Kỳ 1: Cuộc chạm trán kinh hoàng
Trung tá William Rankin là phi công Thủy quân lục chiến Mỹ, với kinh nghiệm tham chiến trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng người ta nhớ tới ông nhiều nhất với tư cách là người đầu tiên trên thế giới giữ được tính mạng khi rơi xuyên qua đám mây vũ tích và đáp xuống dưới mặt đất an toàn.
Ông Rankin đã ghi lại chiến công sống sót đáng kinh ngạc này trong hồi ký mang tên “The Man Who Rode Thunder”, tạm dịch là “Người đàn ông cưỡi sấm sét”. Đáng buồn thay, cuốn sách đó đã dừng in từ lâu. Một số bản in hiếm còn được lưu hành thường có giá rất cao.
Sự cố kinh hoàng đó xảy ra ngày 26/7/1959. Vào ngày định mệnh này, Trung tá William Rankin (39 tuổi) cùng người đồng đội Herbert Nolan điều khiển hai chiếc máy bay F-8 Crusader qua biển Carolina, bay từ Trạm Không quân Hải quân ở Nam Weymouth đến Trạm Không quân Thủy quân lục chiến ở Beaufort.
Thời tiết hôm đó trong lành và đầy nắng, cho đến khi họ bay qua thành phố Atlantic. Bầu trời tại đây bắt đầu trở nên mờ mịt và Rankin nhận thấy rằng một cơn bão khủng khiếp đang ập đến. Trong khi đó, họ vẫn còn nửa giờ nữa mới đến đích. Nhanh chóng, họ phát hiện chướng ngại vật là một đám mây tích điện khổng lồ, đỉnh cao nhất của nó nằm ở độ cao 13.700 mét so với mặt đất. Họ quyết định tăng độ cao để bay phía bên trên đỉnh của mây giông.
Trước đây, Trung tá Rankin đã từng bay trong một đám mây giông và trải nghiệm lúc đó dữ dội đến mức trở thành bài học khắc cốt ghi tâm rằng tốt nhất hãy tránh xa chúng.
Ông nhẹ nhàng kéo cần lái nâng chiếc máy bay chiến đấu siêu thanh F-8 Crusader lên cao dần dần. Mục tiêu của phi công giàu kinh nghiệm này là vượt qua đám mây bão đang hình thành ngay trước tầm mắt.
Ông liên tục theo dõi máy đo độ cao. Ở 13.700 mét, ông vẫn quan sát thấy đỉnh của đám mây. Máy bay tiếp tục tăng độ cao và di chuyển ở vận tốc Mach 0.82. Ở khoảng cách 14.600 mét so với mặt đất, chiếc máy bay đã vượt qua hẳn đỉnh cơn bão. Khi đó, những ngón tay của Rankin mới dám thả lỏng cần điều khiển để máy bay chững lại. Người đồng đội là Trung úy Herbert Nolan, người đang điều khiển chiếc Crusader phía sau cũng thao tác tương tự Rankin.
Đúng lúc vừa giảm dần độ cao trên đỉnh đám mây “sát thủ”, Rankin đột nhiên nghe thấy một tiếng đập mạnh và âm thanh ầm ầm phát ra từ phía đằng sau và bên dưới máy bay. Một loạt cú lắc giật mạnh ập đến sau đó. Vài đèn cảnh báo trên bảng điều khiển máy bay lập tức bật sáng. Thứ mà người phi công lái máy bay chiến đấu này sợ nhất chính nút báo cháy. Nó cảnh báo hệ thống động cơ sinh nhiệt quá cao và có nguy cơ cháy nổ, hoặc ngọn lửa đã bắt đầu. Rankin phản ứng bằng cách tắt bớt thiết bị để giảm sức ép lên động cơ. Đồng thời, ông gửi cảnh báo ngắn gọn cho người đồng đội Nolan rằng ông có thể phải nhảy dù.
Việc giảm nguồn điện dường như có tác dụng vì chuông báo cháy đã tắt. Rankin thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chỉ thoáng sau, động cơ kêu xèo xèo và dừng hoạt động. Máy bay mất toàn bộ nguồn điện cùng điện thủy lực. Khi nguồn điện thủy lực không còn, việc điều khiển máy bay trở nên bất khả thi. Rankin đã cố gắng kích hoạt nguồn điện phụ, nhưng khi ông kéo cần kích hoạt, thì thật ngạc nhiên, tay cần gãy ra. Cách duy nhất còn lại là phóng ra.
Nhưng với độ cao hiện tại 14.300 mét, khó có thể thoát ra ngoài an toàn. Nhiệt độ bên ngoài thấp dưới mức đóng băng và áp suất khí quyển thấp đến mức nguy hiểm. Rankin chỉ mặc một bộ đồ bay dành cho mùa hè. Trước khi cất cánh, ông không nghĩ mình cần mặc bộ đồ chịu áp lực cho chuyến bay này.
Tệ hơn nữa, máy bay vẫn đang tăng độ cao mà không có điện, khiến ông không có cách nào để hạ thấp hơn để bật dù. Chờ máy bay giảm vận tốc và tự hạ độ cao cũng là một phương án, nhưng phương án này tiềm ẩn những nguy hiểm riêng. Máy bay có thể quay tròn hoặc đạt tốc độ siêu âm, khiến việc bung dù nhảy ra không khác nào tự sát.
Cuối cùng, đúng 6 giờ chiều, đánh giá máy bay không thể phục hồi và không muốn lãng phí thêm thời gian quý giá nữa, trung tá William Rankin quyết định kéo cần phóng khẩn cấp để nhảy dù ra ngoài.
“Tôi cùng lúc nghe và cảm nhận được tiếng nổ của ghế phóng, giống như thể một con voi đực khổng lồ đã đá vào phía sau tôi và mũi nó khịt ra tiếng nổ lớn. Cảm giác lúc đó nhẹ nhõm vô cùng vì tôi biết mình sắp thoát ra ngoài. Ít nhất thì ghế phóng không bị lỗi”, ông kể lại trong cuốn sách.
Ngay khi Rankin tiếp xúc với không khí -50 độ, tứ chi của ông cứng đờ. Ông cảm giác như thể bị ném vào tủ đông lạnh. Gần như ngay lập tức tất cả các bộ phận hở ra trên cơ thể ông – xung quanh mặt, cổ, cổ tay, bàn tay và mắt cá chân – bắt đầu nhức nhối vì lạnh. Cảm giác sau đó là bỏng rát như bốc cháy. Vài giây sau lại chuyển sang tê dại.
Trong khi đó, thay đổi đột ngột của áp suất không khí làm bên trong cơ thể ông như nổ tung và cơ thể bắt đầu giãn nở. Máu bắt đầu chảy ra từ mắt, tai, mũi và miệng. Còn bụng ông thì nhanh chóng phồng to như phụ nữ mang thai kỳ cuối. Ông viết về phút giây đầy kinh hãi: “Tôi có thể cảm thấy bụng mình căng ra, phồng ra cho đến khi tôi tưởng nó sắp vỡ tung. Mắt tôi như bị xé toạc khỏi hốc mắt, đầu tôi như bị tách ra làm nhiều phần, tai tôi vỡ tung và toàn thân tôi bị co rút dữ dội. Tôi chưa từng trải qua nỗi đau đớn nào khủng khiếp như thế. Tôi tự nhủ mình không thể sống sót, chẳng ai có thể sống sót cả”.
Kỳ cuối: Xuyên qua mây giông