tuy nhiên, những nỗi đau mà Helena chịu đựng trong trại Auschwitz không bao giờ rời bỏ cô.
Sau này, ba con của Helena kể lại với các nhà làm phim tài liệu rằng mẹ mình bị kích động bạo lực, khiến bà đập phá đồ đạc và có lần còn tuyên bố gia đình họ bị nguyền rủa.
Có một tình tiết bất ngờ trong câu chuyện tình vượt ranh giới của họ. Năm 1972, Wunsch bị đưa ra xét xử ở Áo vì giết hại tù nhân trại Auschwitz. Khi đó, Wunsch cũng đã kết hôn. Vợ ông ta là Thea đã viết thư cho người tình cũ của chồng, cầu xin bà cung cấp bằng chứng có lợi cho chồng.
Helena chấp nhận đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bỏ qua lời dọa giết của những người Israel giận dữ vì bà muốn giúp một kẻ giết người Đức Quốc xã, Helena đã xuất hiện tại phiên tòa ở Vienna. Bà kể: “Tôi đã nuôi nấng gia đình mình. Tôi đã yêu chồng tôi. Nhưng quá khứ vẫn ám ảnh tôi”.
Các nhà quan sát phiên xét xử cho biết Thea Wunsch chỉ ăn mặc đẹp và trang điểm vào ngày Helena làm chứng trước tòa. Helena không bao giờ nhìn vào Wunsch từ khu vực nhân chứng khi bà nói với tòa rằng ông ta lúc nào cũng rất tốt với bà và các nữ tù nhân khác, nhưng nói rằng ông ta thường đánh tù nhân nam.
Bà kể có lần Wunsch nhờ bà băng bó bàn tay sau khi đánh tù nhân nhưng bà từ chối, nói rằng bà sẽ không bao giờ băng bó cho bàn tay đã đánh anh em của bà. Wunsch đã khóc khi Helena nói trước tòa.
Wunsch cho biết ông ta không bao giờ đánh ai tới chết hay lùa tù nhân vào phòng hơi độc và nói rằng muốn ra tiền tuyến hơn là làm việc tại trại tập trung. Như mọi thành viên Đức Quốc xã người Áo khác, Wunsch trắng án. Helena không bao giờ nhắc tới Wunsch lần nào nữa.
Trái lại, Wunsch thì khác. Trong một video quay tại nhà năm 2003, ông giải thích với gia đình mình không chút xấu hổ về mối quan hệ với Helena trong trại tập trung tử thần.
Video giới thiệu phim tài liệu "Love It Was Not":
Con gái Magda của Wunsch kể lại rằng khi mình 16 tuổi, bố đã nói rằng đời ông chưa bao giờ cảm thấy tình yêu thực sự nào như tình yêu ông dành cho người phụ nữ ông đã bỏ lại năm 1945 đó. Những câu nói của bố đã khiến Magda thấy một chút không thoải mái. Sau đó, Wunsch đưa cho con gái xem một trái tim có lồng ảnh của ông và Helena. Magda nói với các nhà làm phim tài liệu: “Tôi nghĩ chuyện đó hơi kỳ quặc. Lẽ ra phải là ảnh mẹ tôi trong đó”.
Nhưng khi đó, bản thân chuyện tình giữa một lính gác Đức Quốc xã và một tù nhân trại tập trung đã là một điều kỳ lạ rồi. Chuyện tình này là tâm điểm trong bộ phim tài liệu “Love It Was Not” của nhà làm phim Israel Maya Sarfaty, đưa ra góc nhìn lạ thường về chuyện tình bị cấm đoán.
Xem kỳ 1 tại đây: Kỳ 1: Mối tình ngang trái giữa tù nhân và lính gác