Năm 1936, Đức Quốc xã mời thế giới đến Berlin dự Thế vận hội. Họ hy vọng đây là một cơ hội hợp pháp hóa chế độ này và thể hiện năng lực thể thao của “chủng tộc thượng đẳng” Aryan. Nhưng tại Thế vận hội năm 1936, Jesse Owens - một ngôi sao điền kinh người Mỹ da đen - đã làm thất bại kế hoạch của Đức Quốc xã.
Owens không chỉ vượt qua các vận động viên Đức trong Thế vận hội mùa Hè 1936 mà còn trở thành vận động viên điền kinh người Mỹ đầu tiên giành được bốn huy chương vàng tại một kỳ Olympic. Owens đã giành chiến thắng ở các nội dung chạy 100 mét, 200 mét, nhảy xa và tiếp sức 4 × 100 mét.
Chỉ trong ngày thứ hai của cuộc thi, Bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels đã giận dữ viết trong nhật ký của mình: “Người Đức chúng ta chỉ giành được một huy chương vàng, ba chiếc thuộc về người Mỹ, trong đó có người da đen. Đó là một sự ô nhục. Người da trắng nên xấu hổ về bản thân mình”.
Câu chuyện về cuộc đời và thành tích của Jesse Owens tại Thế vận hội năm 1936 đã thực sự truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ về sau.
Đường đến Thế vận hội của Jesse Owens
Cậu bé James Cleveland Owens sinh ra trong một gia đình nghèo làm lĩnh canh (thuê đất để trồng trọt) vào ngày 12/9/1913, tại Oakville, tiểu bang Alabama. Từ khi còn trẻ Owens đã sớm thể hiện năng lực của mình như một ngôi sao điền kinh. Sau khi cùng gia đình chuyển đến Cleveland vào năm 1922 - nơi ông có biệt danh là “J.C.” hay “Jesse” - Owens bắt đầu lập kỷ lục tại trường trung học cơ sở Fairmount. Theo các tài liệu lưu trữ, Owens đã chạy quãng đường 100 mét chỉ trong 11 giây. Và chẳng bao lâu sau, anh còn lập kỷ lục ở môn nhảy cao và nhảy xa.
Từ đó, thành tích của Owens ngày càng thăng hoa. Năm 1933, anh giành chiến thắng ba nội dung tại Giải vô địch liên trường quốc gia. Năm 1935, anh thi đấu cho Đại học Bang Ohio (Columbus) trong giải điền kinh Western Conference, nơi anh lập kỷ lục thế giới về nội dung chạy 100 mét và phá kỷ lục thế giới về nội dung chạy 200 mét, chạy vượt rào thấp 200 mét và nhảy xa.
Sau đó, vào năm 1936, Jesse Owens và 311 vận động viên Mỹ khác chuẩn bị tới Berlin, Đức để tham dự Olympic. Năm đó, Thế vận hội diễn ra dưới cái bóng của chế độ Đức Quốc xã khủng khiếp.
Tâm lý bất an về Thế vận hội 1936 tràn ngập hai bờ Đại Tây Dương. Năm trước đó, Ủy ban Olympic Quốc tế đã trao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1936 cho Berlin vào năm 1931 như một sự thừa nhận về sự trở lại của Đức với cộng đồng quốc tế sau Thế chiến thứ nhất, nhưng sau khi lên nắm quyền vào năm 1933, Adolf Hitler lại tỏ ra không chắc chắn về việc tổ chức Thế vận hội.
Hitler thấy ít giá trị trong Thế vận hội, nhưng Bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã, Joseph Goebbels, đã thuyết phục hắn ta điều ngược lại. Goebbels lập luận rằng các cuộc thi đấu thể thao quốc tế có thể thúc đẩy “tính chính danh” của Đức Quốc xã và cho thấy người Aryan thực sự là “chủng tộc thượng đẳng”.
Trong khi đó, một số nước đã cân nhắc tẩy chay Thế vận hội Olympic 1936. Cộng đồng quốc tế nhận thức được sự phân biệt đối xử ngày càng tăng của chế độ Đức Quốc xã đối với người Do Thái, và điều này đã mở rộng sang cả thế giới thể thao. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ, Avery Brundage ban đầu bày tỏ ủng hộ việc tẩy chay, nhưng ông đã thay đổi quyết định sau khi Đức Quốc xã mời ông đến tham quan khu liên hợp thể thao mới xây dựng ở Berlin.
Theo thông tin từ tờ Washington Post vào năm 1996, Đức Quốc xã đã cam kết với ông Brundage rằng 23 vận động viên Do Thái sẽ được mời đến trung tâm huấn luyện Olympic. Nhưng trên thực tế, chỉ có một vận động viên Do Thái là Helene Mayer, được phép thi đấu cho Đức Quốc xã trong Thế vận hội 1936, và đó chỉ là vì cô có hai ông bà là người “Aryan”.
Những chiến thắng huy hoàng
Chính dưới đám mây đen của chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt chủng tộc, câu chuyện về Jesse Owens và Thế vận hội 1936 mới thực sự bắt đầu.
Khi khách du lịch và vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về Berlin vào mùa hè năm 1936, họ chứng kiến một thành phố đầy cờ Olympic và hình chữ thập ngoặc. Họ không nhìn thấy các biển hiệu chống Do Thái mà Đức Quốc xã đã dỡ bỏ trước Thế vận hội.
Vào ngày 1/8, Olympic 1936 bắt đầu diễn ra hoành tráng ở Berlin. Và chỉ vài ngày sau, Jesse Owens sẽ chứng minh sự rỗng tuếch của “ảo tưởng” phân biệt chủng tộc của Đức Quốc xã về quyền lực tối cao của người Aryan.
Ngày 3/8, Jesse Owens giành huy chương vàng ở nội dung chạy 100 mét. Vào ngày 4/8, anh đánh bại nhà vô địch người Đức Luz Long ở nội dung nhảy xa (và sau đó thậm chí còn xây dựng được tình bạn với Long, người đã tự hào khoác tay Owens đi dạo quanh sân vận động và chụp những bức ảnh chung). Vào ngày 5/8, Owens giành chiến thắng ở nội dung chạy 200 mét và sau đó vào 9/8, anh đoạt huy chương vàng thứ tư ở nội dung tiếp sức 4x100 mét.
Tuy nhiên, chiến thắng thứ tư của Owens mang lại buồn vui lẫn lộn vì anh biết rằng mình và một vận động viên da đen khác đã thay thế hai vận động viên Do Thái được cho là sẽ tham gia cuộc đua đó. Owens ban đầu tìm cách phản đối sự thay đổi vào phút cuối này, nhưng anh đã bị huấn luyện viên quát nạt và ra lệnh phải chạy: "Anh hãy làm như những gì được yêu cầu” – ông ta nói.
Bất chấp những cảm xúc mâu thuẫn về chiến thắng cuối cùng của mình, Jesse Owens đã trở thành vận động viên điền kinh người Mỹ đầu tiên giành được bốn huy chương vàng trong một Thế vận hội, một kỷ lục được giữ vững cho đến tận năm 1984. Và những chiến thắng của anh đã thách thức lòng tự mãn và ảo tưởng của Đức Quốc xã về tính ưu việt của chủng tộc Aryan.
Có tin đồn nhanh chóng lan truyền rằng Hitler đã cố tình làm mất mặt Jesse Owens bằng cách từ chối bắt tay anh sau chiến thắng. Nhưng sự thật là Hitler đã không công khai chúc mừng bất kỳ vận động viên nào sau ngày thi đấu đầu tiên, khi hắn được yêu cầu đối xử bình đẳng với các đối thủ.
Bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc xã Goebbels tỏ ra phẫn nộ sau chiến thắng của Owens. Trên tờ báo Đức, Der Angriff, ông ta đã ám chỉ một cách cay đắng rằng người Mỹ thậm chí sẽ không thể tham dự trận đấu nếu không có “những trợ lý da đen” của họ.
Thực tế phũ phàng của tâm lý phân biệt chủng tộc ngay tại Mỹ
Tại Thế vận hội Olympic 1936, Jesse Owens đã ghi dấu ấn trong lịch sử. Nhưng ông không thể thay đổi quỹ đạo của Đức Quốc xã, thậm chí thay đổi quỹ đạo cá nhân của chính mình. Mặc dù Jesse Owens là vận động viên cá nhân thành công nhất tại Thế vận hội 1936, nhưng cuối cùng Đức vẫn giành được nhiều huy chương nhất. Và Thế vận hội phần nào đó đã giúp hợp pháp hóa chế độ Đức Quốc xã ở thời điểm đó.
Nhưng cuộc đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã đã gia tăng trở lại và khủng khiếp hơn ngay khi các du khách và vận động viên quốc tế về nước. Chỉ hai ngày sau khi Thế vận hội kết thúc, người đứng đầu Làng Olympic đã tự sát sau khi bị đuổi khỏi quân đội vì có nguồn gốc Do Thái.
Gần ba năm sau, Thế chiến II chính thức bắt đầu vào năm 1939 với cuộc xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã.
Trong khi đó, Jesse Owens nhận thấy vị trí của ông trong xã hội Mỹ không thay đổi nhiều, bất chấp những thành tích kinh ngạc tại Thế vận hội. Mặc dù Owens đã khiến cả nước Mỹ tự hào nhưng ông không được Tổng thống Franklin D. Roosevelt gặp gỡ, thậm chí gửi lời chúc mừng dành cho bốn huy chương vàng Thế vận hội.
Jesse Owens chua chát nhận xét về cách đối xử với ông sau Thế vận hội: “Khi tôi trở về quê hương, sau tất cả những câu chuyện về Hitler, tôi không thể ngồi phía trước xe buýt. Tôi phải đi cửa sau. Tôi không thể sống ở nơi tôi muốn. Tôi đã không được mời bắt tay Hitler, nhưng tôi cũng không được mời đến Nhà Trắng để bắt tay tổng thống”.
Và khi nghe được tin rằng Hitler đã xa lánh mình tại Thế vận hội, ông nói: “Hitler không hề hắt hủi tôi - chính tổng thống của chúng ta đã hắt hủi tôi… Tổng thống thậm chí còn không gửi cho tôi một bức điện.”
Sau Thế vận hội 1936, Jesse Owens đã phải chật vật để tìm được chỗ đứng của mình. Ông làm những công việc lặt vặt khi danh tiếng giảm sút. Owens thậm chí đã chạy đua với ngựa và mở một cơ sở kinh doanh giặt khô. Sau này, ông viết sách, và đi khắp thế giới với tư cách là đại sứ thiện chí và giữ chức thư ký của Ủy ban thể thao bang Illinois.
Năm 1976 - rất lâu sau khi Đức Quốc xã sụp đổ - Jesse Owens mới nhận được lời chúc mừng từ một vị tổng thống Mỹ. Sau đó, Tổng thống Gerald R. Ford đã trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống cho Owens.
Tổng thống Ford phát biểu: “Vào năm 1936, khi Adolf Hitler đang cố gắng biến các cuộc thi đấu thành một cảnh tượng tôn vinh tư tưởng phân biệt chủng tộc của nhà nước Đức Quốc xã, đã có một phong trào mạnh mẽ ở Mỹ phản đối việc chúng ta tham gia Thế vận hội. Nhưng hóa ra, việc nước Mỹ tham gia kỳ Olympic đó đã đưa ra một lời chỉ trích gay gắt đối với hành vi phân biệt chủng tộc rác rưởi của Hitler. Năm vận động viên người Mỹ da đen đã giành được 8 huy chương vàng ở môn điền kinh. Đặc biệt, một vận động viên người Mỹ đã chứng minh rằng sự xuất sắc không có giới hạn về chủng tộc hay chính trị. Người đó là Jesse Owens.”
Owens qua đời vào ngày 31/3/1980 ở tuổi 66 vì bệnh ung thư phổi. Nhưng di sản của ông với tư cách là một huyền thoại điền kinh thì vẫn còn tồn tại. Dưới bóng tối của chế độ Đức Quốc xã, ông đã chứng minh rằng chính sách của họ, đúng như những gì Tổng thống Ford đã nói – là thứ “rác rưởi”.
Bên dưới lá cờ chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã, Jesse Owens đã chứng minh sự sai lầm của hệ tư tưởng Đức Quốc xã. Lần lượt từ cuộc đấu này đến cuộc đấu khác, người con trai da đen của gia đình lĩnh canh đã giành được 4 tấm huy chương vàng Olympic.