Những “át chủ bài” của Không quân Israel-Kỳ 1

Không quân Israel (IAF) thành lập ngày 28/5/1948, đúng hai tuần sau khi Nhà nước Israel ra đời. Từ một lực lượng pha tạp gồm các phi công kỳ cựu thời Chiến tranh Thế giới thứ hai cùng với các máy bay cũ kỹ, IAF đã phát triển vượt bậc trở thành một trong những lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới.


IAF là một trong những lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới.


Kể từ khi ra đời đến nay, IAF đã chứng tỏ là lực lượng phòng thủ hữu hiệu của Israel với khả năng yểm trợ đường không chặt chẽ cho lực lượng mặt đất, đồng thời tung ra những đòn tấn công uy lực vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Trong ba thập kỷ qua, lực lượng này cũng đóng vai trò chống khủng bố, sử dụng các đòn không kích để ám sát các thủ lĩnh khủng bố và phá hủy các kho vũ khí trải dài từ Tunisia đến Sudan.

Theo ước tính, IAF hiện có 648 máy bay các loại, được bảo dưỡng và vận hành bởi 35.000 quân thường trực. Bên cạnh đó còn có lực lượng dự bị gồm 24.500 người có thể huy động trong thời chiến. Lúc tổng động viên, bình quân mỗi máy bay có khoảng 91 người phục vụ, cao hơn nhiều so với con số 30 người của Không quân Ai Cập và 38 người của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia.

Thực tế các cuộc chiến tranh và xung đột với Palestine nói riêng và thế giới Arab nói chung đã cho thấy Israel sở hữu 5 thứ vũ khí đầy uy lực giúp nước này thống trị vùng trời Trung Đông. Đó là:

Máy bay tiêm kích F - 15A/C Baz ("Falcon" - Chim ưng)

Israel tiếp nhận những chiếc F - 15 Eagle đầu tiên trong khuôn khổ chương trình "Peace Fox" (Cáo Hòa bình). Bốn chiếc F - 15A, phiên bản tiền thân của loại F - 15C sau này, được chuyển giao vào ngày 10/12/1976. Vào thời điểm đó, Tham mưu trưởng Không quân Israel, Trung tướng Mordecai Gur, đã tuyên bố rằng "một quốc gia có trong tay các máy bay chiến đấu F - 15 sẽ khác hẳn với những quốc gia không sở hữu nó". Và cuối cùng, Không quân Israel được trang bị tới 58 chiếc F - 15.


Rất nhiều phi công Israel đã lái những chiếc máy bay đó, thứ vũ khí mà IAF dự đoán rằng sẽ tạo cho Israel ưu thế vượt trội về không quân, không những trên không phận nước này mà bao trùm toàn bộ vùng trời Trung Đông. Israel đã không sai. Ngày 2/6/1979, 6 chiếc F - 15 làm nhiệm vụ yểm trợ đường không trong cuộc chiến chống Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bắn hạ 5 chiến đấu cơ MiG - 21 chỉ trong một lần xuất kích. Chỉ 3 tháng sau, thêm 4 chiếc Mig - 21 bị bắn rơi bởi những chiếc F - 15. Trong cuộc chiến tranh Lebanon từ năm 1976 đến cuối năm 1982, các chiến đấu cơ F - 15 đã bắn rơi tổng cộng 58 máy bay của đối phương mà không chịu bất kỳ tổn thất nào.

Theo thời gian, các máy bay F - 15A đã dần dần được nâng cấp lên phiên bản F - 15C. Các chiến đấu cơ F - 15 Baz tiếp tục tạo ra ưu thế áp đảo về không quân cho Israel.

Máy bay tiêm kích tấn công F - 15I Ra'am ("Thunder" - Sấm sét)

F - 15I Ra'am - phiên bản của máy bay tấn công tầm xa F - 15E Strike Eagle (Đại bàng Tấn công) dành cho Israel - là máy bay chiến đấu đa năng có thể tạo ra ưu thế áp đảo trong không chiến cũng như trong các phi vụ tấn công mặt đất. Israel công bố ý định mua các phiên bản Ra'am đầu tiên vào năm 1994 sau khi nhận ra sự thiếu hụt các máy bay tấn công tầm xa có khả năng bắn hạ các tên lửa hành trình Scud của Iraq trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.


Tổng cộng Israel đã mua 25 chiếc F - 15I Ra'am và việc chuyển giao được hoàn tất vào năm 1998. Những chiến đấu cơ này được trang bị các tên lửa không đối không gồm tên lửa tầm ngắn Python và tên lửa tầm trung AMRAAM. Các vũ khí không đối đất của F - 15I Ra'am gồm có bom điều khiển bằng laser, tên lửa Popeye, các loại bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM (GBU - 31 và GBU - 38). Phiên bản dành cho Israel này còn có hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống hiển thị các thông số tích hợp trên mũ phi công, hệ thống thu thập và truyền tải dữ liệu.

(Còn tiếp)
Đoàn Hùng (Theo The National Interest)
Không quân Israel oanh tạc biên giới Syria-Liban
Không quân Israel oanh tạc biên giới Syria-Liban

Không quân Israel đã thực hiện 2 vụ không kích vào gần khu vực biên giới Syria-Liban, hãng thông tấn nhà nước Liban ngày 25/2 cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN