Trong Thế Chiến I (1914-1918), lần đầu tiên trong lịch sử, các chiến thuật tấn công theo đội hình xếp hàng và phòng thủ theo đội hình ô vuông rất đặc trưng đã không còn tồn tại. Hình thức chiến tranh trận địa với hệ thống chiến hào điển hình trở thành phương tiện phòng thủ chủ yếu, thành quách pháo đài đã không còn vai trò phòng ngự quan trọng nữa.
Bản đồ hệ thống hào huấn luyện Bustard. |
Các bên phòng thủ trong chiến hào với hệ thống ụ súng máy, dây thép gai, bãi mìn và trận địa pháo dày đặc. Chiến tranh chiến hào ở thời kỳ đó có đặc tính khó tấn công và dễ phòng thủ, nên chiến sự diễn biến chậm chạp, kém năng động và ít có các chiến thắng dứt khoát. Kết cục chiến tranh phụ thuộc vào sức chịu đựng dẻo dai của các bên đối kháng với gánh nặng chiến tranh tiêu hao tổng lực.
Một góc khai quật khảo cổ tại chiến hào tiền tuyến. |
Vào cuối năm 1914, quân đội của các nước tại mặt trận phía tây châu Âu, đối đầu trực diện qua hệ thống chiến hào được xây dựng trải dọc khắp mặt trận. Chiến hào trở thành những bảo tàng chiến tranh, nơi các binh sĩ sống, chiến đấu và thậm chí là hy sinh. Giới học giả hiện đại đã bắt đầu tìm hiểu những thay đổi trong học thuyết chiến lược và chiến thuật quân sự thông qua những nghiên cứu, đánh giá các tư liệu khảo cổ chiến hào. Đã có quá nhiều tài liệu về Thế Chiến I nhưng thực tế cuộc sống của các binh lính dưới chiến hào thời đó đôi khi khác xa với những gì được ghi chép và lưu giữ trong tài liệu chính thức.
Theo những thảo luận tại cuộc hội thảo về khảo cổ học chiến trường tại Luân Đôn năm 2005, các chuyên gia đã bắt đầu nghiên cứu về sự hiện diện của Sư đoàn bộ binh số 3 thuộc Quân đội Hoàng gia Ôxtrâylia (AIF) tại mặt trận đồng bằng Salisbury của nước Anh trong Thế Chiến I. Tiến sĩ Peter Stanley, nhà sử học thuộc Bảo tàng Chiến tranh Ôxtrâylia, cùng hai nhà khảo cổ học của Bộ Quốc phòng Anh, là Martin Brown và Richard Osgood, đã khảo sát điểm huấn luyện của sư đoàn này vào năm 1916, trước khi tiến quân vào mặt trận phía tây cùng các trận địa Somme và Third Ypres.
Vùng đất được nghiên cứu bao gồm Trung tâm huấn luyện quốc phòng trên đồng bằng Salisbury ngày nay của Vương quốc Anh, nơi từng là điểm huấn luyện quân sự từ năm 1897. Với diện tích khoảng 38.000 ha, khu vực này giờ đây vẫn là một căn cứ huấn luyện quan trọng của quân đội Anh. Nhờ được quân đội quản lý bằng các sắc lệnh hạn chế người dân ra vào, vùng đất này đã tránh khỏi những tác động và biến đổi đáng kể trong quá trình phát triển, hoặc bị ảnh hưởng do canh tác quá mức. Kết quả là cảnh quan vùng đất này vẫn được giữ gìn đáng kể, với rất nhiều chứng tích khảo cổ được bảo vệ không chút suy chuyển. Hiện ước tính có khoảng 2.300 điểm khảo cổ học tại đồng bằng Salisbury, bao gồm những điểm di tích có niên đại lên đến 4.000 năm trước Công nguyên.
Từ cuối thế kỷ 19, đồng bằng Salisbury đã được sử dụng trong nhiều hoạt động và hình thức huấn luyện quân sự khác nhau. Những di chứng còn sót lại mô phỏng nhiều xung đột khác nhau của quân đội Anh trong các thời kỳ.
Vì địa điểm này có vô số các điểm khảo cổ học, cả quân sự và phi quân sự, việc tiến hành nghiên cứu khảo cổ tại đồng bằng Salisbury có nhiều khó khăn riêng biệt. Tương tự như tất cả các điểm khảo cổ học chiến trường khác, có nguy cơ khá cao từ các vật liệu độc hại hay vật liệu nổ vẫn còn khả năng kích hoạt. Khu vực huấn luyện, với nhiệm vụ chính là đào tạo các binh sĩ, cũng là nơi đặc biệt đông đúc.
Sư đoàn bộ binh số 3 dưới sự chỉ huy của tướng John Monash được thành lập tại Ôxtrâylia vào tháng 2/1916. Sau khi được thành lập, sư đoàn huy động binh sĩ từ tất cả các bang trên toàn quốc và hình thành ba lữ đoàn bộ binh 9, 10 và 11 (mỗi lữ đoàn bao gồm bốn tiểu đoàn) - cùng một số binh sĩ hỗ trợ bao gồm các kỹ sư, lính pháo binh và lính quân y. Sư đoàn 3 rời Ôxtrâylia vào tháng 6/1916 và đến nước Anh bằng đường biển.
Khi đến Plymouth vào tháng 8/1916, sư đoàn được điều đến Larkhill trên đồng bằng Salisbury. Trong suốt hành trình, các binh sĩ được đón tiếp nồng hậu trên mỗi ngả đường. Ghi chép chính thức của Lữ đoàn bộ binh 38 viết: “Tại Exeter, tiểu đoàn được người dân địa phương đón tiếp với cả trái tim, họ đứng chật ga xe lửa, mang đồ giải khát và thuốc lá cho chúng tôi. Sự đón tiếp ấm áp cho chuyến hành trình đến nước Anh này khiến tất cả chúng tôi đều cảm kích, và nâng cốc cụng ly với những người bạn tốt bụng tại Exeter”.
Vào giữa năm 1916, khu vực quanh Larkhill đã trở thành một “thành phố lính” khổng lồ. Vô số trại lính được dựng lên kéo theo sự phát triển của các rạp chiếu phim, căng-tin và trung tâm Hiệp hội thanh niên cơ đốc (YMCA) được xây dựng để đáp ứng thêm nhu cầu giải trí của hàng ngàn binh sĩ đóng quân tại địa phương.
Sau khi đã đồn trú ổn định, và trải qua một kỳ nghỉ ngắn ở Anh, sư đoàn bắt đầu quá trình ba tháng huấn luyện nặng để chuẩn bị hành quân ra mặt trận phía tây. Tất cả các bài tập trong khóa huấn luyện cần được rèn luyện liên tục. Các binh sĩ tập bắn, ném lựu đạn, tham gia các bài tập đến cấp tiểu đội và trong đó tất nhiên có đào chiến hào.
Minh Châu
Đón đọc kỳ cuối: Những hiện vật biết nói