Chiến tranh Trung Đông năm 1967 nơi Liên Xô và NATO thử nghiệm vũ khí mới

Nhân sự kiện những căng thẳng gần đây giữa các nước vùng Vịnh, ông Andrei Kots, cộng tác viên của hãng tin Sputnik, đã có các đánh giá đáng lưu ý về cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 giữa Israel với liên quân Arab.

50 năm trước đây, vào ngày 10/6/1967, Chiến tranh 6 ngày – cuộc xung đột vũ trang ngắn nhất trong nửa cuối thế kỷ XX – kết thúc. Và theo nhận định của ông Andrei Kots, thì cuộc chiến này chính là nơi thử nghiệm những loại vũ khí hiện đại nhất vào thời điểm đó của Liên Xô và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bức ảnh chụp chiến đấu cơ của Israel ngày 1/3/1967. Ảnh: AFP

Cuộc xung đột vũ trang giữa Israel với liên quân Arab gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Algeria diễn ra từ ngày 5/6 đến ngày 10/6/1967. Ngay từ đầu cuộc chiến, quốc gia Israel non trẻ đã tìm cách phá hủy hầu hết lực lượng không quân của Ai Cập và sau đó chuyển sang đánh chiếm bán đảo Sinai, Dải Gaza, khu Bờ Tây sông Jordan, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt được quan tâm trong cuộc Chiến tranh 6 ngày không phải là chiến lược và những chiến thuật của các bên liên quan mà chính là những loại vũ khí được sử dụng trong cuộc đối đầu này.

Điểm chính của vấn đề chính là những loại xe tăng và máy bay mới do Liên Xô sản xuất cũng như của các nước thuộc khối NATO lần đầu xuất hiện trên chiến trường. Sau đó, những loại vũ khí này đã được sử dụng và tiếp tục được sử dụng trong hàng chục cuộc xung đột khác trên thế giới.

Ông Kots cho rằng: “Trên thực tế, trong suốt cuộc Chiến tranh 6 ngày, ngành công nghiệp quân sự của cả Liên Xô và phương Tây đều đã cố gắng tìm hiểu xem thiết kế của bên nào tốt, hiện đại và hiệu quả hơn. Cũng như ngày nay, vào thời điểm hơn nửa thế kỷ trước họ đã không thể có câu trả lời một cách rõ ràng”.

Nhà báo Kots cho biết, những trận đấu xe tăng trong cuộc Chiến tranh 6 ngày đã đi vào lịch sử bởi cuộc chiến này đã huy động số lượng xe tăng nhiều nhất kể từ sau Thế chiến II. “Hai bên sử dụng hơn 2.500 xe tăng hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng tham chiến. Trong khi đa số các phương tiện này được cho là lỗi thời vào thời điểm năm 1967 thì cũng xuất hiện nhiều loại vũ khí hiện đại”.

Đầu những năm 1960, Liên Xô đã cung cấp cho Ai Cập và Syria hàng trăm xe tăng chủ lực T-55 hiện đại nhất vào thời kỳ đó. Và T-55 là một trong những loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

Xe tăng hạng trung T-55 của Liên Xô.

Theo ông Kots, “T-55 là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống bảo vệ chống vũ khí hạt nhân tự động, đồng thời là phương tiện bọc thép đầu tiên của Liên Xô sử dụng hệ thống bảo vệ chủ động Drozd. Pháo D-10T2S của T-55 có thể tấn công hiệu quả hầu hết các phương tiện bọc thép của phương Tây, trong khi đó hình dáng của T-55 cho phép nó ẩn nấp hiệu quả trong địa hình khác thường”.

Cùng thời gian này, М-51 Super Sherman, phiên bản nâng cấp của xe tăng M4 Sherman của Mỹ, được coi là quân bài chiến thắng chủ yếu của Các lực lượng quốc phòng Isreal (IDF). Loại phương tiện bọc thép này từng được khoe khoang là trang bị khẩu pháo 105mm mạnh mẽ, động cơ diesel Cummins VT8-460 đáng tin cậy, hộp số tự động và bánh xích rộng 23 inch (58,42cm).

Ông Kots lưu ý rằng: “Trong môi trường khí hậu đặc biệt tại Trung Đông, Super Sherman đã không thể chứng tỏ khả năng tin cậy và không khoe khoang” khi gây tổn thất nặng nề nhất cho Israel tại mặt trận Syria. “Trong khi giao chiến với những chiếc tăng của Liên Xô tại Cao nguyên Golan, IDF mất 160 chiếc Super Sherman và những chiếc xe tăng Centurion do Anh sản xuất. Trong khi đó, Syria chỉ thiệt hại 73 phương tiện, gồm có 10 chiếc T-54 và T-55”.

Nhà nghiên cứu Kots cho rằng, huấn luyện không đầy đủ chính là điểm yếu lớn nhất, khiến liên quân Arab thất bại trong cuộc Chiến tranh kéo dài 6 ngày. “Kinh nghiệm từ cuộc Chiến tranh 6 ngày cho thấy, ngay cả khi sở hữu những chiếc xe tăng hiện đại nhất nhưng với kíp lái được huấn luyện sơ sài điều khiển tất yếu sẽ chiến bại khi đối đầu với những phương tiện cũ kỹ hơn nhưng được những binh lính nhiều kinh nghiệm điều khiển”.

“Ngoài ra, các phương tiện bọc thép của liên quân Arab đã liên tục bị máy bay tiêm kích và ném bom của Israel bất ngờ tấn công, gây thiệt hại nặng nề. Điều đó cho thấy, trong những cuộc xung đột vũ trang tương lai, chiến thắng sẽ thuộc về bên nào có khả năng chiếm ưu thế và duy trì sức mạnh vượt trội trên không”.


Đáng chú ý, ngoài loại tăng T-55 của Liên Xô, liên quân Arab đã sử dụng những chiếc tiêm kích phản lực thế hệ thứ 3 MiG-21, một trong những loại máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới lúc bấy giờ.

Xe tăng Sherman M-51 (Isherman) tại Bảo tàng Yad la-Shiryon, Israel.

Tuy nhiên, MiG-21 đã gặp kẻ thù chủ yếu trên không phận Trung Đông là chiếc Dassault Mirage III do Pháp sản xuất. Mặc dù cả hai loại máy bay đều thể hiện khả năng cơ động tuyệt vời và đặc tính về tốc độ vượt trội, nhưng MiG-21 đã chứng tỏ được tính năng hiệu quả hơn trong chiến đấu nhờ các tên lửa không đối không tầm ngắn điều khiển hồng ngoại R-13M.

Theo thống kê của ông Kots: “Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày, Ai Cập, Syria và Iraq đã mất 19 tiêm kích MiG-21 trong các trận không chiến. Một trong số đó đã bị hệ thống tên lửa đất đối không S-75 của Ai Cập bắn nhầm ngay sau khi chiếc máy bay này khống được máy bay chiến đấu của Israel. Về phía Israel, nước này đã mất 8 hoặc 10 chiếc Mirages trong cuộc chiến với máy bay do Liên Xô chế tạo. Mặc dù phải chiến đấu với số lượng máy bay chiến đấu vượt trội tuyệt đối của Israel, nhưng các phi công Arab thực sự đã có màn thể hiện quả cảm”.

Một lần nữa, các trận không chiến trong cuộc Chiến tranh 6 ngày cho thấy mô hình tương tự như các hoạt động chiến đấu trên mặt đất: huấn luyện kém đã cản trở sự vượt trội về công nghệ. Nhà báo Kots khẳng định, “mặc dù có ưu thế về công nghệ, nhưng các phi công của liên quân Arab có kỹ năng kém hơn đối thủ và không thể phối hợp tác chiến hiệu quả với lực lượng phòng không của họ”.

Thay lời kết luận cho các nhận định của mình, ông Kots đã trích dẫn lời của phi công nổi tiếng của Israel Eitan Carmi trả lời phỏng vấn sau cuộc Chiến tranh 6 ngày. Ông Carmi thừa nhận: “Nếu những chiếc MiG được các phi công Liên Xô điều khiển, cuộc chiến có thể đã có kết thúc khác đi”.

Hữu Tiến/Báo Tin Tức
 Số phận quả bom hạt nhân suýt tàn phá Ai Cập-Kỳ cuối
Số phận quả bom hạt nhân suýt tàn phá Ai Cập-Kỳ cuối

Quả bom hạt nhân sẽ được kích nổ trên bán đảo Sinai, cách nơi đóng quân của Ai Cập 20 km, nhưng không đủ gần để tàn sát họ. Vụ nổ hạt nhân chỉ mang ý nghĩa làm thay đối cán cân quyền lực trong cuộc chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN