KẾ HOẠCH THẢ "CON NHỆN" XUỐNG SINAI
Quân đội Israel trên mặt trận Sinai trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày. Ảnh tư liệu IDF
|
Ngày 20/5/1967, Tướng Yitzhak Ya’akov (thường được gọi là Ya’tza), người phụ trách liên kết giữa quân đội Israel (IDF) và toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng dân sự, trở về Israel sau một chuyến đi Mỹ. Ông phát hiện Tổng tham mưu trưởng IDF Yitzhak Rabin đang lâm vào tình trang khủng hoảng. Cuộc chiến tranh với Ai Cập đang ngày một hiện rõ từng phút. Ở miền bắc, các nhà khoa học và kỹ sư thuộc RAFAEL đang xây dựng hệ thống nổ của quả bom hạt nhân, thường được gọi bằng mật danh “con nhện”; Còn ở miền nam, tại Dimona và một số địa điểm khác, các nhóm khoa học gia hạt nhân đang phối hợp lắp ráp lõi hạt nhân hoàn chỉnh đầu tiên của Israel.
Ya’tza lập tức nhận ra rằng, dự án hạt nhân đang thiếu một quy mô tác chiến. Các nhà khoa học chịu trách nhiệm lắp ráp quả bom, nhưng chỉ IDF mới cung cấp được các nguồn lực về con người và vật liệu để khiến công nghệ này trở nên hữu dụng. Vì thế, cuối tháng 5/1967, Ya’tza tự mình vạch ra kế hoạch mang bí danh “Shimshon”. Ý tưởng đằng sau kế hoạch này là cung cấp cho Thủ tướng lựa chọn cuối cùng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tàn phá ghê gớm của Ai Cập – một màn phô diễn sức mạnh hạt nhân. Theo kế hoạch của Ya'tza, quả bom hạt nhân sẽ được kích nổ trên bán đảo Sinai, cách nơi đóng quân của Ai Cập 20 km, nhưng không đủ gần để tàn sát họ. Vụ nổ hạt nhân chỉ mang ý nghĩa làm thay đối cán cân quyền lực trong cuộc chiến.
Ya’tza đã nhận được sự đồng ý từ các sếp của ông là Ze’evy và Weizmann. Nhóm dân sự, dẫn đầu là nhà khoa học Dostrovsky, sẽ mang “con nhện” (thiết bị nổ mới lắp ráp một nửa), và lõi hạt nhân tới địa điểm mục tiêu, để ghép “con nhện” với phần lõi hạt nhân của nó, kết nối hệ thống dây đánh lửa với vị trí điều khiển, rồi chờ lệnh từ Thủ tướng cũng như Tham mưu trưởng IDF.
Tướng Ya'tza (trái), "cha đẻ" của kế hoạch Shimshon - cho nổ bom hạt nhân trên lãnh thổ Ai Cập - trong một bức ảnh chụp năm 1991. Ảnh: Politico
|
Theo kế hoạch, các nhóm quân sự và dân sự sẽ được đưa tới địa điểm mục tiêu trên hai chiếc trực thăng Super Frelon của không quân Israel, loại trực thăng lớn nhất mà nước này sở hữu thời điểm đó, có thể chở tối đa 38 người. Nhóm quân sự sẽ cất cánh từ một đồn cảnh sát cũ ở Gedera, miền trung Israel. Còn nhóm hạt nhân dân sự cũng chuẩn bị cất cánh tại một địa điểm khác thuộc miền trung, nơi lõi và “nhện” lần lượt được đưa tới riêng rẽ từ phía Dimona (Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev) và RAFAEL (Cơ quan phát triển vũ khí Israel).
Địa điểm trực thăng sẽ hạ cánh là một ngọn núi ở miền đông Sinai, cách khu phức hợp quân sự lớn của Ai Cập ở Abu Ageila chừng 20 km, và cách biên giới Israel 15-20km. Một đội lính dù sẽ có nhiệm vụ đánh lạc hướng quân đội Ai Cập trong khu vực để cho nhóm hạ cánh, di chuyển tới mốc “số không”. Một phòng chỉ huy bí mật có nhiệm vụ điều khiển vụ thử sẽ được đặt ngầm trong thung lũng cách khoảng 1,5km so với nơi hạ cánh.
Ngày 5/6/1967, ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Sáu Ngày, Ya’tza và Tamari – hai người chỉ huy của chương trình điều phối Shimshon – luôn ở trong tình trạng báo động cao nhất tại tổng hành dinh IDF ở Tel Aviv, chờ lệnh kích hoạt Shimshon. Sau này Ya’tza kể lại rằng sáng hôm đó ông vẫn tin Shimshon có thể được huy động.
Nhưng cuối buổi sáng, khi các tin tức báo về rằng Không lực Israel đã phá huỷ hầu hết Không lực Ai Cập, Ya’tza hiểu rằng, Shimshon có thể chỉ vẫn tồn tại như một ý tưởng. Chỉ sang tới ngày hôm sau thì đội chỉ huy chiến dịch nổ bom hạt nhân đã được giải tán.
Trên chiến trường, khoảng 7h45 sáng ngày 5/6, khi còi báo động vang lên trên toàn Israel, cũng là lúc không quân Israel (IAF) mở chiến dịch Focus (Moked). Ngoại trừ 12 máy bay phòng ngự, còn lại tất cả gần 200 chiếc máy bay phản lực Israel cất cánh ào ạt tấn công các sân bay của Ai Cập. Cơ sở phòng không của Ai Cập rất yếu, không có sân bay nào được trang bị boong-ke bọc thép để bảo vệ máy bay, nên rất mong manh trước đợt tấn công phủ đầu này của Israel.
Cuộc không kích thành công vượt mức, khiến Cairo hoàn toàn bất ngờ, phá hủy gần như toàn bộ không quân Ai Cập ngay trên mặt đất mà Israel chỉ bị rất ít tổn thất. Hơn 300 máy bay Ai Cập bị phá hủy, hơn 100 phi công bỏ mạng.
Tù binh Ai Cập bị Israel bắt giữ. Ảnh tư liệu IDF
|
Sau thành công của đợt tập kích đầu tiên, không quân Israel chiều hôm đó chuyển sang đánh các sân bay thứ yếu ở Ai Cập cũng như bắt đầu tấn công không lực Jordan, Syria, và Iraq, tiêu diệt hầu hết không quân các nước này. Tối ngày 5/6, ngày đầu tiên của cuộc chiến, không quân Jordan bị xóa sổ, mất hơn 20 máy bay chiến đấu Hunter, 6 máy bay vận tải và 2 máy bay trực thăng. Không quân Syria mất 55 chiếc MiG và 2 máy bay ném bom Ilyushin Il-28...
Vài ngày sau đó, sau khi cuộc chiến đã kết thúc, ai nấy ở Israel đều ăn mừng, Tham mưu trưởng quân đội Israel, tướng Tzur đã tiến hành cuộc họp cuối cùng để tổng kết về Shimshon. Nhóm các nhân vật cao cấp bí mật tham gia Shimshon thảo luận những bài học rút ra và những gì cần làm hiện tại – làm thế nào để đưa dự án hạt nhân trở lại bình thường sau cuộc tập dượt tình huống khẩn cấp vừa qua. Nhưng Ya’tza lại có một ý tưởng sáng tạo khác. Đêm trước cuộc họp, ông viết một bản đề xuất cho Tzur đề nghị vẫn tiến hành một vụ thử hạt nhân. Lý do là Israel nên tận dụng đà chiến thắng để thử công nghệ, cũng như chính thức bước ra thế giới với tư cách một quốc gia hạt nhân. Theo Ya'tza, Israel có thể sẽ không bao giờ có cơ hội tốt hơn để làm điều này.
Nhưng đề xuất của Ya’tza đã bị bác bỏ hoàn toàn; tướng Tzur thậm chí còn không đưa nó ra bàn thảo luận. Cũng không một ai trong cuộc họp nhắc đến vấn đề đó. Mọi người nhất trí đưa dự án hạt nhân trở lại bí mật như trước, như chưa có chuyện gì xảy ra. Về mặt chính trị, Tzur cho rằng việc biểu dương sức mạnh hạt nhân sẽ không có ý nghĩa gì. “Nó có thể phá huỷ những gì chúng ta đã có”, ông nói. Về mặt công nghệ, ông coi đây là một sự ứng biến không chuyên nghiệp.
Trong 5 thập kỷ sau, rất ít người biết đến nguy cơ một thảm kịch hạt nhân xảy ra tại Israel vào đêm trước Cuộc chiến Sáu Ngày. Nhưng với Ya’tza, những sự kiện như vậy không bao giờ có thể quên. Ông coi Shimshon là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất cuộc đời mình.
Xem từ Kỳ 1: Mầm mống hạt nhân
Ngày 10 tháng 6, Israel kết thúc chiến dịch trên Cao nguyên Golan. Ngày hôm sau, lệnh ngừng bắn được ký kết. Israel chiếm được Dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan (bao gồm cả Đông Jerusalem), và cao nguyên Golan. Tổng thể, lãnh thổ Israel rộng ra gấp ba lần, bao gồm cả một triệu người Arab
Tổn thất của Israel thấp hơn nhiều so với ước đoán. Họ mất khoảng 800 binh sỹ, 2.563 binh sỹ bị thương, 46 máy bay bị phá hủy.
Trong khi đó, tổn thất phía khối Arab cao hơn nhiều, khoảng 21 ngàn quân chết và 45 ngàn bị thương. Trong số đó có 10 ngàn quân Ai Cập, với khoảng 1500 sỹ quan, và 20 ngàn quân Ai Cập bị thương. Khoảng 6 ngàn quân Ai Cập bị mất tích. Jordan mất 700 binh sỹ cùng khoảng 2.500 người bị thương. Syria mất 2.500 quân và 5.000 quân bị thương. Khoảng 6 ngàn quân Arab bị bắt làm tù binh và 400 máy bay bị phá hủy. (Wiki) |