Truyện ngắn Thạch Lam không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột gay cấn, mà gây xúc động độc giả bằng lối kể chuyện tâm tình, tâm sự về những cảnh đời, cảnh sống tối tăm, tù túng, tội nghiệp.
Ngôn ngữ giản dị mà làm say đắm lòng người
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân. Ông sinh ngày 7/7/1910 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức, gốc quan lại.
Là một thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng nhà văn Thạch Lam đã không đi theo lối viết chung của nhóm mà ông tìm đến một phong cách hoàn toàn khác - giản dị và trong trẻo, để rồi những đóng góp về nghệ thuật ngôn ngữ của ông được nhắc đến khá nhiều và có ảnh hưởng sâu đậm trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.
Tác phẩm "Gió đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam.
|
Những sáng tác của nhà văn Thạch Lam khá khiêm tốn về số lượng bởi cuộc đời của một nhà văn tài hoa quá ngắn ngủi. Tác phẩm của ông chỉ vẻn vẹn 3 tập truyện ngắn: “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941); một truyện dài “Ngày mới” (1939); tiểu luận “Theo dòng” (1941); tập tuỳ bút “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong “Quyển sách Hạt ngọc” (1940). Nhưng những gì ông để lại không phải là số lượng đồ sộ của những tác phẩm lớn mà là một phong cách nghệ thuật độc đáo.
Ngôn ngữ của ông rất đặc biệt, giản dị mà làm say đắm lòng người. Những tác phẩm của ông không gân guốc, nhưng thâm trầm và kín đáo. Mỗi truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam như một bài thơ hàm súc, cô đọng với một dư ba vang vọng. Ở đó, “cái ngữ điệu nhỏ nhẹ và man mác thi vị, những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động” đã làm nên một phong cách ngôn ngữ rất riêng, độc đáo và đặc sắc. Nghệ thuật ngôn ngữ của Thạch Lam khá thanh thoát nhưng không hề sáo rỗng mà vẫn toát lên vẻ bình dị hiếm có.
Ngôn ngữ trần thuật của Thạch Lam luôn hướng tới vẻ đẹp của đời sống hàng ngày. Nó tránh xa sự chau chuốt và bác học của ngôn ngữ văn chương trung đại. Ông tìm đến với lối văn giản dị, gọi đúng tên những sự vật, hiện tượng, không tránh né với những lời ăn tiếng nói của đời sống hàng ngày được đi vào trong trang văn Thạch Lam một cách tự nhiên: “Khốn nạn cho Dung, từ bé đến nay không phải làm công việc nặng nhọc, bây giờ tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày” trong tác phẩm “Hai lần chết”.
Ngôn ngữ miêu tả của Thạch Lam cũng khá chân thực nhưng đầy chất thơ. Đó là thứ ngôn ngữ như những sợi tơ giăng mắc vào không gian. Những câu văn ngắn dài theo mạch cảm xúc, những hình ảnh thân thuộc được thi vị hóa “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” trong “Hai đứa trẻ”.
Thạch Lam đã đưa ngôn ngữ của cảm xúc hay nói cách khác là đưa ngôn ngữ của thơ vào trong văn xuôi tạo nên những áng văn đẹp, gợi cảm và giàu xúc cảm, vừa cho ta nhìn vừa cho ta cảm nhận thấy bằng ngôn ngữ của sự từng trải, ngôn ngữ của cuộc đời và mang tính thuần Việt, mang đậm chất Việt…
Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực
Thạch Lam luôn tâm niệm: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên…, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Đó có thể coi là "Tuyên ngôn văn học" của Thạch Lam. Quả thật, trong toàn bộ gia tài sáng tạo của ông, hầu như không một trang viết nào lại không thắm đượm tinh thần đó. Thạch Lam đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Khung cảnh thường thấy trong truyện ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với một bầu trời ảm đạm, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng...
Trong khung cảnh ấy, các nhân vật cũng hiện lên với cái vẻ heo hút, thảm đạm của số kiếp lầm than - Đó là mẹ Lê, người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ Đoàn Thôn; là bác Dư phu xe ở phố Hàng Bột; là Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng ngoại ô; là cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn...
Tất cả những cảnh, những người ấy đều được mô tả bằng một số đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực. Tác phẩm của Thạch Lam vì thế có nhiều yếu tố hiện thực, tuy nhân vật không dữ dội như Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao, hay bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố... Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam chính là ở lòng nhân ái và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông.
Nhân vật Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam. Thạch Lam đôi khi còn đặt nhân vật của mình vào vùng ranh giới tranh chấp giữa cái thiện và cái ác, để rồi tự bản thân con người bằng việc thức tỉnh của lương tri, của phẩm giá, xác lập chỗ đứng tốt đẹp cho mình trong cuộc sống đầy bùn nhơ của xã hội cũ. Đó là trường hợp của nhân vật Thanh trong truyện ngắn “Một cơn giận” hoặc Thành trong truyện ngắn “Sợi tóc”.
Thạch Lam cũng đã phát huy tối đa sự phong phú của tiếng Việt và ngôn ngữ của ông luôn hướng tới cái đẹp của sự bình dị khác hẳn với sự chau chuốt, bóng bẩy và tượng trưng của giai đoạn văn học trung đại. Ông là cây bút có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể loại văn xuôi trong văn học Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Nguyễn Tuân đã nhận xét về ngôn ngữ văn chương Thạch Lam rất sâu sắc “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”.
Thạch Lam đã mang tới những đóng góp không nhỏ trong quá trình hiện đại hóa văn học trên phương diện ngôn ngữ và mang dấu ấn rất riêng của cây bút lãng mạn, giàu xúc cảm và tài hoa.